Thứ Năm, 03/09/2020 13:45

Làn sóng thất nghiệp và phá sản toàn cầu

Cho đến nay, đại dịch Covid-19 đã lây nhiễm trên 24,6 triệu người và cướp đi hơn 830.000 sinh mạng. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng mối nguy kinh tế của nó ở cấp số nhân so với nguy cơ y tế đối với cộng đồng, bởi tác động đại dịch có thể dẫn đến thất nghiệp và phá sản hàng loạt.

Tệ nhất 100 năm

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo đến cuối năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu ở các nền kinh tế tiên tiến sẽ cao nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1930. Tỷ lệ thất nghiệp tại các nước OECD vào tháng 4 tăng chưa từng có từ 2,9% lên 8,4%, so với 5,5% trong tháng 3. Số người thất nghiệp trong khu vực các nước OECD tăng 18,4 triệu lên 55 triệu trong tháng 4. Mỹ chiếm phần lớn, với thêm 15,9 triệu người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp ở phụ nữ tăng nhanh hơn so với nam giới ở các nước OECD: tăng 3,3% trong tháng 4 (lên 9,1%) so với mức tăng 2,6% (lên 7,9%) của nam giới. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng 5,5% (lên 17,6%), so với mức tăng 2,7% của người từ 25 tuổi trở lên.

Tác động đại dịch Covid-19 có thể dẫn đến thất nghiệp và phá sản hàng loạt.

Có sự khác biệt đáng kể về tốc độ gia tăng thất nghiệp giữa các nền kinh tế OECD. Khu vực đồng euro tăng 7,3% từ 7,1% vào tháng 3; Nhật Bản tăng lên 2,6% từ 2,5%. Đây là những khu vực có mức tăng trung bình. Nhưng ở Canada, Colombia và Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, với mức tăng lần lượt 13%, từ (7,8%), 19,9% (từ 12,2%) và 14,7% (từ 4,4%). Dữ liệu đầu tháng 5 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng ở Canada 0,7%, lên 13,7%, mức cao nhất kể từ năm 1976. Dữ liệu chính thức tháng 5 cho thấy tỷ lệ đăng ký thất nghiệp ở Đức tăng 0,5% nhưng ổn định ở Bỉ và giảm ở Na Uy (dù vẫn cao hơn khoảng 5% so với tháng 2-2020).

Theo OECD, dù các nền kinh tế phát triển có khả năng trải qua sự phục hồi ban đầu nhanh chóng sau cuộc suy thoái, nhưng vẫn giảm so với mức trước đại dịch được ghi nhận vào đầu năm 2020. Nhà kinh tế trưởng Laurence Boone của OECD, cho biết tác động kinh tế của Covid-19 đối với tình trạng thất nghiệp, phá sản doanh nghiệp và những điều chỉnh về cách biệt xã hội sẽ ngăn cản quá trình phục hồi kinh tế bình thường khỏi suy thoái. "Hầu hết mọi người đều thấy sự phục hồi hình chữ V, nhưng chúng tôi cho rằng nó sẽ dừng lại giữa chừng. Đến cuối năm 2021, thu nhập bị mất nhiều hơn bất kỳ cuộc suy thoái nào trước đó trong vòng 100 năm, với những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài" - bà Boone nói.

Vỡ nợ tiêu dùng

Giống như hàng triệu người trên khắp thế giới, Zhang Chunzi đã vay số tiền mà cô nghĩ mình có thể trả trước khi Covid-19 thay đổi mọi thứ. Hiện đã bị sa thải khỏi công việc tại một nhà máy xuất khẩu hàng may mặc ở Hàng Châu, cô gái 23 tuổi này đang thiếu tiền thanh toán cho khoản nợ 12.000 nhân dân tệ (1.700USD) từ thẻ tín dụng của mình. Zhang nói: “Tôi đã trả trễ tất cả hóa đơn và không có cách nào để trả hết nợ của mình".

Trong tháng 2, nợ thẻ tín dụng quá hạn tại Trung Quốc đã tăng khoảng 50% so với năm trước đó. Qudian Inc., công ty cho vay trực tuyến có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết tỷ lệ vi phạm pháp luật đối với các khoản cho vay của công ty đã tăng lên 20% vào tháng 2, từ mức 13% vào cuối năm ngoái. China Merchants Bank Co., nhà cung cấp tín dụng tiêu dùng lớn, cho biết trong tháng 3 đã phải tạm dừng kinh doanh thẻ tín dụng sau khi các khoản vay quá hạn tăng đáng kể. Ước tính có khoảng 8 triệu người ở Trung Quốc bị mất việc làm trong tháng 2.

Theo Viện Tài chính Quốc tế, các hộ gia đình trên khắp thế giới hiện đang mắc nợ hơn 12.000 tỷ USD. Tỷ lệ nợ trên GDP của hộ gia đình ở Pháp, Thụy Sĩ, New Zealand và Nigeria hiện cao hơn bao giờ hết. Tại Australia, quốc gia có mức nợ hộ gia đình cao nhất trong số các quốc gia G20, nhà cho vay lớn nhất của quốc gia  Commonwealth Bank, cho biết các đường dây hỗ trợ tài chính của họ đang nhận được gấp 8 lần số lượng cuộc gọi thông thường. Số lượng truy vấn tương tự cũng khiến các công ty cho vay ở Mỹ tăng vọt, nơi số dư thẻ tín dụng tăng lên mức chưa từng có 930 tỷ USD.

