Ngân hàng tận dụng thời cơ để huy động vốn ngoại tệ
Một câu hỏi đặt ra là vì sao trong nước vẫn có thể huy động bằng USD với lãi suất 0% theo quy định hiện nay, nhưng ngân hàng vẫn muốn tìm vốn ngoại tệ qua con đường trái phiếu với lãi suất phát hành cao hơn rất nhiều, như VPBank trong năm ngoái phải phát hành với lãi suất lên đến 6.25%?
Tìm kiếm vốn ngoại
HĐQT HDBank (HDB) mới đây vừa thông qua Nghị quyết phát hành riêng lẻ 160 triệu USD trái phiếu quốc tế ngay trong năm nay, với 1,600 trái phiếu mệnh giá 100,000 USD/trái phiếu nhắm đến nhà đầu tư tổ chức tại thị trường Đức và Singapore. Trái phiếu có thời hạn 5 năm và là loại trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông, không kèm tài sản đảm bảo và chứng quyền.
Cùng với kế hoạch huy động vốn quốc tế, HDBank cũng khóa tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ 30% xuống 21.5%. Theo HDBank, "nhằm phục vụ kế hoạch lựa chọn và thỏa thuận với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong định hướng phát triển của ngân hàng". Tuy nhiên, khả năng HDBank đang tính đến trường hợp lượng trái phiếu chuyển đổi sẽ phát hành có thể chuyển đổi thành cổ phần trong tương lai.
Trước đó tại cuộc họp ĐHĐCĐ diễn ra ngày 13/06, Ban lãnh đạo HDBank từng chia sẻ kế hoạch phát hành 1 tỷ USD trái phiếu tại nước ngoài theo chương trình Euro Medium Term Note, thời gian dự kiến phát hành là 2020-2024. Kỳ hạn trái phiếu dự kiến tối thiểu 3 năm và tối đa 10 năm từ ngày phát hành.
Cùng với HDBank, trong năm nay còn có ACB cũng có phương án phát hành trái phiếu quốc tế bằng đồng USD trong năm 2020, với tổng khối lượng phát hành không quá 10% tổng huy động tiền gửi của khách hàng theo kỳ hạn trung và dài hạn cũng như lãi suất trái phiếu theo thị trường tại thời điểm phát hành.
Bên cạnh việc tích cực phát hành trái phiếu nội địa, theo thống kê cho thấy các ngân hàng đã phát hành 70 nghìn tỷ đồng trái phiếu chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, chiếm 32% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được phát hành, các nhà băng còn có xu hướng tìm kiếm vốn ngoại tệ thông qua con đường phát hành trái phiếu quốc tế trong 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, mức độ thành công của những thương vụ này ít nhiều còn hạn chế. Cụ thể như trong năm 2019, cũng đã có một loạt ngân hàng lên kế hoạch phát hành trái phiếu ngoại tệ như VPBank (1 tỷ USD), SHB (500 triệu USD), TPBank (200 triệu USD), SeABank (400 triệu USD),… nhưng cuối cùng chỉ có VPBank phát hành thành công 300 triệu USD trên tổng kế hoạch phát hành và gần đây ngân hàng này còn đang lên kế hoạch mua lại.
Động lực phía sau
Việc các ngân hàng phát hành trái phiếu quốc tế nhằm tăng cường nguồn vốn trung dài hạn là thấy rõ, khi lượng vốn huy động qua kênh này thường có kỳ hạn khá dài, nếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên còn được tính vào vốn tự có cấp 2 để tính hệ số an toàn vốn (CAR), nhất là đối với những ngân hàng đã áp dụng theo chuẩn Basel 2 từ đầu năm nay nhưng chất lượng tài sản thời gian qua ít nhiều bị suy giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Ngoài mục tiêu trên, các ngân hàng còn tăng cường vốn ngoại tệ còn để phát triển các mục tiêu kinh doanh cho tương lai, như các hoạt động cho vay ngoại tệ khi mà nhu cầu vay của các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm xuất khẩu luôn ngày càng tăng lên theo sự mở rộng hoạt động giao thương của Việt Nam trước các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và hưởng lợi từ chiến tranh thương mại của các cường quốc.
Nhưng một câu hỏi đặt ra là vì sao trong nước vẫn có thể huy động bằng USD với lãi suất 0% theo quy định hiện nay, nhưng ngân hàng vẫn muốn tìm vốn ngoại tệ qua con đường trái phiếu với lãi suất phát hành cao hơn rất nhiều, như VPBank trong năm ngoái phải phát hành với lãi suất lên đến 6.25%?
