Triệu người thất nghiệp, tìm việc ở đâu?
Theo dự báo của Bộ LĐ- TB-XH, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ nay đến cuối năm số lao động bị mất việc có thể từ 60.000 - 100.000 người/tháng.
Lao động đến đăng ký trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội Ảnh: T.Hằng
|
Trong khi đó, 9 tháng đầu năm đã có hơn 850.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vì vậy, nỗ lực giúp người lao động tìm việc làm, ổn định cuộc sống là một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay.
Báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH cho biết 9 tháng đầu năm 2020 thị trường lao động có nhiều biến động, lực lượng lao động tiếp tục có xu hướng giảm, số lao động mất việc làm tiếp tục gia tăng dẫn đến tình trạng thất nghiệp diễn biến khó lường. Sự suy giảm việc làm diễn ra mạnh ở đối tượng làm công hưởng lương khi tình trạng sa thải, ngưng việc ở các doanh nghiệp (DN) vẫn tiếp tục gia tăng, tập trung ở một số ngành nghề như may mặc, da giày, túi xách, thương mại điện tử, du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, giao nhận... Trong 9 tháng, đã có 853.971 người lao động (NLĐ) nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã chi 9.253 tỉ đồng để giải quyết trợ cấp thấp nghiệp…
Đặc biệt, Bộ LĐ-TB-XH đánh giá đợt dịch Covid-19 lần 2 tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động do thị trường hàng hóa, nhất là thị trường xuất khẩu, đóng băng.
Lao động đến đăng ký trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội Ảnh: T.Hằng
|
3 tháng đăng ký chưa tìm được việc
Gần 10 giờ sáng 25.9, bãi gửi xe tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (phố Trung Kính, Q.Cầu Giấy) quá tải, không còn chỗ trống. Do đã có kinh nghiệm nhiều lần đến nơi này, chị Vũ Thùy Dung (ngụ Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) tấp xe máy lên vỉa hè trước cửa trung tâm, lấy khóa càng khóa cẩn thận rồi nhanh chóng đến khu vực làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hơn 10 năm làm hướng dẫn viên du lịch với mức thu nhập khá ổn định, chị Dung chưa bao giờ nghĩ có ngày lại rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Chị Dung chia sẻ: “Cả ngành du lịch đều bị ảnh hưởng dịch Covid-19, công ty cũ chưa biết bao giờ hoạt động trở lại, tôi ngoài 35 tuổi, giờ tìm việc mới không dễ. Trước thu nhập của tôi 15 - 20 triệu đồng/tháng, giờ chấp nhận công việc lương 7 - 8 triệu đồng cũng được, nhưng hỏi mấy nơi người ta chỉ cắt giảm chứ chẳng nơi nào nhận người mới. Trong thời gian này, ngoài đưa đón con đi học, tôi nhận giao hàng online cho một cửa hàng hoa tươi, mỗi đơn hàng được 20.000 - 25.000 đồng”.
Mệt mỏi vì phải chờ đợi, chị Nghiêm Thị Ngát (ngụ H.Ứng Hòa, Hà Nội) hết ngồi lướt điện thoại, lại đứng lên ra bảng thông báo đọc thông tin tuyển dụng. Chị Ngát cho hay: “Đây là tháng thứ 3 tôi đến trung tâm khai báo tình trạng thất nghiệp. Tôi cũng đã tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại trung tâm và nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh, nhưng chưa thấy nơi nào gọi. Tôi mới đi làm nên mỗi tháng chỉ nhận được 2 triệu tiền trợ cấp, với nhiều người số tiền này chỉ là con số lẻ, nhưng với những người đang thất nghiệp như tôi thì có thêm đồng nào tốt đồng ấy”.
Nguồn: Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB-XH - Đồ họa: Hồng Sơn
|
Bổ sung vốn cho vay ưu đãi giải quyết việc làm
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, tình hình kinh tế TP.Hà Nội tiếp tục chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 tái bùng phát. Tính đến đầu tháng 9, Hà Nội có 1.351 DN thực hiện thủ tục giải thể, 5.772 DN đăng ký tạm dừng hoạt động. Số NLĐ nộp hồ sơ đến hết ngày 25.9 là gần 65.000 người, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng tháng 8, có hơn 9.000 lao động làm việc tại hơn 2.000 DN đến đăng ký hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Cũng trong tháng 8, trung tâm tiếp nhận gần 3.000 NLĐ có nhu cầu tìm việc làm trên toàn bộ hệ thống điểm, sàn giao dịch việc làm, nhưng chỉ có 1.150 lao động được nhận hồ sơ và tuyển dụng. Nửa đầu tháng 9, có hơn 1.400 NLĐ có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Trung tâm đã tổ chức được 11 phiên giao dịch việc làm, có 252 DN tham gia với 2.811 chỉ tiêu tuyển dụng. Trong đó, chỉ có 478 lao động được nhận hồ sơ (chiếm 34%). Nguyên nhân, theo ông Thành, các DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tình hình dịch bệnh trên thế giới chưa được kiểm soát nên một số ngành sản xuất vẫn đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, buộc các DN phải cân nhắc kế hoạch tuyển dụng lao động.
“Những tháng cuối năm, lượng hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ còn biến động, phụ thuộc vào kết quả chống dịch Covid-19. Nếu dịch kiểm soát tốt, số người đến đăng ký sẽ giảm, nhưng nếu dịch diễn biến phức tạp thì số lao động mất việc làm hằng tháng sẽ tăng cao, khoảng 20.000 lao động mỗi tháng và 90% DN sẽ chịu ảnh hưởng”, ông Thành nhận định.
Để hỗ trợ NLĐ mất việc do Covid-19 sớm quay lại thị trường lao động, ông Lê Hồng Dân, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, cho hay trong tháng 7 và tháng 8 Sở đã tiến hành rà soát về tình hình việc làm tại các DN; điều tra, thu thập thông tin về cung, cầu lao động tại các DN trên địa bàn 30 quận, huyện và hiện đang tổng hợp các số liệu, phân tích, đánh giá và có những đề xuất, giải pháp phù hợp. Qua đó, Sở cũng sẽ nghiên cứu những ngành nghề thay đổi, những ngành nghề mới xuất hiện để có cơ chế, chính sách tổ chức đào tạo mới, đào tạo lại cho NLĐ nâng cao trình độ phù hợp với những ngành nghề mới này.
“Tới đây, Hà Nội có những giải pháp tiếp tục kết nối việc làm, đồng thời có những giải pháp mới để NLĐ tự tìm sinh kế. Đặc biệt, chúng tôi quan tâm tới nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp và lao động trẻ trong khu vực kinh tế phi chính thức. Hà Nội cũng đã cân đối, bổ sung nguồn vốn 650 tỉ đồng (tăng 400 tỉ đồng so với năm 2019) cho vay tín dụng, chính sách ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội để giải quyết việc làm cho NLĐ”, ông Dân cho biết.
Mở chợ việc làm online
Trong khi đó, ông Vũ Quang Thành cho hay để tăng cường thông tin về thị trường lao động, kết nối cung cầu giữa DN và NLĐ, Trung tâm dịch vụ việc làm đã thu thập vị trí việc làm trống, nhu cầu tuyển dụng của DN; đồng thời cũng thu thập nhu cầu tìm kiếm việc làm của NLĐ từ đối tượng đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp và đối tượng lao động tự do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, trung tâm chủ động xây dựng các phương án hỗ trợ đăng ký tuyển dụng cho các DN bằng các hình thức trực tiếp, gián tiếp và online (phỏng vấn trực tuyến qua Zalo, Skype...); thông qua website vieclamhanoi.net, các trang fanpage của trung tâm, các sàn, điểm giao dịch việc làm vệ tinh…
Ông Thành thông tin thêm: “Trong tháng 12, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ thí điểm “chợ” việc làm online. Theo đó, ngoài thành lập fanpage của hệ thống sàn giao dịch việc làm và sử dụng một số hình thức quảng cáo để NLĐ nắm thêm thông tin, chúng tôi đang xây dựng ứng dụng phiên bản trên mobile nhằm tăng tính thuận tiện cũng như mở rộng khả năng tiếp cận cho các đối tượng người dùng”. Với cách thức này, hằng ngày trung tâm sẽ tạo ra các phòng giao dịch việc làm trực tuyến, các DN có thể vào đăng ký tuyển dụng. Còn NLĐ có thể kết nối, lựa chọn nhiều phòng phỏng vấn, nhiều công việc cùng một lúc, để có thể tìm được việc phù hợp nhất. Chỉ cần một chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh, NLĐ có thể tham gia phỏng vấn trực tuyến với nhà tuyển dụng. Thay vì chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ, NLĐ chỉ cần chụp hồ sơ gửi đến hộp thư điện tử của nhà tuyển dụng. Để giúp NLĐ tiếp cận được thông tin về các phiên giao dịch việc làm, trung tâm đã gửi tin nhắn đến hàng nghìn NLĐ các thông tin về tuyển dụng tại các phiên định kỳ, phiên giao dịch việc làm chuyên đề, lưu động. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin truyền thông về sàn giao dịch việc làm qua mạng xã hội Facebook và các fanpage, group…
Thu Hằng
Thanh niên
|