Méo mặt vì lãi suất vay giảm… nhỏ giọt
Các doanh nghiệp than phiền rằng không chỉ lãi suất cho vay cao mà thủ tục cũng phức tạp, dẫn đến việc họ không mấy mặn mà vay vốn.
Mặc dù lãi suất đầu vào (lãi suất tiền gửi tiết kiệm) liên tục điều chỉnh giảm sâu nhưng lãi suất đầu ra (lãi suất cho vay) vẫn cao ngất ngưởng, nhất là cho vay trung và dài hạn. Khách hàng có nhu cầu vay vốn than trời vì cả lãi suất cho vay mới cũng như các khoản dư nợ hiện hữu không hạ nhiệt như kỳ vọng.
Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến ngân hàng (NH) dư tiền, trong khi doanh nghiệp (DN) và người dân lại thiếu vốn giá rẻ để phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Giảm không đáng kể
Giới kinh doanh khẳng định từ đầu năm, lãi suất huy động đã giảm 0,5-2,5 điểm phần trăm ở tất cả kỳ hạn nhưng lãi suất cho vay thực tế trên thị trường vẫn chưa có được mức giảm tương đương. Điều này khiến các DN, người dân đã khó khăn vì COVID-19 lại càng méo mặt do chi phí lãi vay quá cao.
Chị Huyền Thanh (chủ một cơ sở sản xuất ở quận 2, TP.HCM) đánh giá gần đây lãi suất cho vay tại một số NH có giảm nhưng không đáng kể. “Hiện nay, mức lãi suất cho vay dài hạn sau ưu đãi tại VietinBank khoảng 11%/năm” - chị Thanh dẫn chứng.
Thấy lãi suất huy động tại NH Techcombank đang ở mức siêu thấp nên chị Thanh nghĩ rằng lãi suất cho vay cũng giảm mạnh theo. Thế nhưng khi tìm hiểu mới té ngửa lãi suất cho vay tại đây vẫn ở mức cao. Cụ thể, lãi suất cho vay cố định trong năm đầu là 8,79%/năm, sau ưu đãi sẽ là 11,5%/năm. “Nhân viên tư vấn khẳng định đấy là mức lãi suất cho những khách hàng được chấm điểm tín dụng cao, còn không thì mức lãi suất cho vay sẽ phải cao hơn như vậy” - chị Thanh kể.
Chị Minh Hiền (một nhân viên văn phòng tại quận 3, TP.HCM) kể chị đang vay vốn tại một NH thương mại cổ phần với lãi suất lên đến gần 12,5%/năm. Như vậy, đối với khoản vay gần 1 tỉ đồng, mỗi tháng chị phải trả gần 15 triệu đồng gồm tiền lãi và gốc. Dịch COVID-19 khiến thu nhập của hai vợ chồng giảm thê thảm song lãi suất cho khoản vay cũ vẫn giữ nguyên, không thay đổi đã làm cuộc sống của gia đình chị thực sự khó khăn.
Mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn còn cao, hiện phổ biến ở mức 9%-11%/năm. Ảnh: TL
|
“Tôi nhiều lần than phiền lãi suất cao với nhân viên tư vấn của NH nhưng đến giờ vẫn không nhận được phản hồi nào. Tôi cho rằng đáng lẽ với lãi suất huy động dài hạn chỉ dao động quanh mức 6%-6,5%/năm thì lãi suất cho vay ở mức 8%-8,5%/năm là hợp lý chứ không nên cao như vậy. NH tuyên bố chia sẻ với người dân, DN thì hãy hành động thực sự” - chị Thanh nói.
Tương tự, anh Hoàng Trọng (chủ một công ty kinh doanh đồ nội thất ở quận Tân Bình, TP.HCM) cũng nêu thực tế: Lãi suất cho vay mua nhà tại các NH như Vietcombank, BIDV, VietinBank… chỉ giảm 0,2%-1%/năm cho các kỳ hạn khác nhau. Nhưng khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay dao động 10,5%-11%/năm.
Trong khi đó, tại các NH có vốn nước ngoài như Standard Chartered, UOB, HongleongBank, HSBC, Shinhanbank... lại thấp hơn khá nhiều. Đơn cử tại Standard Chartered, khách hàng có thể chọn mức lãi suất cố định cho năm đầu tiên là 6,49%/năm hoặc 7,69%/năm cố định hai năm đầu tiên. Khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ thả nổi nhưng không quá 10%/năm.
“Sau khi khảo sát, tôi thấy lãi suất của các NH trong nước vẫn cao hơn nên quyết định làm hồ sơ vay vốn NH nước ngoài. Trong điều kiện kinh tế khó khăn thì khi ký hợp đồng vay vốn, bất cứ ai cũng phải so đo từng đồng lãi” - anh Trọng cho hay.
Lãi suất thực tế cao, thủ tục khó
Lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NH Nhà nước) cho biết đến ngày 16-9, các NH đã giảm lãi suất cho vay mới phổ biến 0,5%-2,5% so với trước dịch. Phần dư nợ được hưởng lãi suất thấp này lên tới 1,6 triệu tỉ đồng với 310.000 khách hàng.
