Nhà quản lý quỹ 230 tỷ đô tại Fidelity cũng lo ngại về Robinhood
Will Danoff đang tự hỏi tại sao hàng tỷ USD cứ liên tục rút khỏi quỹ Contrafund – quỹ tương hỗ khổng lồ mà ông đang quản lý tại Fidelity Investments. Thành tích quỹ rõ ràng không phải là vấn đề khi quỹ của ông có hiệu suất 21% trong năm nay, vượt trội hơn nhiều so với mức tăng 6.2% của S&P 500. Kết luận của Danoff là gì? Những đứa trẻ ngày nay muốn thứ gì đó lôi cuốn hơn.
Thậm chí thành tích đánh bại chỉ số trong 3 thập kỷ qua (trung bình hơn 3 điểm % mỗi năm) của Danoff cũng không thể thu hút dòng vốn chảy vào quỹ của ông.
Will Danoff, nhà quản lý quỹ tại Fidelity
|
“Đây là vấn đề về đối tượng đầu tư”, Danoff chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg. “Chúng tôi cần phải thu hút dòng vốn từ giới Gen Z và thế hệ trẻ hơn, và may là ứng dụng của chúng tôi khá tốt. Nhưng bạn biết không, một người bình thường trong giới Gen Z có thể chẳng mấy hứng thú với việc sở hữu chứng chỉ quỹ của quỹ tương hỗ”.
Nhận xét từ một trong những ngôi sao sáng nhất của Fidelity thể hiện nỗi lo lắng của toàn ngành quỹ tương hỗ. Trong nhiều năm qua, các quỹ tương hỗ không còn được ưa chuộng vì thành tích nghèo nàn và còn phải trả phí hoa hồng hoặc phí thường niên (gần 1%).
Hiện dòng tiền chảy vào các quỹ cổ phiếu theo phương pháp quản lý chủ động đã thấp hơn so với các quỹ chi phí thấp như quỹ chỉ số và quỹ ETF – vốn bám sát theo thị trường chứ không cố đánh bại chỉ số. Gần đây hơn, nhà đầu tư trẻ đổ xô sang ứng dụng Robinhood, một ứng dụng thuận tiện giao dịch với chiếc điện thoại thông minh mà không phải trả phí hoa hồng.
Đứng bên cạnh những trò hề của nhà đầu cơ nổi tiếng Dave Portnoy trên mạng xã hội, dường như kỷ nguyên mua và nắm giữ (buy & hold) của Danoff có vẻ không còn hợp thời.
“Khi tôi bắt đầu sự nghiệp trong năm 1990, có khoảng 261 quỹ cổ phiếu, trong khi hiện nay có tới hàng ngàn quỹ khác nhau”, Danoff – nhà quản lý quỹ 230 tỷ USD – cho hay. “Hiện có tới hàng ngàn quỹ đầu cơ, hàng ngàn hoặc hàng triệu nhà đầu tư Robinhood, và còn có các quỹ quản lý tài sản quốc gia… Vì vậy, cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn”.
Nguồn lực to lớn
Fidelity vẫn là một trong những gã khổng lồ của ngành quản lý tài sản với tổng giá trị 3.3 ngàn tỷ USD. Không giống như hầu hết các công ty đối thủ, Fidelity có cả quỹ ETF, mảng môi giới chiết khấu và thậm chí còn hoạt động trong mảng tiền kỹ thuật số. Danoff nói rằng khả năng tiếp cận tới nguồn lực to lớn của Fidelity là một trong những lý do giúp ông vượt S&P 500 trong khoảng 3 thập kỷ qua.
Dù vậy, ông cũng công nhận về sự hấp dẫn của các sản phẩm chỉ số. Đà tăng trưởng của các sản phẩm này trong thập kỷ qua đã làm giảm tính hấp dẫn của các quỹ tương hỗ và chấm dứt kỷ nguyên mà trong đó các nhà quản lý quỹ như Peter Lynch, Bill Miller và Ken Heebner là những cái tên nổi tiếng. Năm ngoái, 71% nhà quản lý quỹ cổ phiếu vốn hóa lớn tại Mỹ không thể đánh bại chỉ số S&P 500, theo dữ liệu từ S&P Global.
“Có một vấn đề lớn đối với việc đầu tư vào quỹ quản lý chủ động. Điều gì sẽ xảy ra khi các nhà quản lý quỹ nghỉ hưu hoặc điều gì xảy ra nếu nhà quản lý quỹ ‘mất cái chạm tay hóa vàng’?”, Danoff (60 tuổi) nhận định. “Và lúc đó, liệu tôi có còn tin tưởng vào nhà quản lý quỹ của tôi hay không?”.
Các nhà quản lý quỹ cũng có nhiều khoản đầu tư sai lầm. Trong trường hợp của Danoff, ông đã bán hầu hết khoản đầu tư tại Tesla trong năm 2017 và 2018, do đó bỏ lỡ đà tăng ấn tượng của gã khổng lồ xe điện.
Hiện ông rơi vào trạng thái lấp lửng về Tesla. Một mặt, ông tự tin rằng xe điện rõ ràng có tương lai rất sáng, Tesla là một công ty tuyệt vời và Elon Musk là “một lãnh đạo ấn tượng”. Mặt khác, ông lại không muốn mua những doanh nghiệp thâm dụng vốn, chứ đừng nói tới mức định giá cao ngất ngưỡng của Tesla (411.6 tỷ USD).
Berkshire Hathaway của Warren Buffett
Cùng lúc đó, Danoff đang mắc kẹt với Berkshire Hathaway, ngay cả khi hiệu suất của Berkshire Hathaway bị tụt lại phía sau S&P 500 trong thập kỷ qua.
“Tôi càng dành nhiều thời gian với Warren Buffett và tham gia vào cuộc họp thường niên ở Omaha, tôi lại càng thích Berkshire Hathaway”, ông nói. “Với tất cả khoản nắm giữ trong lĩnh vực công nghệ của tôi, Berkshire Hathaway là đối trọng rất tốt”.
Quy mô cũng là vấn đề mà Danoff phải chật vật giải quyết, nhất là trong quỹ Contrafund 139 tỷ USD. Là một nhà quản lý tập trung vào tăng trưởng lợi tức, ông rót vốn mạnh vào Amazon.com, Facebook, Apple và Alphabet – các công ty hiện quá quyền lực đến nỗi trở thành đối tượng mà các nhà điều hành chống độc quyền nhắm tới. “Tôi thực sự lo ngại về điều đó”, ông nói.
Cho tới nay, đại dịch Covid-19 tạo ra cú huých tới danh mục toàn cổ phiếu công nghệ của ông Danoff với những vụ đầu tư dài hạn vào phần mềm, mạng xã hội, điện toán đám mây và thanh toán kỹ thuật số.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|