Học online bùng nổ, startup gia sư trực tuyến Trung Quốc được định giá 15,5 tỷ USD
Startup công nghệ giáo dục trực tuyến Yuanfudao, có trụ sở tại Bắc Kinh, ngày 22/10 cho biết vừa huy động được 2,2 tỷ USD từ các nhà đầu tư Trung Quốc và quốc tế qua hai vòng gọi vốn mới nhất, đưa định giá lên 15,5 tỷ USD, theo tin từ Reuters.
* Sa sút thảm hại, startup kỳ lân Trung Quốc bán mình với giá 1.290 USD
Yuanfudao là một trong những startup giáo dục lớn nhất tại Trung Quốc thời điểm này - Ảnh: Handout.
|
Theo đó, định giá của Yuanfudao - nền tảng gia sư trực tuyến và dịch vụ dạy học tại nhà trực tuyến hàng đầu Trung Quốc - đã tăng gấp đôi chỉ trong hơn nửa năm khi ngày càng nhiều nhà đầu tư đặt cược vào lĩnh vực có nhu cầu tăng vọt giữa đại dịch. Hồi tháng 3, Yuanfudao huy động được 1 tỷ USD ở định giá 7,8 tỷ USD. Hiện nền tảng này có khoảng 400 triệu người dùng tại Trung Quốc.
Đối thủ chính của Yuanfudao là Zuoyebang - startup cũng huy động được vốn đầu tư khủng ở mức định giá 10 tỷ USD vào tháng trước.
Một trong hai vòng gọi vốn trên của Yuanfudao được dẫn đầu bởi hãng công nghệ khổng lồ Tencent và có sự tham gia của các quỹ gồm Hillhouse Capital, Boyu Capital và IDG Capital. Vòng gọi vốn còn lại do DST Global là nhà đầu tư dẫn đầu và có sự tham gia của CITICPE cùng các nhà đầu tư Singapore GIC và Temasek.
Đầu năm nay, một nguồn thạo tin tiết lộ Yuanfudao có doanh thu 3-4 tỷ Nhân dân tệ (450-600 triệu USD) trong năm 2019 và đặt mục tiêu doanh thu hơn 10 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 1,2 tỷ USD) trong năm nay.
Trong một cuộc phỏng vấn cách đây không lâu, Li Xin, người đồng sáng lập của Yuanfudao, cho biết công ty ghi nhận sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư trong suốt năm 2019. Qua 10 vòng gọi vốn, đến nay, Yuanfudao đã huy động được gần 4 tỷ USD vốn đầu tư.
Theo Gloria Tam, thành viên dự án giáo dục Minerva Project của Mỹ, đại dịch Covid-19 đã gây ra sự gián đoạn ở khắp các lĩnh vực và cũng là chất xúc tác để các tổ chức giáo dục trên toàn cầu tìm kiếm giải pháp đổi mới.
"Với công nghệ 5G đang ngày càng phổ biến hơn tại các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản, người học và các nhà cung cấp giáo dục sẽ thực sự chấp nhận khái niệm 'học ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào'", bà Tam cho biết. "Hình thức học tại lớp truyền thống sẽ được bổ trợ bởi các mô hình học tập mới, từ phát sóng trực tiếp cho tới trải nghiệm thực tế ảo".
Hồi tháng 2, Trung Quốc ra mắt nền tảng học trực tuyến quốc gia với các lớp học được phát trên truyền hình dành cho bậc tiểu học và hệ thống dựa trên nền tảng đám mây để chia sẻ tài liệu học tập cho bậc trung học. Theo Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc, động thái này sẽ giúp 180 triệu học sinh "tiếp tục học tập kể cả khi các trường phải đóng cửa". Tại Hong Kong, 900.000 học sinh cũng phải học trực tuyến kể khi các trường học phải đóng cửa vì dịch bệnh.
Trên toàn cầu, các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội đã khiến hàng triệu không sinh không thể tới lớp và phải học tập tại nhà, đặc biệt là ở các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Italy và Iran.
Phương Linh
VnEconomy
|