Để trả lời câu hỏi này có thể lý giải theo 2 yếu tố. Thứ nhất là nguồn vốn ngoại tệ trong dân chúng thời gian qua có lẽ đã giảm xuống sau hàng loạt chính sách chống đô la hóa của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Một lượng vốn ngoại tệ lớn gửi ngân hàng trước đây đã chuyển sang tiền đồng để hưởng lãi suất cao hơn. Thực tế, việc NHNN trong những năm qua thành công tăng mạnh dự trữ ngoại hối nhờ mua ròng ngoại tệ đã chứng minh cho luận điểm này. Với dự trữ ngoại hối gần đây cập nhật lên đến 92 tỷ USD, tức đã tăng lên gấp 3 lần so với thời điểm năm 2015.
Song song đó, lượng vốn ngoại tệ còn lại vẫn đang lưu hành trong dân chúng, lại có xu hướng dịch chuyển về những ngân hàng có thế mạnh kinh doanh ngoại hối và các NHTM Nhà nước vốn có thương hiệu và mạng lưới trải rộng. Đơn cử như tại Vietcombank, tiền gửi ngoại tệ đến cuối tháng 6/2020 lên đến gần 146 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 15% tổng số dư tiền gửi khách hàng của ngân hàng này. Hay 2 NHTM Nhà nước còn lại là BIDV và VietinBank cũng có số dư tiền gửi ngoại tệ tương ứng gần 52 nghìn tỷ đồng và 57 nghìn tỷ đồng. Như vậy, riêng tiền gửi ngoại tệ của 3 ngân hàng trên đã là 225 nghìn tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 35% tổng số dư tiền gửi ngoại tệ toàn hệ thống.
Chính vì vậy, trong bối cảnh nguồn vốn ngoại tệ trong nước ngày càng hạn hẹp và có xu hướng tập trung cục bộ tại một số ít ngân hàng, các ngân hàng khác buộc phải tìm kiếm nguồn vốn ngoại tệ từ bên ngoài. Điều này cũng phù hợp, nhất là đặt trong bối cảnh lãi suất đồng USD hiện nay cũng đã dễ chịu hơn nhiều so với giai đoạn trước, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong 2 năm đã liên tục giảm lãi suất cơ bản từ mức 2.5% về gần 0% như hiện nay, kéo theo lãi suất cho vay USD trên thị trường quốc tế cũng giảm tương ứng.
Ngoài được lợi về lãi suất giảm, việc huy động vốn ngoại tệ cũng không còn chứa đựng quá nhiều rủi ro tỷ giá như những năm trước đây, khi NHNN hàng năm đều cam kết kiểm soát tỷ giá USD/VNĐ tăng không quá 2%. Đáng lưu ý là trong 3 tháng trở lại đây, tiền đồng còn có xu hướng tăng giá so với USD trong bối cảnh đồng USD quốc tế giảm quá mạnh và nguồn cung ngoại tệ trong nước trở nên dồi dào nhờ thặng dư thương mại hàng hóa và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân ổn định.
Vì vậy, dễ hiểu khi các nhà băng đã, đang và có thể sẽ tiếp tục tăng cường tìm kiếm vốn ngoại tệ qua con đường phát hành trái phiếu. Thực tế với nguồn vốn ngoại tệ huy động được, các ngân hàng hoặc sử dụng để cho vay ngoại tệ với lãi suất dĩ nhiên cao hơn chi phí đầu vào, hoặc chuyển sang tiền đồng để cho vay với lãi suất cao hơn 3-4% so với cho vay ngoại tệ. Với biên độ lãi suất lớn như vậy, dù rủi ro tỷ giá có xảy ra thì lợi nhuận từ việc cho vay bằng tiền đồng với chênh lệch lãi suất cao như vậy cũng đủ để bù đắp những thiệt hại về tỷ giá nếu có.
Trong bối cảnh nguồn vốn ngoại tệ trong nước ngày càng hạn hẹp và có xu hướng tập trung cục bộ tại một số ít ngân hàng, các ngân hàng khác buộc phải tìm kiếm nguồn vốn ngoại tệ bên ngoài. Điều này cũng phù hợp nhất là đặt trong bối cảnh lãi suất đồng USD trên thị trường quốc tế hiện nay cũng đã dễ chịu hơn nhiều so với giai đoạn trước.
|
Phan Thụy
FILI
|