Hơn 150 cuộc kiểm toán: Lộ nhiều sai phạm, chuyển 5 vụ sang công an
Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều sai phạm, hạn chế trong sử dụng vốn, sản xuất kinh doanh của các địa phương, doanh nghiệp.
Dự án đội vốn, địa phương nặng nợ
Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo công tác năm 2020 gửi Quốc hội. Theo kế hoạch kiểm toán năm 2020, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán 169 cuộc kiểm toán. Tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến ngày 30/9/2020 là 52.970 tỷ đồng, trong đó: Tăng thu 3.074 tỷ đồng, giảm chi ngân sách 10.700 tỷ đồng, kiến nghị khác 39.195,5 tỷ đồng.
Đến 30/9/2020, KTNN đã triển khai 147/184 đoàn kiểm toán theo kế hoạch, kết thúc kiểm toán 114/147 đoàn kiểm toán
|
Qua kiểm toán cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán.
Kiểm toán ngân sách bộ, ngành và ngân sách địa phương của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Kiểm toán Nhà nướcđã phát hiện: Công tác xây dựng dự toán cho một số đơn vị chưa sát với thực tế, không bám sát nhiệm vụ chi, dẫn đến cuối năm phải hủy dự toán hoặc không phân bổ, giữ lại ngân sách cấp trên làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách; Phân bổ kế hoạch vốn cho một số dự án chưa đầy đủ thủ tục đầu tư ; không nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020…
Đến 31/12/2019, tại một số địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản với giá trị lớn. Điển hình là tỉnh Ninh Bình 6.338 tỷ đồng; Bắc Ninh 1.805 tỷ đồng; Lạng Sơn 1.702 tỷ đồng; Phú Thọ 1.075 tỷ đồng...; vẫn còn tình trạng để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới hơn 1.900 tỷ đồng.
Ngoài ra, có 9/18 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa báo cáo đầy đủ nợ đọng thuế, số nợ thuế qua kiểm toán phát hiện tăng thêm 1.923 tỷ đồng. Đó là thành phố Đà Nẵng 1.378 tỷ đồng; tỉnh Bắc Ninh 373 tỷ đồng; Lạng Sơn 93 tỷ đồng; Hà Tĩnh 38 tỷ đồng; Lâm Đồng 35 tỷ đồng…
Có 9/18 địa phương sử dụng sai nguồn 366 tỷ đồng; một số đơn vị tại 07/18 địa phương chưa trích lập đủ nguồn cải cách tiền lương theo quy định 2.145,7 tỷ đồng ; 06/18 địa phương sử dụng sai quy định 179,2 tỷ đồng ; kinh phí ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu và các chương trình mục tiêu quốc gia tại 10/18 địa phương còn tồn chưa hoàn trả ngân sách trung ương 722,9 tỷ đồng ...
Nguồn tích lũy tài chính công đoàn gần 29.000 tỷ chưa sử dụng hiệu quả
Đề cập đến kết quả kiểm toán Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước phát hiện việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định Điều lệ Công đoàn và Luật Công đoàn còn hạn chế.
Việc giao biên chế và cơ chế giao kinh phí còn chưa có quy định thống nhất; tại Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố biên chế được giao bởi 3 cấp có thẩm quyền, thực trạng phổ biến tại các tỉnh, thành phố là biên chế giao mang tính “cào bằng” không có sự khác biệt giữa các đơn vị.
Nguồn tích lũy tài chính công đoàn lũy kế đến 31/12/2019 là rất lớn 28.950,2 tỷ đồng và có xu hướng tăng qua nhiều năm gần đây, trong khi nguồn chi cho hoạt động công đoàn còn hạn chế thì nguồn tích lũy tăng dần qua các năm không được sử dụng hiệu quả đã làm giảm hiệu lực trong quản lý và điều hành.
Trong đó cho vay đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư mua cổ phần, góp vốn đầu tư không đúng quy định Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn còn phổ biến, mua cổ phần chưa có cơ chế, cơ sở ràng buộc pháp lý, thiếu sự giám sát, cho vay xây dựng trụ sở kéo dài qua nhiều năm... dễ dẫn đến nguy cơ mất vốn nguồn tài chính công đoàn…
Dự án đội vốn 84% có nhiều sai sót
Khi kiểm toán việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư một số dự án BT thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính và xử lý khác 663,2 tỷ đồng.
