Thứ Hai, 26/10/2020 08:16

Các nước gia tăng phòng vệ thương mại với Việt Nam

Việt Nam đang là một trong 4 nước bị áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất thế giới, khi 9 tháng năm 2020, số vụ bị áp dụng nhiều gấp đôi năm ngoái.

Gỗ là một trong những mặt hàng thuộc diện nguy cơ cao bị nước ngoài áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Ảnh: Ngọc Thắng

12 tỷ USD hàng hóa bị ảnh hưởng

Trong báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong lĩnh vực công thương vừa gửi đến các đại biểu Quốc hội, Bộ Công thương cho biết Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 4 bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) nhiều trên thế giới. Các hàng hóa bị điều tra PVTM là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như nhôm, thép, thủy sản, gỗ dán, vật liệu xây dựng...

Bộ Công thương cho biết đã xây dựng hệ thống theo dõi tình hình xuất nhập khẩu của một số ngành hàng quan trọng với các đối tác có kim ngạch lớn, đồng thời phân tích dữ liệu và thông tin từ các nguồn khác nhau, từ đó nhận diện nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của VN bị điều tra, áp dụng biện pháp PVTM cũng như hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, gây thiệt hại cho sản xuất trong nước. Bộ cũng đã ban hành Danh mục hàng hóa cảnh báo sớm gồm 13 mặt hàng xuất khẩu sang 3 thị trường Mỹ, EU, Canada. Danh sách này sẽ được cập nhật thường xuyên, mở rộng cả về mặt hàng và thị trường tùy theo tình hình thực tiễn và công khai trên trang tin điện tử của Bộ để DN theo dõi.

Theo báo cáo, tính đến hết tháng 9, Bộ Công thương đã ghi nhận và xử lý 193 vụ việc PVTM nước ngoài áp dụng đối với Việt Nam, bao gồm 108 vụ việc chống bán phá giá, 22 vụ việc chống trợ cấp, 23 vụ việc chống lẩn tránh thuế, 40 vụ việc tự vệ. Trong 9 tháng qua, tổng số vụ việc mới khởi xướng điều tra với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là 31 vụ, gấp gần 2 lần so với toàn bộ vụ việc khởi xướng năm 2019. Các thị trường thường xuyên điều tra PVTM với hàng xuất khẩu Việt Nam là Mỹ, EU, Ấn Độ, Canada và Úc. 62% các vụ việc bị điều tra đến từ những nước này. Tuy nhiên, gần đây các nước ASEAN cũng tích cực điều tra PVTM với Việt Nam, với tỷ lệ đã tăng lên con số 20%.

Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công thương), cho biết kể từ vụ việc đầu tiên hồi năm 2003 đến nay, các vụ việc bị khởi xướng điều tra đã khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng khoảng 12 tỷ USD.

“Con số 12 tỷ USD không phải là hàng Việt Nam bị thiệt hại, mất đi mà là tính toán mang tính tương đối trên cơ sở là kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng đó vào năm liền trước. Ví dụ, khi Mỹ khởi xướng điều tra với sản phẩm tôm của Việt Nam thì 80% kim ngạch của mặt hàng này vẫn xuất khẩu vào thị trường Mỹ bình thường chứ không phải tất cả tôm bị ảnh hưởng”, ông Dũng giải thích.

Dù vậy, ông Dũng cho hay, chúng ta đã kháng kiện thành công, tức không bị áp thuế, chấm dứt áp dụng biện pháp, đối với 65/151 vụ. Nhiều mặt hàng như thủy sản, sắt thép, gỗ, dù bị áp dụng biện pháp PVTM, nhiều doanh nghiệp (DN) chỉ bị áp mức thuế 0% hoặc rất thấp, giúp duy trì và tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Canada.

“Sống chung” với các vụ kiện

Theo một chuyên gia về thương mại quốc tế, số lượng các vụ kiện PVTM gia tăng nhanh là điều dễ hiểu, không chỉ trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trên thế giới mà điều quan trọng là nó tỷ lệ thuận với kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. “Chúng ta phải hiểu rằng khi một nước khởi xướng điều tra PVTM với một mặt hàng nào đó tức là lúc kim ngạch nhập khẩu của mặt hàng đó tăng nhanh, gây áp lực cho sản xuất trong nước của họ. Cho nên, mặt tích cực là hàng của Việt Nam xuất khẩu nhiều, tăng nhanh thì mới bị điều tra phòng vệ”, vị này phân tích, đồng thời nhấn mạnh “đây là một chiếc phao để bảo hộ sản xuất trong nước” của các quốc gia và trên thực tế, Việt Nam cũng áp dụng công cụ này cho ngành phân bón, sản xuất thép, sợi...

Ông Triệu Dũng thừa nhận, số vụ khởi xướng điều tra PVTM với hàng Việt Nam chắc chắn còn gia tăng. Nhưng ngược lại, cơ quan quản lý cũng khuyến cáo các DN sản xuất trong nước khi thấy hàng hóa nước ngoài có dấu hiệu lẩn tránh, trợ cấp của Chính phủ thì cũng yêu cầu điều tra để bảo vệ sản xuất nội địa.

Theo ông Dũng, điều đáng mừng là các DN trong nước từ chỗ rất sợ khi nghe tin nước ngoài khởi xướng điều tra, thì đến nay đã rất chủ động để phòng tránh. Ông Dũng cho hay, trước đây có nhiều DN khi cơ quan quản lý vào làm việc để hỗ trợ thủ tục, giải trình các vụ kiện điều tra thì họ “ngớ người ra, không hiểu vì sao”. Nhưng đến nay hầu như tuần nào, tháng nào Cục PVTM cũng nhận được đề xuất làm việc của các hiệp hội để tìm hiểu về nguy cơ bị điều tra, kể cả các ngành hàng nguy cơ thấp.

“3 tháng qua, chúng tôi đã làm việc với 12 hội, ngành hàng từ cao su, gốm sứ, gỗ..., có hiệp hội làm đến 2 - 3 lần. Họ đề nghị Cục mời cả chuyên gia của Mỹ để nói về các hành vi dễ bị áp dụng biện pháp điều tra phòng vệ”, ông Triệu Dũng nói.

Chí Hiếu

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Tin vui cho nước mắm truyền thống Việt Nam (25/10/2020)

>   Bên lề Kỳ họp Quốc hội: Điều kiện thông thoáng nhưng thu hút đầu tư có chọn lọc (24/10/2020)

>   Đề xuất bỏ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, lao động không phải đóng tiền dịch vụ (24/10/2020)

>   Gỡ thẻ vàng IUU: Ba năm vẫn 'mong manh' (24/10/2020)

>   Netflix: 'Chưa có kế hoạch mở văn phòng đại diện tại Việt Nam' (23/10/2020)

>   Bộ Công Thương lên tiếng vụ “vua tôm” Minh Phú bị Mỹ áp thuế (23/10/2020)

>   Thủ tướng yêu cầu xây dựng nghị định mới về quyên góp, hỗ trợ (23/10/2020)

>   TP.HCM tung 200 chương trình du lịch giảm giá đến 50% (23/10/2020)

>   Những 'trái ngọt' đầu tiên từ EVFTA (23/10/2020)

>   Xuất khẩu thủy sản có thể đạt 8.4 tỷ USD (23/10/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật