IMF: Thị trường cổ phiếu có thể rớt mạnh trong vài tháng tới
Thị trường cổ phiếu có thể rớt mạnh trong vài tháng tới nếu cuộc khủng hoảng Covid-19 kéo dài và đà hồi phục kinh tế diễn ra trong thời gian dài hơn dự kiến, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo trong ngày thứ Ba (13/10).
Các thị trường chứng khoán rút khỏi mức đáy tháng 9/2020 và hiện đang tăng trên diện rộng cho tới nay. S&P 500 tăng 8% so với đầu năm và chỉ số công nghệ Nasdaq tăng hơn 30% trong cùng kỳ. Đà tăng tích cực của thị trường chứng khoán tương phản với cú sốc kinh tế nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19.
“Sự trật khớp vẫn tiếp tục diễn ra giữa thị trường tài chính – nơi mức định giá ngày càng tăng – và hoạt động kinh tế yếu ớt và triển vọng bất ổn”, Tobias Adrian, Giám đốc bộ phận thị trường tiền tệ và thị trường vốn tại IMF, nói trong một bài đăng trong ngày thứ Ba (13/10).
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng nếu đà hồi phục kinh tế chững lại, niềm tin của nhà đầu tư có thể tan biến như bọt biển.
“Miễn là nhà đầu tư tin rằng thị trường sẽ tiếp tục hưởng lợi từ sự hỗ trợ chính sách, mức định giá tài sản có thể duy trì ở mức cao thêm một khoảng thời gian. Tuy nhiên, nếu đà hồi phục bị chững lại, thì lúc đó sẽ xuất hiện rủi ro giá tài sản bị điều chỉnh mạnh hoặc một giai đoạn biến động cực mạnh”, Adrian viết.
Ông không phải là vị chuyên gia duy nhất theo dõi sự trật khớp rõ ràng giữa thị trường và nền kinh tế.
Chuyên viên phân tích Gary Shilling cảnh báo trong mùa hè năm nay về đà giảm kiểu thập niên 30 trên thị trường cổ phiếu, khi đà hồi phục có vẻ kéo dài hơn và khó khăn hơn dự tính ban đầu của nhiều nhà đầu tư.
Trao đổi với CNBC trong ngày 13/10, Adrian cho biết thành quả của thị trường tài chính trong bối cảnh đại dịch thật sự “rất ấn tượng”.
“Chúng tôi nhận thấy mức định giá cao ở nhiều tìa sản, bao gồm một số phân khúc cổ phiếu”, ông nói.
“Đối mặt với đại dịch Covid-19 – vốn gây nhiều thiệt hại về kinh tế, thị trường đã hồi phục mạnh và điều đó giúp nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng và trở lại mạnh mẽ, nhưng mức định giá dự phóng có thể rất mong manh khi đối mặt với các thông tin bất lợi”, ông chỉ rõ.
Một trong những yếu tố chính châm ngòi cho tâm lý hưng phấn trên thị trường chứng khoán năm nay là gói kích thích tiền tệ từ các ngân hàng trung ương với mục đích ngăn chặn cú sụp trên thị trường lẫn nền kinh tế. Tuy nhiên, IMF cho rằng cách tiếp cận này cần phải được giữ nguyên khi tình trạng dịch bệnh vẫn chưa thấy nhiều dấu hiệu thuyên giảm.
“Tại thời điểm này, chính sách tiền tệ nới lỏng có vẻ hợp lý trên khắp thế giới. Tuy nhiên, một khi đà hồi phục diễn ra hoàn toàn và chúng tôi kỳ vọng điều này diễn ra vào cuối năm 2021 hoặc thậm chí năm 2022, các quan chức phải xem xét lại chính sách tiền tệ”, ông Adrian nói với CNBC.
Nhận định của ông được đưa ra khi IMF điều chỉnh tăng nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong ngày 13/10, sau khi các nền kinh tế phát triển có kết quả tốt hơn kỳ vọng trong quý 2 và quý 3/2020. Tuy nhiên, IMF vẫn cảnh báo đà hồi phục có thể kéo dài và không bằng phẳng.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|