Doanh nghiệp phá sản

Công ty bảo hiểm tín dụng Euler Hermes ước tính vào cuối năm 2021, các khu vực trên toàn thế giới sẽ tăng tỷ lệ vỡ nợ ở mức 2 con số, trong đó mức tăng mạnh nhất dự kiến xảy ra ở Bắc Mỹ (+57% so với năm 2019), tiếp theo là Trung và Đông Âu (+34%), Mỹ Latin (+33%), Tây Âu (+32%) và châu Á (+31%). Việc rút lại sớm các biện pháp can thiệp khẩn cấp của chính phủ hoặc quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu lâu hơn dự kiến có thể khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Để so sánh, tỷ lệ vỡ nợ trung bình dự kiến trước đại dịch chỉ ở mức tăng 6% hàng năm.

Tại Mỹ, dữ liệu của Viện Phá sản cho biết tổng số hồ sơ phá sản theo Chương 11 trong 6 tháng đầu năm tăng 26%, lên 3.604 từ mức 2.855 trong cùng kỳ 2019. Trong đó có rất nhiều nhà bán lẻ danh tiếng, như JC Penney, Neiman Marcus, J. Crew, Pier 1, Ann Taylor, Ascena, Modell's Sporting Goods, True Ton, RTW RetailWinds, Lucky Brand, The Paper Store, Men's Wearhouse, Lord & Taylor… Tại nước láng giềng Canada, tình hình cũng không khá hơn, khi nhiều doanh nghiệp nổi tiếng phải đóng cửa, gồm nhà bán lẻ đồ thể thao Sail Outdoors, chuỗi cửa hàng trà DavidsTea, tập đoàn bán giày Aldo và cửa hàng quần áo Reitmans, hay đoàn xiếc Cirque du Soleil ở Quebec…

Ở Mexico, theo Viện Thống kê Quốc gia, trong quý II, GDP nước này giảm 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành du lịch (chiếm 15,5% nền kinh tế) đã đóng cửa số lượng lớn khách sạn và doanh nghiệp liên quan đến giải trí. Các nhà bán lẻ như đại lý đồ nội thất và thiết bị Grupo Famsa, một chuỗi với 379 cửa hàng tại 78 thành phố của Mexico và 22 cửa hàng phụ ở Texas và Illinois, cũng buộc phải nộp đơn phá sản.

Tại Anh, doanh nghiệp ở tất cả ngành nghề phải gánh chịu hậu quả kinh tế của đại dịch, như hãng hàng không Flybe, Virgin Atlantic, chuỗi nhà hàng và bánh mì kẹp thịt Byron, Carluccio's, quỹ tín thác bất động sản Intu Properties, nhà bán lẻ thời trang Debenhams, Laura Ashley, nhà khoan dầu Noble Corporation, thậm chí cả công ty phóng vệ tinh OneWeb. Ngoài ra, 1/10 tổ chức từ thiện có thể đóng cửa vào cuối năm và hơn 10 trường đại học được cho đang gặp rủi ro. Thậm chí, chi nhánh đồ lót Victoria's Secret ở Anh cũng tuyên bố phá sản.

Tại Italia, điểm nóng đầu tiên ở phương Tây bị ảnh hưởng bởi Covid-19, khoảng 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phá sản từ đầu năm. Các công ty lớn cũng đang bị ảnh hưởng. Hoạt động công nghiệp trong tình trạng ảm đạm, lĩnh vực du lịch bị tổn hại, các ngân hàng đang gánh khoản vay khổng lồ, có thể không bao giờ trả được. Chính phủ Italia cũng vừa quốc hữu hóa hãng hàng không Alitalia. 

Với những diễn biến đáng lo ngại do tác động của đại dịch Covid-19, thế giới đang tiến nhanh đến cuộc “Đại suy thoái” thứ hai.

Văn Cường

Sài Gòn Giải Phóng

Các tin tức khác

>   Fed: Kinh tế Mỹ tăng trưởng khiêm tốn trong tháng 8, thấp hơn nhiều so với trước đại dịch (03/09/2020)

>   Đối mặt khoản lỗ tỷ USD, bất chấp đại dịch quyết mở bay quốc tế (03/09/2020)

>   Một trong những quốc gia dầu khí giàu nhất thế giới đang cạn tiền (03/09/2020)

>   Cần gì để được coi là một nước phát triển? (03/09/2020)

>   Kinh tế Australia rơi vào suy thoái (03/09/2020)

>   Tổng thống Trump muốn một phần của “chiếc bánh” TikTok (03/09/2020)

>   Ấn Độ cấm thêm 118 ứng dụng Trung Quốc, có cả game PUBG, Alipay và Baidu (02/09/2020)

>   LG Chem trở thành nhà cung cấp pin ôtô điện lớn nhất thế giới (02/09/2020)

>   Gần 860.000 người chết vì nCoV toàn cầu (02/09/2020)

>   Trung Quốc chuẩn bị cho vai trò mới trong thương mại toàn cầu (01/09/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật