Nhân sự ngành địa ốc: “Lao đao” vì… Covid (!?)
Nhân sự giỏi rời bỏ doanh nghiệp là câu chuyện rất phổ biến đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp không quan tâm nhiều đến vấn đề này, họ cho rằng đó là câu chuyện thường nhật luôn diễn ra trong cuộc sống…
Theo số liệu của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch Đầu tư), năm 2019, lĩnh vực bất động sản có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể cao nhất, với 598 doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36.8% và 686 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 39.4%, so với năm 2018, cả nước cũng đã ghi nhận gần 700 doanh nghiệp dù mới gia nhập thị trường chưa lâu… đã phải giải thể vì khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, không đủ kinh phí hoạt động. Đến đầu năm 2020, khi mà đại dịch “Covid 19” bắt đầu bùng phát khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam thì tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản càng trở nên ảm đạm hơn…
Lãnh đạo từ nhiệm, nhân viên chuyển ngành
Ngành kinh doanh bất động sản vốn là ngành nghề có tỷ lệ đào thải nhân sự nhanh đến “chóng mặt” so với các ngành nghề khác, nếu như không muốn nói là ngành nghề có tốc độ đào thải nhân sự cao nhất tại Việt Nam. Có nhiều yếu tố dẫn đến hành vi trên, đơn cử như: Thiếu sản phẩm để bán, chiến lược kinh doanh không hiệu quả, tài chính không đủ đảm bảo để duy trì kinh doanh hay nhân sự vứt áo ra đi khi không đồng quan điểm với người chủ doanh nghiệp. Nhìn chung, nhân sự giỏi rời bỏ doanh nghiệp là câu chuyện rất phổ biến đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp không quan tâm nhiều đến vấn đề này, họ cho rằng đó là câu chuyện thường nhật luôn diễn ra trong cuộc sống…
Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) vừa qua chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thay đổi lãnh đạo chủ chốt. Điển hình như CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) đã có Chủ tịch HĐQT mới là bà Nguyễn Thùy Vân thay thế vị trí của cựu Chủ tịch Nguyễn Đăng Thanh vừa có đơn từ nhiệm. Ngoài ông Thanh, hai thành viên khác trong HĐQT là ông Lâm Minh Châu phụ trách kiểm soát nội bộ và bà Trần Yến Duyên, thành viên HĐQT độc lập cũng có đơn từ nhiệm.
Cách đây hơn một năm, Ông Nguyễn Đăng Thanh được HĐQT TTC Land tín nhiệm và bầu chọn vào ghế Chủ tịch TTC Land, kỳ vọng sẽ giúp Công ty vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều doanh nghiệp cùng ngành khác trong giai đoạn này rào cản các thủ tục pháp lý vẫn chưa được tháo gỡ, ngân hàng siết chặt cho vay tín dụng bất động sản, tín hiệu thị trường không mấy khả quan cho công tác bán hàng… Đã gây cản trở không nhỏ cho kế hoạch phát triển TTC Land của cựu Chủ tịch Nguyễn Đăng Thanh.
Gần đây nhất, bà Dương Thị Mai Hoa - một nữ CEO lẫy lừng trong giới Tài chính – Ngân hàng - Bất động sản đã ngừng cộng tác cho một Tập đoàn bất động sản danh tiếng. Theo nghị quyết số 0704/2020 của CTCP Sunshine Homes (Thành viên Sunshine Group), bà Dương Thị Mai Hoa đã chấm dứt vai trò Thành viên Hội đồng quản trị, miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc Sunshine Homes kể từ ngày 07/4/2020.
Nhắc đến bà Dương Thị Mai Hoa thì không ai không biết lý lịch “khủng” của bà kể từ khi đảm nhận chức danh Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam. Về với Sunshine Group trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp cùng ngành đều gặp khó khăn tương tự nhau, giống như trường hợp của ông Nguyễn Đăng Thanh, bà Dương Thị Mai Hoa vẫn không thể thay đổi cục diện tốt hơn cho Sunshine Homes, đặc biệt khi sức hút thị trường giảm mạnh do đại dịch Covid 19 diễn biến phức tạp…
Được biết, ông Nguyễn Đăng Thanh và bà Dương Thị Mai Hoa có một điểm chung, họ đều không có mối quan hệ thân thuộc (người thân/người nhà) với ông/bà chủ doanh nghiệp và họ cũng không phải là cổ đông lớn của Tập đoàn nơi mà họ đang điều hành. Đơn giản, họ chỉ là lãnh đạo làm thuê. Khi họ ra đi, không chắc là chiến lược của họ đề ra còn được người kế nhiệm cân nhắc sử dụng… Và, nhân sự cũng thế. Nếu người kế nhiệm thay đổi chiến lược thì chắc chắn nhân sự sẽ phải thay đổi ít nhiều cho phù hợp với chiến lược mới. Từ đó, một lượng lớn nhân sự sẽ ra đi vì… không còn phù hợp.
