Mở lối ra cho 14.000 ha đất vướng quy hoạch
Từ phản ánh của báo, lãnh đạo TP.HCM đã có những chỉ đạo rà soát, xử lý để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân.
* Xóa quy hoạch treo
* TP.HCM: Xóa quy hoạch không khả thi để trả lại quyền lợi cho người dân
Những khu vực bị ảnh hưởng bởi quy hoạch sẽ được rà soát, xử lý, đảm bảo quyền lợi cho dân. Ảnh: VIỆT HOA
|
Tại TP.HCM, một tồn tại nhiều năm nay khiến người dân bức xúc. Đó là việc có hai loại quy hoạch là đất hỗn hợp (ĐHH) và đất dân cư xây dựng mới (DCXDM), trong đó bao gồm cả đất ở nhưng người dân có nhà, đất nằm trong hai chức năng quy hoạch này vẫn bị “treo” quyền lợi.
Hay nói cách khác, người dân có đất ở hợp pháp nhưng vẫn không được xây dựng chính thức, hầu hết chỉ được xây dựng tạm. Việc chuyển mục đích, tách thửa cũng bị cấm đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Thấu hiểu sự thiệt thòi của người dân
Theo thống kê của Sở QH-KT, trên toàn TP.HCM có hơn 14.000 ha đất được quy hoạch với chức năng là ĐHH và DCXDM. 24 quận, huyện trong quá trình giải quyết quyền lợi của người dân trong hai chức năng quy hoạch này cũng vướng mắc, lúng túng, mỗi nơi hiểu một kiểu, làm một cách khác nhau.
Sau khi rà soát các quy định pháp luật liên quan đến hai chức năng quy hoạch này, PV nhận thấy có rất nhiều vấn đề bất cập, nhiều vướng mắc chưa được làm rõ. Theo đó, trong đất quy hoạch ĐHH rõ ràng có đất ở, đất DCXDM thì bản chất vẫn là đất ở. Tuy nhiên, người dân có đất ở trong hai chức năng quy hoạch này vẫn không được đối xử như với đất ở bình thường là rất thiệt thòi, thậm chí trái với quy định pháp luật.
Sau khi khảo sát thực tế tại một số khu vực quy hoạch hai chức năng nêu trên và làm việc với các quận, huyện, PV càng nhận ra các nơi đang có cách hiểu và vận dụng quy định pháp luật khác nhau và không thống nhất trong việc giải quyết quyền lợi cho dân. Thậm chí, nhiều địa phương còn ngừng giải quyết hồ sơ liên quan đến tách thửa, chuyển mục đích và chỉ cấp giấy phép xây dựng tạm cho người dân có đất vướng trong hai loại quy hoạch này.
Cùng với nghiên cứu sâu các văn bản pháp lý liên quan, PV tiếp tục phỏng vấn các chuyên gia giàu kinh nghiệm về công tác quy hoạch đô thị để tìm hiểu nguồn gốc, lịch sử của các chức năng quy hoạch nêu trên, vốn không hề được quy định trong văn bản pháp luật nào. Hoặc nếu có thì rất mờ nhạt và không quy định cụ thể.
Sau khi đã có đầy đủ dữ liệu, từ ngày 23 đến 28-6, PV đã thực hiện loạt bài “TP.HCM: Lối ra nào cho 14.000 ha đất vướng quy hoạch?” với sáu bài phản ánh và phân tích.
Theo đó, các cơ quan chức năng đều thừa nhận có nhiều bất cập và vướng mắc trong quy hoạch ĐHH và DCXDM, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân kéo dài nhiều năm chưa được làm rõ.
Chính quyền vào cuộc vì quyền lợi của dân
Sau khi loạt bài trên đăng tải, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đã khẳng định: TP sẽ rà soát và xóa quy hoạch thiếu khả thi.
Đầu tháng 9-2020, Văn phòng UBND TP đã có văn bản thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan trong cuộc họp với các sở, ngành có liên quan, chỉ đạo liên quan đến ĐHH và DCXDM.
Cụ thể, về những vướng mắc liên quan đến tách thửa trong ĐHH và DCXDM, ông Hoan giao Sở QH-KT khẩn trương hướng dẫn UBND quận, huyện rà soát, đánh giá tính khả thi, bất hợp lý của những khu vực đã duyệt quy hoạch ĐHH và DCXDM trong các đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000. Cùng đó là phân loại, xây dựng tiêu chí điều chỉnh quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 để có hướng xử lý cụ thể.
Đối với những khu vực quy hoạch không khả thi thì phải đề xuất điều chỉnh quy hoạch, xóa quy hoạch, trả lại quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Đối với những khu vực quy hoạch ĐHH còn tính khả thi, đủ điều kiện thuận lợi để chỉnh trang đô thị nhưng chưa có nhà đầu tư, ông Hoan giao cơ quan chức năng đề xuất lập quy hoạch chi tiết 1/500. Qua đó, cụ thể hóa quy hoạch 1/2000 để xác định rõ vị trí, ranh giới từng loại chức năng sử dụng đất, công khai lấy ý kiến nhân dân. Cùng với đó, hướng dẫn người dân cùng tham gia đầu tư hạ tầng trong khu vực.
Đối với khu vực quy hoạch đất DCXDM còn tính khả thi thì khẩn trương đề xuất kêu gọi đầu tư theo quy định. Sở, ngành, địa phương cần phải quản lý trật tự xây dựng thật chặt chẽ, xử lý nghiêm đối với trường hợp xây dựng không phép, sai phép, tự ý phân lô hộ lẻ.
Mong rằng với tinh thần chỉ đạo này, tới đây những vướng mắc liên quan đến quy hoạch ĐHH và DCXDM sẽ được tháo gỡ, trả lại quyền và lợi ích hợp pháp của người dân về nhà, đất.
VIỆT HOA
Pháp luật TPHCM
|