Kiểm toán các dự án BT ở Thủ Thiêm cũng phát hiện nhiều vấn đề bất cập.
|
Ngoài ra, chất lượng lập tổng mức đầu tư tại các dự án được kiểm toán chưa tốt, còn bất cập, trong đó: Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía bắc tổng mức đầu tư được duyệt là 3.345,6 tỷ đồng, tuy nhiên giá trị hợp đồng BT được ký kết chỉ là 2.641,3 tỷ đồng, giá trị dự toán tiếp tục được cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư xác định lại hợp đồng BT còn 1.776,5 tỷ đồng (bằng 53% tổng mức đầu tư ban đầu)…
Đặc biệt, kiểm toán Dự án Nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau, Kiểm toán kiến nghị xử lý tài chính và xử lý khác 230,8 tỷ đồng (bằng 13,6% tổng mức đầu tư dự án). Kiểm toán Nhà nước đánh giá việc phê duyệt dự án đầu tư chưa khả thi nên phải điều chỉnh dự án và tổng mức đầu tư lên 1.697 tỷ đồng, tăng 84% so với tổng mức đầu tư ban đầu.
“Trước khi điều chỉnh dự án, chủ đầu tư đã thực hiện xong hạng mục không phục vụ cho dự án gây lãng phí ngân sách nhà nước 25,4 tỷ đồng; phê duyệt thiết kế cơ sở vi phạm hành vi bị nghiêm cấm của Luật Đê điều; công tác quản lý chất lượng công trình còn sai sót dẫn đến ảnh hưởng đến tính an toàn của công trình và khu vực dân cư dọc kênh đào; dự toán được duyệt còn nhiều sai sót làm tăng giá trị dự toán; thi công không đúng thiết kế vẫn lập hồ sơ nghiệm thu thanh toán”, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ.
3 ngân hàng 0 đồng vẫn lỗ nặng
Đối với kiểm toán các doanh nghiệp, tổng công ty, Kiểm toán Nhà nước phát hiện một số đơn vị còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp. Cụ thể, PVOIL sử dụng 12,02 ha đất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp vào mục đích kinh doanh xăng dầu; PVOIL Thái Bình có 5,80 ha đất đang để trống, chưa hoặc không sử dụng; Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư -CTCP có 23,54 ha đất chưa sử dụng hiệu quả; Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn chưa sử dụng 6,3 ha, bị lấn chiếm, tranh chấp 1,96 ha.
Một số tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn. Nợ khó đòi tại PVPower 214,4 tỷ đồng; Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư - CTCP 643,3 tỷ đồng; Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn 17,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước đánh giá chưa có phương án cơ cấu khả thi được phê duyệt đối với 3 ngân hàng được Ngân hàng nhà nước mua bắt buộc trong khi tình hình tài chính của các ngân hàng này ngày càng khó khăn, lỗ lũy kế tiếp tục tăng.
Trong đó: Năm 2018 lỗ lũy kế của Ngân hàng Đại Dương là 15.412 tỷ đồng, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam là 29.755 tỷ đồng, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu là 13.380 tỷ đồng; năm 2019 lỗ lũy kế của các ngân hàng lần lượt là 17.971 tỷ đồng; 31.681 tỷ đồng và 16.280 tỷ đồng.
Chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang công an
Trong 9 tháng đầu năm, KTNN đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với 05 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.
Chuyển hồ sơ đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C03) của Bộ Công an về hành vi trốn thuế TNCN của ông Nguyễn Tài - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kho vận PTL và hành vi có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu tại Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (02 vụ việc);
Chuyển hồ sơ cho Công an thành phố Đà Nẵng vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng 2.375m2 đất tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng của Doanh nghiệp Đa Phước để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Gửi hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Phước để điều tra hành vi, vi phạm trong quản lý và sử dụng hóa đơn của Công ty TNHH MTV Cao Su Bảo Long và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thành Phước (02 vụ việc).
|
Lương Bằng
Vietnamnet
|