Đừng hứng khởi thái quá với 'đại bàng' FDI
Tại tọa đàm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 9, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), cho biết nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang đàm phán để đổ vốn đầu tư vào Việt Nam lên đến con số hàng tỷ USD. Trong đó có một số “đại bàng” đề nghị giấu tên sẽ đầu tư vào Việt Nam với các dự án từ 500 triệu đến 1 tỷ USD trong giai đoạn tới.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, tính từ đầu năm đến hết tháng 9, vốn FDI vào Việt Nam đã đạt mức kỷ lục, lên 25,48 tỷ USD, trong khi cả năm 2019 ước đạt trên 20 tỷ USD. Những thông tin này khiến nhiều chuyên gia và báo giới hào hứng, tự hào.
Những từ ngữ như “đón đại bàng về làm tổ”, hay “ông lớn” được nhắc đến như một điều gì đó rất quan trọng, như thể những “đại bàng” FDI này sắp làm thay đổi đất nước này?
Nhìn lại những gì dòng vốn FDI hoạt động trong những năm qua, cho thấy tăng trưởng về vốn từ khu vực FDI tăng bình quân 9%/năm theo giá thực tế, trong khi tăng trưởng về luồng tiền chảy ra nước ngoài thông qua chi trả sở hữu thuần 17,5%.
Luồng tiền chảy ra nước ngoài này cơ bản do khu vực FDI chuyển tiền về nước họ, chiếm trên 80% khối lượng đầu tư.
Ở đây cần phân tích thêm, trong số liệu thống kê chỉ đưa ra số liệu chênh lệch phần chi trả sở hữu trừ đi phần thu nhập sở hữu, nếu tỷ lệ chi trả sở hữu ra nước ngoài so với vốn của khu vực FDI cao hơn tỷ lệ luồng tiền chảy ra nước ngoài thuần so với vốn của khu vực FDI vào Việt Nam.
Hơn nữa, tăng trưởng về chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài bình quân theo giá thực tế (17,5%) cũng cao hơn tăng trưởng về tổng sản phẩm trong nước (GDP) là 12,1% và tổng thu nhập quốc gia (GNI) là 11,9%. Điều này sẽ khiến nguồn lực thực sự của đất nước là tiết kiệm sẽ ngày càng nhỏ đi.
Nghịch lý nữa về khu vực FDI, là năm 2011 lợi nhuận trước thuế của khu vực này chiếm trong tổng lợi nhuận trước thuế của cả khối doanh nghiệp là 32%, tỷ lệ đóng góp vào ngân sách của khu vực FDI cũng 32%.
Năm 2015 tỷ lệ lợi nhuân trước thuế của khu vực này chiếm trong tổng lợi nhuận trước thuế của cả khối doanh nghiệp tăng lên 34%, nhưng tỷ lệ đóng góp vào ngân sách lại giảm còn 30%.
Đến 2016 tỷ lệ lợi nhuận trước thuế của khu vực FDI chiếm trong tổng lợi nhuận trước thuế của cả khối doanh nghiệp tăng lên 45%, nhưng ngạc nhiên tỷ lệ đóng góp vào ngân sách còn 25%.
Điều không ngạc nhiên là tốc độ tăng về luồng tiền chi trả sở hữu ra nước ngoài ra khỏi Việt Nam trong những năm gần đây rất cao. Một trùng hợp thú vị là luồng tiền chảy ra khỏi nền kinh tế tương đương với lợi nhuận của khu vực này.
Câu hỏi đặt ra là tại sao lại phải ưu đãi quá đáng cho khu vực này? Càng “đại bàng” luồng tiền chảy ra nước ngoài sẽ càng lớn và GDP càng tăng trưởng dựa vào FDI nguồn lực của nền kinh tế càng bị bào mòn.
Tính toán từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam, cho thấy những sản phẩm xuất khẩu về máy tính, điện thoại, linh kiện điện tử, vi mạch… lan tỏa đến giá trị tăng thêm thấp nhất trong các nhóm ngành của nền kinh tế, trong khi lại lan tỏa đến nhập khẩu rất lớn.
Theo đó, xuất khẩu hàng điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện nếu xuất khẩu 100USD chỉ tạo ra 27USD giá trị tăng thêm và 14USD đến thu nhập của người lao động trong nước. Những sản phẩm này có ghi Made in Vietnam thực chất không phải sản phẩm của Việt Nam.
Như vậy có thể thấy, việc thu hút được nhiều FDI và FDI là “đại bàng” là điều tốt. Nhưng Chính phủ, đặc biệt Bộ KH-ĐT cần có những ràng buộc về chuyển giao công nghệ đối với những “đại bàng” FDI này.
Nếu gọi những doanh nghiệp FDI lớn là “đại bàng”, những doanh nghiệp nội với 93% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có lợi nhuận trước thuế luôn âm sẽ là gì? Nguồn lực về chính sách là có hạn nếu dốc lực về chính sách để “làm tổ cho đại bàng” và đón “đại bàng”, những doanh nghiệp nội không thể lớn. Đừng để “đại bàng” đến đẻ trứng rồi còn mang cả trứng của nước sở tại đi.
TS Bùi Trinh
Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính
|