VIB chuẩn bị những bước đầu tiên lên HOSE
Ngày 31/08/2020, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM thông báo đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (UPCoM: VIB).
Theo thông báo, VIB đăng ký niêm yết 924.5 triệu cp, tương đương tổng giá trị gần 9,245 tỷ đồng.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, đại diện VIB từng chia sẻ trong năm 2020, VIB sẽ dành 1,800 tỷ đồng lợi nhuận để phân phối cho cổ đông hiện hữu, nâng số lượng cổ phiếu lên 20%. Và nếu được cơ quan quản lý thông qua, VIB sẽ tiến hành song song, một mặt phát hành cổ phiếu thưởng, và khoảng tháng 11 sẽ niêm yết trên HOSE.
Từng được cho là quá thận trọng khi chọn giao dịch trên UPCoM vào năm 2017, VIB cũng đã có thời gian để chuẩn bị và khẳng định mình trước khi chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán.
Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh kể từ khi giao dịch trên UPCoM có thể cho thấy rõ định hướng của VIB trong 3 năm gần đây. Chỉ trong 3 năm, VIB tăng lợi nhuận trước thuế từ 1,405 tỷ đồng (năm 2017) lên 4,082 tỷ đồng (năm 2019), đi kèm với việc đẩy mạnh các nguồn thu ngoài lãi, hạn chế sự phụ thuộc vào tín dụng, kéo giảm tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay...
Nguồn: VietstockFinance. Đvt: %
|
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, thu nhập lãi thuần của VIB đạt 3,701 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động dịch vụ cũng tăng đến 34% so với cùng kỳ với số lãi gần 1,022 tỷ đồng.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 32% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 421 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước và sau thuế 6 tháng đầu năm tăng 29% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2,356 tỷ đồng và 1,885 tỷ đồng.
Năm 2020, VIB đặt kế hoạch lãi trước thuế đạt 4,500 tỷ đồng, do đó kết thúc quý 2, VIB đã thực hiện được trên 52% kế hoạch năm.
Nguồn: VietstockFinance. Đvt: Tỷ đồng
|
VIB được thành lập từ năm 1996 với số vốn ban đầu 50 tỷ đồng và 23 nhân viên, sau đó tăng vốn điều lệ lên 1,000 tỷ đồng vào năm 2006.
Năm 2009, VIB ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Ngân hàng CBA (Commonwealth Bank of Australia), vốn điều lệ tăng lên 3,000 tỷ đồng, triển khai tái nhận diện thương hiệu 2009-2013.
Đến năm 2010, Ngân hàng CBA chính thức trở thành cổ đông chiến lược của VIB với tỷ lệ sở hữu 15%, lúc này vốn điều lệ là được nâng lên mức 4,000 tỷ đồng. Năm 2011, vốn điều lệ tăng lên 4,250 tỷ đồng và Ngân hàng CBA nâng tỷ lệ sở hữu lên 20% vốn.
Năm 2020, VIB cũng muốn tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận sau thuế với tổng số tiền gần 1,849 tỷ đồng. Nếu tăng vốn thành công, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ 9,245 tỷ đồng (31/12/2019) lên mức 11,094 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ tăng vốn là 20% vốn điều lệ.
Trên sàn UPCoM, thị giá VIB tăng gần 4% so với đầu năm, với khối lượng giao dịch bình quân hơn 1.9 triệu cp/ngày, hiện đang giao dịch quanh 22,100 đồng/cp (chốt phiên 01/09/2020).
Diễn biến giá cổ phiếu VIB từ đầu năm 2020 đến nay
Nguồn: VietstockFinance
|
Hàn Đông
FILI
|