Đơn hàng ngành da giày đã trở lại
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho biết một số doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm nay, từ đó bắt đầu tuyển dụng trở lại.
Khảo sát mới đây của LEFASO với các nhãn hàng thời trang trên thế giới cho thấy 60% doanh nghiệp đều coi Việt Nam là một trong những quốc gia cung ứng quan trọng. Trong bối cảnh nhu cầu giày dép đang giảm mạnh trên toàn cầu, riêng EU và Mỹ là hai thị trường lớn lần lượt giảm 27% và 21%, những đơn vị này đã chủ động tái cấu trúc, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết, nhờ hiệu quả trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam được lựa chọn là điểm đến để nhiều nhãn hàng dịch chuyển một phần sản xuất. 42,3% doanh nghiệp khẳng định chắc chắn sẽ tăng mua hàng từ Việt Nam.
Ngành da giày có tín hiệu khởi sắc trong những tháng cuối năm. Ảnh: Báo Công Thương.
|
Đáng chú ý, xu hướng dịch chuyển sản xuất nguyên phụ liệu ngành da giày về Việt Nam để tận dụng tối đa quy tắc xuất xứ trong các FTA cũng được ghi nhận rõ. Thực tế, tỷ lệ nội địa hóa toàn ngành nói chung hiện nay đạt khoảng 30-40%, riêng một số mặt hàng chủ lực như giày vải, giày thể thao đạt trên 50%.
"Do đó, sản xuất da giày những tháng cuối năm bắt đầu ghi nhận tín hiệu tích cực", bà đánh giá.
Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan và Bộ Công Thương, vị đại diện LEFASO cho biết xuất khẩu da giày có sự sụt giảm nặng nề nhất hồi quý II, nhưng đã có dấu hiệu phục hồi từ tháng 9. Chỉ số sản xuất da và các sản phẩm có liên quan trong tháng 9 giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đã tăng 4,5% so với tháng 8.
Bà nói thêm, một số doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm, từ đó nhiều nhà máy bắt đầu tuyển dụng công nhân để quay lại sản xuất.
Mặc dù vậy, chia sẻ với Zing, bà nhấn mạnh bối cảnh khả quan này không chia đều cho toàn ngành. Riêng với các doanh nghiệp đang kinh doanh hiệu quả hơn, tình hình đơn hàng trong năm 2021 cũng chưa thể đoán biết. Các doanh nghiệp đều nhìn nhận, các FTA mà Việt Nam đã kí kết, kể cả EVFTA với nhiều cam kết ưu đãi tốt nhất, cũng chỉ là yếu tố thúc đẩy chứ không mang tính quyết định.
Bởi lẽ, đa số nguyên phụ liệu ngành da giày của Việt Nam vẫn còn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đồng thời, Luật Lao động ở nước ta cũng chặt chẽ hơn so với các quốc gia đối thủ như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh.
Trước xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chia nhỏ đơn hàng để hạn chế rủi ro và ưu tiên sản xuất OEM của các nhãn hàng da giày, bà Thanh Xuân cho rằng doanh nghiệp Việt nên chủ động phản ứng nhanh, cũng như nâng cao năng lực, trình độ kỹ thuật để gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Hiện nay, với hơn 1.700 doanh nghiệp, năng lực cung của Việt Nam được đánh giá là lớn, lên đến hơn 1,1 tỷ đôi giày và gần 400 triệu ba lô, túi xách mỗi năm.
Tính chung 9 tháng đầu năm, xuất khẩu giày dép các loại ước đạt 12,08 tỷ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2019. Giới chuyên gia và doanh nghiệp dự báo, ngành khó hoàn thành mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 24 tỷ USD trong năm nay.
Lan Anh
ZING
|