Tuy vậy, nhiều DN cho rằng số giảm lãi suất thực tế không có nhiều khác biệt so với thời điểm trước dịch, chủ yếu giảm ở lĩnh vực ưu tiên. Ước tính lãi suất cho vay chỉ giảm 0,1%-0,2%/năm so với trước dịch và chỉ một số ít DN được áp dụng mức thấp hơn 0,5%/năm.
Các DN cho rằng vấn đề không chỉ là lãi suất cho vay còn cao mà thủ tục cũng phức tạp, dẫn đến DN không mấy mặn mà vay vốn. Thêm vào đó, tỉ lệ vốn được NH xét duyệt cho vay cũng giảm xuống và phải có tài sản bảo đảm. Ví dụ NH chỉ cho vay bằng khoảng 40% giá trị tài sản thế chấp, thay vì trước đây khoảng 50%-60%.
|
Ngân hàng lý giải
Các NH lý giải có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc lãi suất cho vay giảm không theo kịp lãi suất huy động. Ví dụ, lãi suất huy động giảm nhưng số dư huy động lãi suất cao từ năm trước vẫn còn. Mặt khác, dù thừa vốn nhưng NH chỉ có thể giảm lãi suất đối với các khách hàng tốt, có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn… bất chấp tình hình dịch bệnh khiến DN lao đao.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc NH OCB, cho biết các sản phẩm cho vay khác nhau thì mức lãi suất sẽ khác nhau nhưng mặt bằng chung thì hiện khách hàng vay mua bất động sản được giảm lãi suất 0,1%-1,5%/năm đối với các khoản vay mới.
Lãnh đạo OCB cũng nhìn nhận toàn ngành NH đang tập trung để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân. Khách hàng với NH như “ngồi chung một con thuyền, khách hàng sống thì NH sống. Ngược lại, khách hàng gặp khó khăn thì NH cũng chịu chung số phận”.
Để tìm cách sống chung với điều kiện khó khăn của khách hàng như hiện tại, NH vẫn duy trì các phương án như giãn thời gian trả nợ, tiếp tục bơm vốn để khách hàng duy trì dự án kinh doanh.
Tuy nhiên, lãnh đạo NH OCB thừa nhận dù muốn hay không thì NH cũng phải chọn lựa khách hàng để hỗ trợ. Bởi không thể miễn, giảm lãi, bơm vốn cho khách hàng mà NH nhìn thấy rõ nguy cơ mất an toàn vốn. “Nói chung là NH hỗ trợ theo kiểu kê đơn bắt bệnh, tùy vào từng đối tượng, mức độ thiệt hại của DN mà có hướng hỗ trợ phù hợp. Hơn nữa, muốn giãn nợ, gia hạn nợ thì cũng phải phù hợp với quy định của luật pháp, tuân thủ các quy định của pháp luật” - ông Tùng cho hay.
Tổng giám đốc một NH thương mại có trụ sở tại TP.HCM lý giải thêm: Mặc dù tình hình dịch COVID-19 trong nước đang được kiểm soát chặt chẽ song trong sức khỏe tài chính của nhiều đơn vị kinh doanh bị ảnh hưởng, trong đó thị trường bất động sản bị tác động không hề nhỏ. Chính vì vậy, việc thẩm định các hồ sơ vay bất động sản càng được các NH thận trọng nhằm ngăn chặn nguy cơ gia tăng nợ xấu.
“Hiện có nhiều khách hàng hỏi vay mua bất động sản. Nhưng cứ nói đến vay mua đất trồng cây lâu năm, đất ruộng thì cho dù khách hàng có thu nhập ổn định, sử dụng thêm tài sản bất động sản khác để thế chấp thì chúng tôi cũng từ chối cho vay. Nói cách khác, kể cả trong bối cảnh tín dụng tăng thấp, các NH cũng không dám hạ chuẩn cho vay” - vị lãnh đạo NH nói.
Các NH cũng cho rằng với biên lãi thuần như hiện nay, nếu giảm mạnh lãi cho vay sẽ bị thua lỗ. Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực của NH như cắt giảm các chi phí không cần thiết thì cơ quan quản lý có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành để các NH có thể giảm chi phí đầu vào. Khi đó, lãi suất cho vay thực tế mới có thể giảm xuống.
Trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, các doanh nghiệp đang rất cần nguồn vốn giá rẻ để sản xuất, kinh doanh. Ảnh: QH
Ngân hàng dư tiền, khách vay ít
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NH Nhà nước), thông tin: Ảnh hưởng của dịch bệnh đã dẫn đến việc khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ NH đúng hạn, dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 2,27 triệu tỉ đồng, chiếm trên 25% dư nợ toàn hệ thống.
Ngay từ đầu năm, NH Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% nhưng do tác động của đại dịch COVID-19 nên nhu cầu vốn rất thấp. Với các NH, tác động lớn nhất là cầu tín dụng rất thấp.
Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NH Nhà nước), cũng khẳng định: Nguồn vốn và thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng dồi dào, sẵn sàng cung cấp đủ, kịp thời tín dụng cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, do cầu tín dụng còn rất yếu trước tác động của dịch COVID-19 nên tín dụng tăng chậm so với cùng kỳ năm trước. Đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng đạt 4,75% và đến ngày 16-9 tăng trưởng tín dụng đạt 4,81%.
|
THÙY LINH
Pháp luật TPHCM
|