Tổ chức chính quyền của TP Thủ Đức sẽ như thế nào?
Tổ chức chính quyền của TP Thủ Đức trong tương lai sẽ là một cấp chính quyền gồm đầy đủ HĐND, UBND hay chỉ là cấp hành chính, thống nhất theo đề án không tổ chức HĐND quận, phường?
Toàn cảnh hội nghị sáng nay. Ảnh: Trung tâm báo chí TP.
|
Sáng 19-9, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã chủ trì hội nghị các Bộ, ngành cơ quan Trung ương góp ý các Đề án mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM.
Toàn cảnh hội nghị sáng nay. Ảnh: Trung tâm báo chí TP.
|
TP Thủ Đức cần có HĐND hay không?
Tại đây, ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, xu hướng thế giới là chỉ tổ chức một cấp chính quyền đối với đô thị và hai cấp chính quyền đối với nông thôn.
Hiện nay, Luật tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2019 đã có cơ sở pháp lý thuận lợi để xây đựng đề án không tổ chức HĐND quận, phường theo hướng chính quyền đô thị.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn góp ý tại hội nghị sáng nay. Ảnh: Trung tâm báo chí TP.
|
“Đề án thành lập TP Thủ Đức đưa ra quan điểm vẫn coi là một cấp chính quyền gồm UBND và HĐND. Nhưng quay lại đề án không tổ chức HĐND quận, phường, thì quận hay TP trực thuộc TP thì bản chất nó cũng là đơn vị hành chính cấp huyện, có điều về tích tụ, mức độ đô thị hóa cao hơn rất nhiều. Có nên tổ chức một cấp chính quyền ở đó hay đưa vào diện không tổ chức HĐND quận, phường ?” – ông Tuấn băn khoăn.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng cần phải nghiên cứu làm sao để khi đưa vào thực hiện đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất giữa các cấp đơn vị hành chính với nhau.
“Không tổ chức HĐND quận, phường thì chủ tịch UBND TP sẽ bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận. Còn đối với cấp phường thì hoặc là vẫn Chủ tịch UBND TP, hoặc phân quyền cho Chủ tịch UBND quận bổ nhiệm Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND phường” – ông Tuấn nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, khi không tổ chức HĐND quận, phường thì công chức làm việc UBND hai cấp này cũng phải đảm bảo một khối thống nhất. “Tôi rất ủng hộ phương án là một khối công chức thống nhất. Đây sẽ là căn cứ sửa Luật cán bộ công chức trong thời gian tới, đảm bảo chế độ công vụ thống nhất, đảm bảo cơ chế quản lý đội ngũ cán bộ thống nhất. Đây là cải cách mạnh mẽ trong xây dựng chế độ công vụ công chức” – ông Tuấn nhìn nhận.
Về đề án sắp xếp đơn vị hành chính, ông Trần Anh Tuấn đánh giá sau khi thành lập TP Thủ Đức, thì TP.HCM sẽ giảm được hai quận và 10 phường. Ông đề nghị phải có phương án bố trí, giải quyết đối với đội ngũ cán bộ công chức ở các đơn vị hành chính mới sau khi sắp xếp, kể cả những người hoạt động không chuyên trách ở cấp khu phố.
TP Thủ Đức - một đô thị có tính chất toàn vẹn
Ông Trương Văn Lắm, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP, thành viên ban soạn thảo đề án cho biết, hôm nay TP.HCM chính thức trình Đề án không tổ chức HĐND tại quận, phường theo đúng quy định của luật, khác với lần trước là đề án Thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Theo đề án, nếu được cho phép không tổ chức HĐND thì ở quận và phường không phải cấp chính quyền địa phương. Do đó, lãnh đạo UBND là được lãnh đạo hành chính cấp trên bổ nhiệm. “Đề nghị hình thức cấp trên bổ nhiệm đó sẽ là cơ chế bổ nhiệm cán bộ công chức cấp quận/huyện trở lên và với cấp phường cũng vậy” – ông Lắm nói.
Ông cho rằng, như vậy, sẽ đảm bảo cơ chế hoạt động của UBND ở quận và phường, nơi không có HĐND là đơn vị hành chính hoạt động theo cơ chế thủ trưởng và những người bổ nhiệm đó là công chức cấp huyện trở lên.
Theo ông Trương Văn Lắm, về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn TP, trong đó có việc thành lập TP Thủ Đức, TP căn cứ vào nhu cầu phát triển của TP và lợi thế về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực ở tại địa bàn của ba quận 2, 9 và Thủ Đức.
“Đây là địa bàn đã được phê duyệt phát triển đô thị, bây giờ chỉ quy hoạch nâng lên một tầm cao hơn là Khu đô thị sáng tạo phía Đông. Để kết nối đồng bộ và phát huy hiệu quả với các lợi thế hiện có, vậy nên thành lập TP Thủ Đức” – ông Lắm đánh giá.
Phường Trường Thọ, quận Thủ Đức (TP.HCM) được tính toán sẽ là khu vực trung tâm của TP Thủ Đức. Ảnh: Hoàng Giang.
|
Nói rõ hơn về lý do thành lập TP Thủ Đức, ông Lắm khẳng định, khu vực này có những lợi thế, về địa hình thì các khu vực đó trước đây vốn dĩ là huyện Thủ Đức tương đối độc lập về hạ tầng so với khu vực trung tâm TP. Đây là một địa bàn có thể thành lập một đô thị có tính chất toàn vẹn chứ không phải như một bộ phận của đô thị tại các quận.
“Chúng tôi tôi hiểu rằng địa bàn rộng quá cũng quản lý sẽ rất khó khăn, trong khi xu hướng là TP rộng quá thì phải tách ra. Vậy tại sao TP.HCM lại sáp nhập? Vì chúng tôi không phải quản lý theo cơ học do đây là Khu đô thị sáng tạo, phát triển trên nền tảng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin. Cái quan trọng của việc cần sáp nhập để phát triển nhanh hơn, tốt hơn với các lợi thế hiện có” – ông Lắm phân tích thêm.
Trước mắt, TP.HCM phân loại TP Thủ Đức là đô thị loại I. Bởi trong 13 năm phát triển đô thị kể từ khi thành lập (năm 1997) đến nay thì nó đã đủ điều kiện để trở thành đô thị loại I rồi.
Nguyên giám đốc Sở Nội vụ TP nhìn nhận lần này TP.HCM cũng đã đi đầu trong việc không tổ chức HĐND quận và phường theo Luật tổ chức chính quyền địa phương mới sửa đổi. “Kể cả đề án thành lập TP trong TP trực thuộc Trung ương, Hiến pháp và Luật cho phép nhưng chưa ai làm thì TP cũng đi đầu. Việc này cũng vì trách nhiệm đối với nhân dân TP, vì sự phát triển của cả nước, vì cả nước” - ông Lắm nói.
LÊ THOA- THANH TUYỀN
Pháp luật TPHCM
|