'Bán tháo' tài sản có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận tức thời của ngân hàng
Thời gian gần đây nhiều ngân hàng liên tục rao bán tài sản để thu hồi nợ. Tuy nhiên, nhiều tài sản dù được rao bán và hạ giá nhiều lần vẫn chưa thanh lý được, thậm chí có tài sản còn vướng thủ tục pháp lý.
Ngân hàng thường xuyên rao bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ thời gian gần đây phải kể đến là BIDV, từ quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất, đến tàu, kho gạo…
Mới đây nhất là khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên được thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc dự án Kenton Node (huyện Nhà Bè, TPHCM) được rao bán. Tổng số nợ gốc, tiền lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá là 4,063 tỷ đồng. Hay như tàu Ocean Queen được rao bán với giá khởi điểm 174.5 tỷ đồng, tàu đang được neo đậu tại CTCP Noso Shipyard. 21 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất có diện tích từ 196 - 6,333 m2 và 3 nhà kho lau bóng gạo có diện tích 7,900 m2 tại tỉnh Đồng Tháp….
Sacombank cũng là nhà băng được gọi tên khi thường xuyên rao bán các bất động sản có giá trị từ vài trăm đến vài nghìn tỷ đồng.
Nổi bật nhất trong những bất động sản có giá trị lớn được Sacombank rao bán là Khu công nghiệp Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM. Bất động sản này đã được đấu giá 4 lần trong suốt 2 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thể bán được dù đã hạ giá từ mức 9,000 tỷ đồng xuống còn 6,600 tỷ đồng.
Trả lời cho câu hỏi về đất Khu công nghiệp Phong Phú này tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Sacombank, ông Nguyễn Miên Tuấn - Thành viên HĐQT Sacombank cho biết, khách hàng của Khu công nghiệp Phong Phú ủy quyền toàn bộ cho Sacombank xử lý nợ xấu. Ngân hàng đã nhiều lần thông báo bán đấu giá tài sản này nhưng trong quá trình xử lý có nhiều vấn đề tồn đọng. UBND TP đã yêu cầu Sacombank tạm dừng việc bán đấu giá và Sacombank vẫn đang chờ sự cho phép trở lại của UBND TP HCM.
Và mới đây, Sacombank vừa thông báo đấu giá 10 lô đất khu công nghiệp với tổng giá trị khởi điểm 4,050 tỷ đồng. Cụ thể, Sacombank rao bán 5 lô đất tại KCN Sóng Thần, tỉnh Bình Dương, với giá từ 179 tỷ đồng đến 1,242 tỷ đồng. Mức giá khởi điểm cho 5 lô đất này hơn 2,510 tỷ đồng.
Còn 5 lô đất tại Khu công nghiệp Tân Kim, tỉnh Long An, được Sacombank rao bán với giá từ 9.3 tỷ đồng đến hơn 389 tỷ đồng. Mức giá khởi điểm cho 5 lô đất này gần 1,541 tỷ đồng.
SCB cũng vừa rao bán quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại lô số 14, Khu công viên phần mềm Quang Trung, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TPHCM, được sử dụng để xây dựng Trường Kỹ thuật tin học Sài Gòn, với giá khởi điểm là 191 tỷ đồng. Hay như dự án cao ốc căn hộ và biệt thự tại đường Huỳnh tấn Phát, Quận 7, TPHCM có giá khởi điểm là 2,353 tỷ đồng, nhà kho Phước Sơn tại Bình Dương có giá khởi điểm 830 tỷ đồng…
Một số tài sản được rao bán gần đây của các ngân hàng
|
“Bán tháo” tài sản có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận tức thời của ngân hàng
TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay có một số nguyên nhân dẫn đến việc các ngân hàng ồ ạt rao bán tài sản.
Thứ nhất, tình hình kinh tế ngày càng tệ, các ngân hàng đang lo vấn đề nợ xấu. Do đó, các vấn đề còn tồn đọng là phải ưu tiên giải quyết,thanh toán các tài sản đảm bảo của những món nợ trước đây. Vì giá trị của tài sản đảm bảo để càng lâu càng giảm, nhất là trong tình hình đại dịch Covid-19. Do đó, các ngân hàng tìm cách thanh lý tài sản đảm bảo là chuyện đương nhiên.
Thứ hai, tất cả các thị trường từ thị trường bất động sản đến các thị trường khác đều đang ở trong vòng xoáy đi xuống, cũng không ai có thể nói trước được khi nào nền kinh tế có thể phục hồi. Nhiều dự báo tình hình dịch bệnh sẽ càng nghiêm trọng hơn khi mùa đông đang đến. Trong tình hình đó, việc ngân hàng rao bán tài sản để sớm thu hồi nợ là việc đương nhiên. Các ngân hàng biết rằng việc rao bán tài sản, có thể dẫn đến vấn đề bán rẻ, “bán tháo” dưới giá trị của món nợ. Tuy nhiên, thà rằng chịu thiệt hại một phần nào đó, còn hơn giữ tài sản này, và không biết được trong tương lai nếu bán đi giá trị có thể còn xuống thấp hơn. Nhất là một số loại tài sản càng để lâu, khấu hao càng nhiều. Bất động sản khấu hao lâu dài, nhưng một số tài sản như ô tô, càng để lâu giá trị càng giảm theo thời gian, một số loại tiêu sản để càng lâu càng mất giá.
Thứ ba, hiện tại nhiều ngân hàng có giá trị thực của vốn chủ sở hữu xuống thấp, vì chất lượng tài sản giảm đi, ăn vào vốn chủ sở hữu. vì vậy, họ nhanh chóng bán đi để phục hồi phần nào thiệt hại tiềm năng. Do đó, việc bán ồ ạt tài sản là chuyện đương nhiên, trừ một vài tài sản có giá trị cao và lâu dài như bất động sản ở vị trí đắc địa ở các thành phố lớn, ngân hàng có thể giữ lại để chờ thời điểm thuận lợi hơn đế bán. Một số loại chứng khoán, ngân hàng không muốn thanh lý ngay bây giờ, do tiên liệu giá chứng khoán có thể lên trong tương lai, còn tiêu sản phải thanh lý càng sớm càng tốt.
Về góc độ ngân hàng, việc rao bán nhanh chóng thường sẽ đem đến việc bán dưới mệnh giá của khoản nợ, buộc các ngân hàng phải hạch toán chênh lệch lỗ do thiệt hại gây ra. Tuy nhiên, trường hợp này, có lẽ các ngân hàng sẵn sàng chịu thiệt hại, nhưng bù lại có được số tiền ngay, và tránh được thiệt hại còn lớn hơn trong tương lai. Nên tác động tức thời, có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng.
Tại cuộc họp báo thông tin về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động 9 tháng đầu năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 22/09/2020 vừa qua, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết tính từ năm 2012 đến cuối tháng 07/2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được khoảng 1,113.7 ngàn tỷ đồng nợ xấu, trong đó 7 tháng đầu năm 2020, tổng nợ xấu được xử lý là khoảng 63.7 ngàn tỷ đồng. Nhất là từ khi Nghị quyết 42 ra đời đã hỗ trợ TCTD xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ 15/08/2017 đến 31/05/2020 đạt trung bình khoảng 7.15 ngàn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3.63 ngàn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tháng từ năm 2012 đến 2017 của hệ thống các TCTD trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (trung bình khoảng 3.52 ngàn tỷ đồng/tháng).
Cát Lam
FILI
|