Vốn tỷ USD vào Việt Nam, cảnh báo nỗi lo suốt 30 năm qua
Trong hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam chỉ nhận được 5% dự án có công nghệ cao. Trước làn sóng FDI mới, câu chuyện cũ này vẫn phải được lưu tâm để có sự thay đổi.
Chờ làn sóng FDI mới
Việt Nam đang nổi lên là một trong những quốc gia hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Những diễn biến thời gian qua đã cho thấy rất rõ điều đó khi nhiều tập đoàn lớn đã và đang xem xét rót hàng tỷ USD vào Việt Nam.
Song, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch Covid-9 diễn biến phức tạp đã dẫn đến dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới đang và sẽ có những thay đổi mạnh mẽ trong thời gian tới.
Năm vấn đề “thay đổi mạnh mẽ” này gồm: Một là hoạt động mua bán sáp nhập bị chững lại; Hai là chuỗi giá trị toàn cầu bị gián đoạn; Ba là gia tăng việc tái cơ cấu đầu tư theo hướng “Trung Quốc + 1”; Bốn là xu hướng dịch chuyển đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ thông minh; Năm là các quốc gia đang phát triển sẽ là địa điểm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển và phải cạnh tranh với chính các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Bởi vì Chính phủ các nước khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia quay về đầu tư.
Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với nhiều quốc gia khác, nhất là bối cảnh dòng vốn FDI trên thế giới suy giảm bởi đại dịch Covid-19.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 20 đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, chiếm 96% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký, đều nằm trong nhóm các nước chịu ảnh hưởng nhất của dịch bệnh.
Nhu cầu vốn đầu tư nước ngoài tăng nhưng nguồn cung giảm dẫn đến tâm lý đánh đổi phải thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế. Điều này có thể tạo điều kiện cho những dự án đầu tư nước ngoài chất lượng thấp vào Việt Nam.
Tại tọa đàm “Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hồi đầu tháng 9, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhận định: Không phải đến khi có dịch bệnh, đầu tư nước ngoài trên thế giới mới giảm, mà trong 3 năm gần đây giảm liên tục. Giảm liên tục ở đây là sự thay đổi tư duy về đầu tư nước ngoài. Trước đây, đầu tư nước ngoài ở Hoa Kỳ giảm khoảng 300 tỷ USD/năm, giờ giảm đi rất nhiều và dự kiến còn giảm. Chúng ta phải đặt vào bối cảnh so sánh như thế để thấy dòng vốn dịch chuyển là làn sóng.
“Dòng vốn dịch chuyển so với tổng vốn đầu tư nước ngoài cao hơn trước đây rất nhiều. Vấn đề là làn sóng đó có đến Việt Nam hay không? Việt Nam tận dụng làn sóng đó như thế nào? Tôi nghĩ làn sóng FDI mới là có nhưng có rất nhiều cản trở để làn sóng này có thể đến với chúng ta”, ông Nguyễn Văn Toàn chia sẻ.
Nhưng phải cẩn trọng với những công nghệ cũ
Ngay cả khi dòng vốn đó đến Việt Nam, việc “sàng lọc”, “lựa chọn” cũng quan trọng không kém. Bởi lẽ, nguy cơ dòng vốn chất lượng thấp đổ vào Việt Nam là hiện hữu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi xây dựng Đề án về thu hút đầu tư nước ngoài cũng đã đặt ra vấn đề này.
Trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019, số dự án từ Trung Quốc đăng ký đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh nhưng với quy mô khá nhỏ (91% dự án dưới 10 triệu USD) và tập trung vào các lĩnh vực sợi, dệt, linh kiện điện thoại, thép,... Điều này cho thấy khả năng các doanh nghiệp Trung Quốc đang chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam để tránh thuế suất là rất cao.
Tại Tờ trình phê duyệt Đề án “chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030” được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Thủ tướng Chính phủ vào ngày 31/8, Bộ này tiết lộ con số đáng chú ý. Đó là tỷ trọng dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao còn khiêm tốn và chưa được cải thiện rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp có công nghệ thấp và trung bình. Cụ thể, chỉ có 5% doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có công nghệ cao, 80% công nghệ trung bình, còn lại 14% là sử dụng công nghệ thấp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bối cảnh tranh chấp thương mại Mỹ - Trung hiện nay đặt ra yêu cầu Trung Quốc phải có những thay đổi bước ngoặt trong việc cải tiến, áp dụng mạnh mẽ các công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh của nền kinh tế. Vì thế, những dự án kém hiệu quả, công nghệ cũ kĩ sẽ có xu hướng bị đẩy ra khỏi Trung Quốc để sang các nước đang phát triển trong khu vực.
Trong chiến lược “made in China 2025”, Trung Quốc đã dự kiến loại bỏ nhiều dây chuyền công nghệ lạc hậu và tranh chấp thương mại được xem là chất xúc tác quan trọng để Trung Quốc tiến hành mạnh mẽ kế hoạch này.
Vì thế, việc tiếp nhận dự án FDI cũng phải đi đôi với sàng lọc để không gây ra những hệ lụy cho nền kinh tế như đã từng xảy ra trong thời kỳ ‘bùng nổ’ về đầu tư nước ngoài.
Cẩn trọng đầu tư núp bóng, mua bán doanh nghiệp
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại dịch Covid-19 đang trở thành cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về tài chính tranh thủ cơ hội cổ phiếu lao dốc, thị trường bất ổn để “thâu tóm” các doanh nghiệp trong nước vốn đang bị tổn thương nặng nề với giá rẻ. Thậm chí, sẽ có khả năng ảnh hưởng đến an ninh kinh tế quốc gia nếu các doanh nghiệp trong nước trong các lĩnh vực trọng yếu bị doanh nghiệp nước ngoài mua lại một phần hoặc toàn bộ phần vốn để kiểm soát điều hành doanh nghiệp.
Trước đó, một số địa phương có hiện tượng “đầu tư chui”, đầu tư núp bóng. Kết quả rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có 5 hình thức đầu tư chui, đầu tư núp bóng.
Một là thông qua cá nhân Việt Nam thành lập doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản, bên nước ngoài góp 49% vốn điều lệ trở xuống.
Hai là thông qua các cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc dùng các pháp nhân nước khác để đầu tư tại các lô đất, vị trí liên quan đến quốc phòng an ninh có thời hạn sử dụng đất lâu dài, sau đó mua lại phần vốn góp của phía Việt Nam.
Ba là thông qua việc cho cá nhân Việt Nam vay tiền để thành lập doanh nghiệp, mọi quyết định đều phải thông qua bên cho vay.
Bốn là thông qua việc kết hôn với người Việt Nam, lập doanh nghiệp do vợ hoặc chồng là người Việt Nam đứng tên nhưng thực tế mọi hoạt động điều hành đều do người nước ngoài đảm trách.
Năm là người nước ngoài đến Việt Nam bằng hộ chiếu du lịch, đứng sau lưng người Việt Nam để thuê mặt bằng nhà xưởng, thu mua nông sản.
|
Lương Bằng
Vietnamnet
|