Thứ Sáu, 30/10/2020 08:34

IATA kêu gọi trợ giúp ngành hàng không để tránh phá sản

Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), tổ chức đại diện cho 290 hãng hàng không trên toàn cầu, kêu gọi các chính phủ triển khai thêm các biện pháp cứu trợ để duy trì sức khỏe tài chính của các hãng hàng không ở nước họ, giúp tránh sa thải nhân viên hàng loạt và phá sản.

Do nhu cầu đi lại hàng không lao dốc, Tập đoàn hàng không quốc gia Singapore phải đưa nhiều máy bay đến lưu giữ ở một bãi đậu tại Alice Springs, Úc. Ảnh: Straits Times

Các hãng bay chỉ đủ sức hoạt động thêm 8,5 tháng nữa

Trong báo cáo phân tích mới công bố hôm 27-10, IATA cho biết các hãng hàng không trên thế giới không thể cắt giảm chi phí đầy đủ để kìm hãm tốc độ  ‘đốt tiền’ chi tiêu nhanh chóng cho các hoạt động thường ngày. Báo cáo dự báo tổng doanh thu của các hãng hàng không toàn cầu trong năm 2021 dự kiến thấp hơn 46% so với con số 838 tỉ đô la Mỹ thu được vào năm ngoái.

Con số này còn tồi tệ hơn mức dự báo trước đây của IATA cho rằng doanh thu của họ trong năm tới chỉ giảm 29% so với năm 2019. Do vậy, IATA hối thúc các chính phủ triển khai các biện pháp hỗ trợ các hãng hàng không để giúp họ duy trì sức khỏe tài chính và tránh sa thải nhân viên hàng loạt.

Đà phục hồi nhu cầu đi lại hàng không đang bị cản trở bởi các cơn bùng phát Covid-19 tái trỗi dậy nhiều nơi trên thế giới và các biện pháp hạn chế đi lại của giới chức trách chẳng hạn đóng cửa biên giới và cách ly bắt buộc. IATA dự báo lượng hành khách đi lại hàng không trong năm 2020 sẽ giảm 66% so với năm 2019.

Tổ chức này cho rằng quí 4 năm nay sẽ là thời gian cực kỳ khó khăn đối với hãng bay và có rất ít dấu hiệu, cho thấy triển vọng kinh doanh của họ sẽ cải thiện đáng kể vào nửa đầu năm sau nếu các biên giới vẫn đóng cửa và biện pháp cách ly bắt buộc vẫn áp dụng cho các hàng khách nhập cảnh.

Tổng giám đốc IATA, Alexandre de Juniac cho biết với tốc độ ‘đốt tiền’ như hiện tại mà không có sự cứu trợ của chính phủ, trung bình mỗi hãng hàng không trên toàn cầu chỉ đủ sức duy trì hoạt động thêm 8,5 tháng nữa. Ông nói: “Các hãng bay thể cắt giảm chi phí nhanh để bắt kịp với đà suy giảm của doanh thu”. Khoảng 50% chi phí bị cắt giảm ở các hãng bay trên toàn cầu hiện nay là chi phí cố định hoặc bán cố định ít nhất trong ngắn hạn.

Do vậy, chi phí không thể nào giảm nhanh như doanh thu. Cuộc khảo sát ở 76 hãng hàng không cho thấy chi phí hoạt động của họ trong quí 2 năm nay giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm hơn mức giảm 73% trong doanh thu hoạt động của họ.

Hơn nữa, chi phí đơn vị (CASK- chi phí vận hành tính theo số ghế trên mỗi km) của các hãng hàng không đang tăng vì giờ đây có ít số ghế ngồi hơn để chia nhỏ chi phí khi các hãng bay giảm công suất hoạt động để ứng phó với cú sụp đổ nhu cầu đi lại, IATA nhận định

Các kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy trong quí 3, chi phí CASK của các hãng hàng không tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Để đạt kết quả hoạt động hòa vốn và kìm hãm tốc độ ‘đốt tiền’, chi phí CASK của các hãng bay cần giảm 30% trong năm 2021 so với chi phí CASK trung bình trong năm 2020. Báo cáo của IATA nhận xét: “Mức giảm như vậy là chưa có tiền lệ”.

Hàng triệu việc làm bị đe dọa nếu không hành động nhanh chóng

Theo IATA, khoảng 60% máy bay vận chuyển hành khách trên toàn cầu đều là là máy bay thuê. Dù các hãng bay đã được các công ty cho thuê giảm chi phí thuê nhưng mức giảm chỉ chưa đến 10% so với năm ngoái. Chi phí nhiên liệu là điểm sáng duy nhất nhờ giá dầu thô giảm. IATA cho biết chi phí nhiên liệu của các hãng bay sẽ giảm 42% so với năm 2019. Song tổ chức này dự báo chi phí nhiên liệu sẽ tăng lên vào năm sau khi kinh tế toàn cầu phục hồi, thúc đẩy nhu cầu năng lượng.

IATA kêu gọi các sân bay và các cơ quan kiểm soát không lưu không tăng phí để lấp khoảng trống ngân sách của họ vốn phụ thuộc vào lưu lượng hàng khách trước đại dịch. IATA cũng hối thúc giới chức trách trên toàn cầu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với hành khách trước các chuyến bay để mở cửa biên giới và cho phép đi lại mà không cần cách ly bắt buộc.

Dù không ủng hộ cắt giảm nhân sự hàng không, IATA cho rằng để duy trì mức năng suất lao động của năm ngoái, các hãng hàng không trên toàn cầu cần cắt giảm 40% nhân sự. Ông Alexandre de Juniac cho biết: “Có rất ít tin tức tốt cho vấn đề chi phí trong năm 2021.

Ngay cả khi cắt giảm chi phí tối đa, ngành hàng không vẫn không bền vững tài chính trong năm 2021. Nếu các chính phủ không hành động nhanh chóng, 1,3 triệu việc làm ở các hãng bay sẽ đối mặt rủi ro. Ngoài ra, hiệu ứng domino cũng sẽ khiến 3,5 triệu việc làm khác trong ngành hàng không bị đe dọa cùng với 46  triệu làm được ngành hàng không hỗ trợ trong nền kinh tế rộng lớn hơn”.

Ông cảnh báo sự mất kết nối hàng không sẽ gây tác động nghiêm trọng đến GDP toàn cầu, đe dọa 1.800 tỉ đô la Mỹ trong các hoạt động kinh tế. Ông nhấn mạnh: “Các chính phủ phải hành động mạnh mẽ để tránh tai họa kinh tế và lao động này”.

Khánh Lan

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Anh không giãn cách xã hội bất chấp số ca nhiễm nCoV tăng nhanh (30/10/2020)

>   GDP Mỹ tăng trưởng bùng nổ 33.1% trong quý 3 (29/10/2020)

>   Thua lỗ chồng chất, Boeing sa thải thêm 7.000 nhân viên (29/10/2020)

>   Gần 2/3 doanh nghiệp Anh có nguy cơ vỡ nợ trong vài tháng tới (29/10/2020)

>   S&P: Khó xảy ra khủng hoảng nợ toàn cầu trong 1-2 năm tới (29/10/2020)

>   Fed còn gì để hỗ trợ kinh tế khi Washington trì hoãn gói kích thích? (29/10/2020)

>   Pháp, Đức tái phong tỏa toàn quốc trước làn sóng Covid-19 thứ hai (29/10/2020)

>   Indonesia: Cách tiếp cận nào để hỗ trợ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch? (29/10/2020)

>   Giá thuê nhà giảm mạnh ở nhiều thành phố lớn (29/10/2020)

>   Hơn 70 triệu người dân Mỹ đi bỏ phiếu sớm (28/10/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật