Thứ Tư, 21/10/2020 09:14

EVFTA - ‘Mồi câu’ cho sự bứt phá của Thực phẩm Sao Ta (FMC)?

FMC tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước với tên gọi Công ty thực phẩm xuất nhập khẩu tổng hợp Sóc Trăng đi vào hoạt động ngày 03/02/1996 với vốn ban đầu 21 tỷ đồng từ Ban Tài chính quản trị Tỉnh ủy Sóc Trăng đầu tư, chuyên chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu.

Ngày 01/01/2003, FMC chính thức chuyển thành CTCP Thực phẩm Sao Ta với vốn điều lệ 104 tỷ đồng, trong đó Nhà nước giữ 77% sở hữu. Ngày 22/11/2003, FMC rút vốn xuống 60 tỷ đồng, phần vốn Nhà nước còn lại 60%. Trải qua 9 lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ của FMC ghi nhận ở mức 490 tỷ đồng, gấp 8 lần so với số vốn hồi cuối năm 2003.

 

FMC chuyên kinh doanh chính trong lĩnh vực chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản, nuôi trồng thủy sản, mua bán lương  thực, thực phẩm, nông sản sơ chế… Hai mảng sản xuất kinh doanh cốt lõi của FMC là mặt hàng tôm đông lạnh và nông sản xuất khẩu hoạt động chủ yếu tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Trong thời gian qua, FMC đặc biệt chú ý việc mở rộng vùng nuôi. Hiện Công ty có vùng nuôi tôm riêng rộng 190 hecta và hàng trăm hecta hợp tác nông dân để gieo trồng nông sản phục vụ chế biến xuất khẩu. Trong năm 2020, dự kiến doanh số của FMC sẽ vượt mốc 200 triệu USD.

Nói về những lợi thế cạnh tranh nổi bật so với các đối thủ cùng ngành, Tiến sĩ Hồ Quốc Lực -  Chủ tịch Thực phẩm Sao Ta cho biết: “Ngay từ khi thành lập, FMC đã kiên trì xây dựng nền tảng hoạt động của mình là xây dựng văn hóa doanh nghiệp, qua 25 năm đã thể hiện rõ những giá trị cốt lõi là Chất lượng – Trách nhiệm – Đạo đức và chia sẻ và cũng ngần ấy thời gian đã kiên trì xây dựng và phát triển những tính trội của sản phẩm mình làm ra là An toàn – Bổ dưỡng – Truy xuất và Bền vững. Những khái niệm này giải thích khá dài dòng. Nhưng qua đó, uy tín thương hiệu FMC đang rất tốt. Đây là lợi thế hàng đầu của FMC.

FMC trước đó được ví như “gà đẻ trứng vàng” của CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG). Thế nhưng, do gặp khó khăn chồng chất, HVG đành phải bán Công ty con để trả nợ (tháng 11/2017). Trước đó, HVG nắm giữ 54.28% vốn tại FMC.

Ngay khi HVG thoái vốn, CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (HOSE: ABT) - một đơn vị thuộc CTCP Tập đoàn Pan (HOSE: PAN) nhảy vào nâng sở hữu tại FMC lên 20% (13/11/2017) và chính thức trở thành cổ đông lớn. Cùng ngày, Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI cũng mua hơn 7.7 triệu cp FMC, tương đương gần 20% vốn. Được biết, Quản lý quỹ SSI lại là Công ty con của Chứng Khoán SSI - cổ đông lớn nhất của PAN.

Đến tháng 2/2018, PAN Farm - Công ty con của PAN đã mua vào thành công gần 11.5 triệu cp FMC trên tổng số gần 11.9 triệu cp đăng ký trong đợt chào mua công khai, nâng sở hữu tại FMC lên hơn 13.3 triệu cp.

Tóm lại, tất cả giao dịch liên quan đến FMC trong thời gian HVG thoái vốn đều liên quan trực tiếp đến PAN.

Sau nhiều lần điều chỉnh và chuyển quyền sở hữu, tính đến ngày 31/12/2019, PAN hiện đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp tổng cộng gần 65% vốn tại FMC.

 

Được biết, bà Nguyễn Thị Trà My - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PAN hiện đang là Phó Chủ tịch HĐQT FMC.

Tính đến ngày 30/06/2020, PAN đang sở hữu 5 công ty con trực tiếp và 20 công ty con gián tiếp.

PAN được thành lập năm 1998 dưới hình thức Công ty TNHH với vốn đăng ký ban đầu là 250 triệu đồng. Trải qua 12 lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ của PAN đã cán mức gần 2,164 tỷ đồng.

PAN chuyên kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, đầu tư tài chính và các hoạt động khác có liên quan. Các mặt hàng như gạo, thủy sản, hoa tươi, hạt điều do PAN sản xuất được phân phối rộng rãi trên thị trường trong nước và quốc tế.

 

Kết quả kinh doanh của FMC tăng trưởng khá ổn định qua nhiều năm. Đáng chú ý, 2018 là năm đánh dấu cho sự bứt phá của FMC với doanh thu và lãi ròng đạt 3,807 tỷ đồng và 180 tỷ đồng, đây là mức ghi nhận cao nhất kể từ khi niêm yết. Nguyên nhân là do từ cuối năm 2017, FMC đã mạnh dạn ký nhiều hợp đồng lớn với mức giá tốt. Bên cạnh đó, giá mua nguyên liệu trong năm biến động theo chiều hướng  tăng nhẹ vào những tháng cuối năm 2018 và giảm dần đến đầu quý 3/2019.

Đến năm 2019, doanh thu có phần sụt giảm nhẹ nhưng lãi ròng vẫn tăng 28% so với năm 2018, đạt 230 tỷ đồng nhờ nuôi tôm trúng cả 2 vụ và Công ty còn được miễn tiền thuế do nuôi trồng tại địa bàn thuộc vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Mới đây, FMC vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 9/2020 với sản lượng tiêu thụ tôm trong 9 tháng đầu năm đạt 13,373 tấn, tăng 9% so với cùng kỳ. Trong tháng 9, thành phẩm tôm chế biến của FMC đạt 2,390 tấn và doanh số tiêu thụ đạt 17.9 triệu USD, đều tăng mạnh so cùng kỳ năm trước. Tổng doanh số tiêu thụ 9 tháng đầu năm đạt 138.1 triệu USD, tăng 16.1% so cùng kỳ năm 2019. Theo FMC, cuối năm thời tiết chuyển lạnh do hiện tượng La Nina nên sẽ không tốt cho việc nuôi tôm. Do đó, FMC đã thả giống sớm vụ 2 và tất cả sẽ được thu hoạch trong năm.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, FMC ghi nhận doanh thu thuần tăng 17% so với cùng kỳ, đạt gần 3,206 tỷ đồng với hơn 3,115 tỷ đồng đến từ bán thủy sản và 91 tỷ đồng bán hàng nông sản. Ngược lại, lãi ròng lại giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ, xuống còn 162 tỷ đồng.

Trong năm 2020, FMC dự kiến mang về 250 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 6% so với thực hiện năm trước. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, FMC đã thực hiện được 65% kế hoạch lãi trước thuế năm 2020.

Thừa nhận sự xuất hiện của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu của FMC, nhưng Chủ tịch Hồ Quốc Lực cho biết, may mắn cho FMC là khách hàng tập trung ở lĩnh vực bán lẻ nhiều (dịch vụ ít). Hiện nay thị trường lớn nhất FMC ở thế cân bằng ba chân vạc: Hoa Kỳ (32%), EU (29%) và Nhật Bản (24%).

Một yếu tố bất lợi trong nuôi tôm đó là xảy ra tình trạng dịch bệnh (tôm) khá mạnh mẽ ở đồng bằng. Đây cũng là yếu tố có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu thời gian còn lại năm 2020 của cả ngành chế biến tôm.

Để giảm tác động từ việc giá nguyên liệu tôm biến động mạnh, Chủ tịch FMC cho rằng các doanh nghiệp tôm muốn phát triển ổn định, bền vững và nhất là tăng sức thu hút khách hàng cao cấp thì phải tập trung lo mở rộng vùng nuôi của mình.

Trong 8 năm qua, FMC là doanh nghiệp tôm lẻ loi đang trên quỹ đạo đó. Hiện nay ngoài tôm tự cung cấp, FMC mua tôm tại ao nuôi để hạn chế tối đa tôm trôi nổi khó kiểm soát", ông Lực nói thêm.

Mới đây, HĐQT FMC đã thông qua Nghị quyết về việc góp vốn thành lập CTCP Thực phẩm Khang An (Khang An Foods) và dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2021.

Phương hướng hoạt động của Khang An Foods chủ yếu thu hút thêm hệ thống khách hàng và phát triển nông sản, không là đối thủ cạnh tranh của FMC nhưng có thể bán chung khách hàng nếu có sự thỏa thuận 3 bên.

Với vốn điều lệ 234 tỷ đồng, Khang An Foods chuyên kinh doanh chính trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản và gieo trồng, chế biến nông sản. Trong đó, FMC sẽ góp 180.4 tỷ đồng bằng tài sản và tiền mặt, chiếm 77% vốn điều lệ và các cá nhân khác góp 53.6 tỷ đồng bằng tiền mặt, chiếm 23% vốn điều lệ.

FMC sẽ bàn giao cho Khang An Foods Nhà máy Thực phẩm An San, hệ thống kho lạnh 4,000 tấn và cho thuê Xí nghiệp Thủy sản Sao Ta với thời hạn 2 năm kể từ 01/01/2021.

Chủ tịch Hồ Quốc Lực chia sẻ: “Tình hình Covid-19 khiến Công ty chưa mạnh tay lên phương án mới trong tương lai. Tuy nhiên, FMC có một cái nếp hơi kỳ cục là mỗi lúc khó khăn lớn chính là lúc mà FMC có thời gian trầm tỉnh để hoạch định cho hoạt động sau khi khó khăn đi qua. Sau sự kiện khủng hoảng tài chính Đông Bắc Á 1997 thì năm 1998 FMC vươn lên doanh nghiệp tôm xuất khẩu tôm lớn nhất nước. Khủng hoảng tài chính thế giới 2007-2008 thì từ năm 2009 FMC có thêm nhà máy nông sản An San làm nền tảng để hình thành Khang An bây giờ. Thương chiến Mỹ -Trung 2017 thì 2018 FMC có nhà máy chế biến tôm bao bột Tin An. Bây giờ hậu Covid-19, FMC sẽ có Khang An. FMC hy vọng rằng nếp tốt với nhiều lần vượt khó sẽ tạo sự tự tin cho FMC hậu Covid-19.

Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 01/08/2020 sẽ mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn cho thị trường xuất khẩu Việt Nam.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, ban lãnh đạo của FMC nhận định hiệp định EVFTA mở ra sẽ có lợi chung cho nhiều ngành hàng trong đó có ngành tôm.

Hiện nay thị trường tiêu thụ EU chiếm 29% trong tỷ trọng xuất khẩu của FMC. Khi EVFTA có hiệu lực thì tôm Việt Nam có sức cạnh tranh lớn. Dù vậy, FMC cho rằng thị trường EU không dễ xâm nhập do kỹ tính và yêu cầu cao về chất lượng và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu. FMC có lợi thế hơn các đối thủ cùng ngành khi đã mở rộng vùng nuôi ASC lớn.

 

Tuy thời gian qua kim ngạch xuất khẩu tôm Việt tăng trưởng tốt, nhưng để phát triển bền vững hơn, ngành tôm Việt cần hoàn chỉnh hai giấy thông hành hội nhập. Đó là đánh số ao tôm để có căn cứ truy xuất nguồn gốc. Tỷ lệ này còn cực thấp, chỉ ở mức một con số. Giấy thứ hai quan trọng hơn nhằm thâm nhập hệ thống siêu thị cấp cao và ao nuôi có chuẩn ASC, BAP. Tỷ lệ này cũng chỉ ở mức một con số so diện tích nuôi. Hiện nay các doanh nghiệp tôm còn hợp đồng, tuy nhiên sản lượng tôm nguyên liệu đang giảm do hết vụ. Tình hình còn u ám do Covid-19 khiến giá tôm chưa thể cải thiện”, ông Lực chia sẻ thêm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), EU là thị trường lớn thứ 4 (sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc), chiếm 13.3% tổng giá trị của xuất khẩu tôm Việt Nam. Hiệp định EVFTA cũng mang đến hy vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU trong những tháng cuối năm 2020.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng  mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19. Nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên nhà nhập khẩu của EU sẽ  tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn.

Với phong độ ổn định trong ngành tôm, nếu áp dụng tốt những lợi thế của mình so với đối thủ, khả năng cao FMC sẽ bứt phá trong các năm tiếp theo nhờ bàn đạp thuận lợi đến từ hiệp định EVFTA.

Tiên Tiên

FILI

Các tin tức khác

>   SBA: BCTC quý 3 năm 2020 (14/10/2020)

>   S4A: BCTC quý 3 năm 2020 (14/10/2020)

>   GTA: BCTC quý 3 năm 2020 (14/10/2020)

>   Hòa Phát lãi 3,785 tỷ trong quý 3, cao nhất lịch sử (14/10/2020)

>   AGR: BCTC quý 3 năm 2020 (14/10/2020)

>   VMC: Báo cáo tài chính quý 3/2020 (14/10/2020)

>   HPG: Kết quả kinh doanh quý 3 năm 2020 (14/10/2020)

>   HPG: Kết quả kinh doanh quý 3 năm 2020 (14/10/2020)

>   HU3: Thông báo và Nghị quyết HĐQT về ngày ĐKCC để thực hiện quyền nhận cổ tức năm 2019 (14/10/2020)

>   VMC: Báo cáo tài chính quý 3/2020 (công ty mẹ) (14/10/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật