Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 9 tháng 2020 đạt 21.2 tỷ USD
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/9/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21.2 tỷ USD, giảm 18.9% so với cùng kỳ năm trước.
Đã có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6.77 tỷ USD, chiếm 32% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
|
Trong đó có 1,947 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 10.4 tỷ USD, giảm 29.4% về số dự án và giảm 5.6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 798 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt trên 5.1 tỷ USD, tăng 6.8%; có 5,172 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 5.7 tỷ USD, giảm 44.9%.
Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1,296 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 2.1 tỷ USD và 3,876 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 3.6 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng ước tính đạt gần 13.8 tỷ USD, giảm 3.2% so với cùng kỳ năm trước.
Đã có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6.77 tỷ USD, chiếm 32% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Nếu xét theo số lượng dự án mới, Hàn Quốc đứng thứ nhất với 499 dự án, Trung Quốc thứ hai với 271 dự án, Nhật Bản thứ ba với 209 dự án, Singapore thứ tư với 173 dự án.
Đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 60 tỉnh, thành phố; trong đó, tỉnh Bạc Liêu vẫn tiếp tục dẫn đầu với Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore) có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 18.8% tổng vốn đầu tư đăng ký; Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký đạt 3.25 tỷ USD, chiếm 15.3% tổng vốn đầu tư; Hà Nội đứng thứ ba với 2.92 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư; tiếp theo lần lượt là Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Hải Phòng...
Trong khi đó, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng năm 2020 tăng 4.8% so với cùng kỳ năm 2019, mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Chín và 9 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020 là kết quả đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam.
Nhật Quang
FILI
|