Họ đi đâu, về đâu? Không ai biết. Chỉ biết, một bộ phận nhân sự không nhỏ sẽ rời bỏ ngành tương tự như ông Nguyễn Đăng Thanh đã phải trở về lại với ngành ngân hàng…
Cắt giảm chi phí, giảm nhân sự: Giải pháp tốt nhất?
Giải pháp cắt giảm chi phi, giảm nhân sự là một giải pháp mà rất nhiều doanh nghiệp đưa ra nhằm giúp doanh nghiệp tồn tại và trụ vững cho đến khi đại dịch Covid-19 đi qua, liệu đây có phải là giải pháp tốt nhất? Không vội để trả lời câu hỏi ấy. Đã có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chuyển đổi chiến lược kinh doanh trực tiếp sang mô hình kinh doanh trực tuyến. Hoạt động nghiên cứu, đầu tư và xây dựng hệ thống kinh doanh trực tuyến đã và đang được rất nhiều chủ doanh nghiệp địa ốc chú trọng hơn, kỳ vọng sẽ thay đổi cho hoạt động kinh doanh trực tiếp như hiện nay...
Cuộc đua công nghệ bất động sản (Proptech) giữa các ông lớn ngành địa ốc trong mùa đại dịch Covid đã thực sự khốc liệt hơn bao giờ hết. Ngày 09/01 vừa qua, Tập đoàn Sunshine cho ra mắt “Sunshine App” được kỳ vọng là đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của người dân từ mua – bán – cho thuê nhà, đầu tư online, tư vấn dự án, cho vay tiêu dùng, giải trí, gọi xe, giúp việc, du lịch, giáo dục, y tế, mua sắm, quản lý nhà cửa… Bằng việc bắt tay với các đối tác chiến lược như Samsung.
Không kém cạnh ngày 09/04 vừa qua, Vinhomes cho ra mắt sàn thương mại điện tử được xem là mô hình kinh doanh bất động sản trực tuyến, ứng dụng công nghệ cao, kết nối trực tiếp giữa chủ đầu tư và khách hàng thông qua màn hình máy tính hoặc điện thoại.
Liệu rằng, công nghệ bất động sản (Proptech) sẽ thay đổi hoàn toàn hoạt động của môi giới kinh doanh bất động sản truyền thống hiện nay? Nếu đúng như vậy thì hoạt động “cắt giảm chi phí, giảm nhân sự” là hoạt động cần thiết. Tuy nhiên, “cắt giảm chi phí – giảm nhân sự” để tập trung đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống kinh doanh trực tuyến thì đó không phải là giải pháp tốt nhất. Bởi, hoạt động của công nghệ bất động sản (Protech) xuất hiện ở Việt Nam hơn mười năm nay, nó cũng mang lại những hiệu quả tích cực không thể phủ nhận hoàn toàn nhưng, để thay thế cho nhân viên môi giới bất động sản truyền thống thì điều đó là không thể. Thay đổi hành vi hay văn hóa tiêu dùng đối với khách hàng ngành kinh doanh Bất động sản cần có lộ trình dài và chiến lược chiều sâu tích hợp từ hoạt động cộng tác của nhiều doanh nghiệp cùng ngành.
Chi phí đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống kinh doanh bất động sản trực tuyến (Proptech) không thể nói là nhỏ và chắc chắn không hề nhỏ hơn so với chi phí đầu tư cho bộ máy nhân sự kinh doanh bất động sản truyền thống. Còn nhớ, năm 2016 một doanh nghiệp Start-up kinh doanh bất động sản trực tuyến (Proptech) được kỳ vọng là “Uber bất động sản của Việt Nam” đã từng tuyên bố “sẽ thay thế” môi giới kinh doanh bất động sản truyền thống. Nhưng, cách đây không lâu họ lại đăng tin tuyển dụng hàng trăm môi giới kinh doanh bất động sản, liệu họ có đối sách mới hay đó là sự “đoản mệnh” của một tư duy không đứng vững… trên mặt đất?
Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu - Phó Chủ tịch, Hanita Master Group
FILI
|