Giá nhà không giảm, vùng ven Hà Nội và TP.HCM vẫn sốt đất
Nguồn cung sản phẩm bất động sản mới không nhiều, cơ cấu hàng lệch pha, giá bán vẫn tăng, có hiện tượng sốt đất vùng ven Hà Nội, TP.HCM… là những vấn đề Hội môi giới bất động sản nêu trong báo cáo thị trường quý 3.
Các dự án bất động sản bán ra trong quý 3 không giảm, có phân khúc còn tăng. Ảnh: Lê Quân
|
Theo thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (Hội môi giới), trong quý 3 vừa qua, cả nước có gần 74 sản phẩm nhà ở được bán trên thị trường (gần 47.000 căn hộ chung cư; hơn 27.000 sản phẩm thấp tầng), nhưng chủ yếu là hàng tồn từ các quý trước, ít có sản phẩm bất động sản mới.
Tổng lượng giao dịch toàn thị trường trong quý 3 đạt hơn 26.000 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ ở mức trên 35%.
Cũng theo Hội môi giới, lượng cung bất động sản mới được chào bán ra thị trường trong quý 3 đạt hơn 22.000 sản phẩm; giao dịch thành công gần 10.000 sản phẩm, tương đương tỷ lệ hấp thụ là hơn 43%. Lượng cung mới chào bán trong quý 3 tăng hơn 1,2 lần so với quý 1 và quý 2.
Hội môi giới đánh giá, trong quý 3 năm nay, thị trường bất động sản có sự phục hồi đáng kể, tỷ lệ hấp thụ từ các sản phẩm mới tăng so với quý 1 và 2.
Không giảm giá, chỉ tặng quà "khủng" để kích cầu
Trong đó, tại Hà Nội, tổng lượng sản phẩm được bán trên toàn thị trường đạt hơn 13.000 sản phẩm, chủ yếu là căn hộ chung cư; lượng giao dịch đạt gần 3.000 sản phẩm, tương đương tỷ lệ hấp thụ khoảng hơn 22%. Trong đó, căn hộ bình dân chiếm tỉ trọng nhỏ về nguồn cung nhưng có tỷ lệ hấp thụ tương đối tốt, chứng tỏ lực cầu tương đối mạnh. Lượng cung căn hộ cao cấp mới ra thị trường không nhiều, tỷ lệ hấp thụ cũng thấp.
Hội môi giới thống kê so sánh lượng giao dịch, tỷ lệ hấp thu từ các sản phẩm căn hộ mới chào bán trong quý 3 năm nay tại Hà Nội bị giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018 và 2019, chỉ đạt 15,7%. Giá bán căn hộ phân khúc trung, cao cấp tiếp tục gần như đi ngang, phân khúc bình dân tăng nhẹ khoảng 3 - 5%.
Nguồn cung bất động sản mới ở Hà Nội và TP.HCM tiếp tục khan hiếm. Ảnh: Lê Quân
|
Hội môi giới cũng chỉ ra vấn đề lệch pha là lượng cung mới của các dự án bất động sản ở Hà Nội rất ít dòng sản phẩm phân khúc bình dân. Nếu có, thường phát triển ở các vùng ven H.Đông Anh, H.Gia Lâm, Q.Hà Đông… Trong khi đó, sản phẩm trung cấp tiêu thụ rất chậm, nhất là phân khúc cao cấp.
Về giá bất động sản, báo cáo của Hội môi giới chưa ghi nhận việc dự án bất động sản công bố giảm giá, chỉ có hiện tượng tặng quà "khủng" và khuyến mại lớn ở một số dự án để kích cầu thay vì giảm giá sản phẩm.
Đáng chú ý, có một số dự án thuộc phân khúc bình dân hiện tại giá đã được đẩy lên chạm ngưỡng phân khúc trung cấp.
Tại TP.HCM, tổng lượng sản phẩm được bán trên thị trường quý 3 đạt hơn 12.500 sản phẩm, chủ yếu là căn hộ chung cư; giao dịch thành công hơn 9.400 sản phẩm, tỷ lệ hấp thu tương đương 75%. Giá bán căn hộ tại TP. HCM trong quý 3 tăng mạnh từ 15 - 20% so với quý 2, đã tạo nên cơn sốt tại thị trường này.
Đất làng quê vùng ven Hà Nội, TP.HCM tăng giá
Về giá đất nền tại các dự án, do khan hiếm hàng và thuộc dòng sản phẩm được ưa chuộng nên giá loại hàng này có biến động tăng. Hội môi giới cho rằng, do khan hiếm nguồn hàng chính thống, giá căn hộ các phân khúc đều đang ở ngưỡng trần nên nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tìm và khai phá những thị trường mới ở vùng nông thôn như các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức và khu vực Hòa Lạc…
Đây là những địa phương có chủ trương phát triển thành quận, có sự quan tâm nghiên cứu đầu tư của những nhà phát triển bất động sản lớn, có công bố quy hoạch cho sự phát triển đô thị… Tuy nhiên, thực tế đầu tư thì chưa hề ghi nhận dự án nào và đến bao giờ..
Đất làng quê ở vùng ven Hà Nội và TP.HCM tăng giá, nhất là ở những khu vực được quy hoạch lên quận, có thông tin nhà đầu tư lớn vào nghiên cứu. Ảnh: Lê Quân
|
Hội môi giới cũng nêu ra có hiện tượng các nhà đầu tư xuất hiện tại các vùng nông thôn làm cho đất đai làng xóm sôi động, nhộn nhịp. Giá đất được đẩy lên cao nhanh chóng mặt. Có những nơi vài năm trước ngưỡng giá trong làng chỉ vài trăm nghìn/m2, nay đã lên đến vài triệu đồng, vài chục triệu đồng/m2. Thậm chí, đất vườn, đất ruộng cũng được đẩy lên vài triệu đồng/m2.
Tương tự, do khan hiếm nguồn hàng bất động sản trong bối cảnh lượng cầu rất cao, dẫn đến giá căn hộ tại TP.HCM tăng vọt và tỷ lệ hấp thụ luôn ở mức cao. Trong khu dân cư, do khan hiếm nguồn hàng dự án nên nhiều nhà đầu tư phải tìm đến đất nền tại các huyện ven đô, tạo ra sự tăng giá mạnh cho đất đai tại một số quận, huyện như: Bình Chánh, Gò Vấp, Củ Chi…
Lê Quân
Thanh niên
|