Làn sóng bán tháo công nghệ tiếp diễn, Nasdaq rớt hơn 3%, Dow Jones mất 560 điểm
Chứng khoán Mỹ rớt mạnh trong phiên ngày thứ Ba (08/09) khi nhóm cổ phiếu công nghệ nối tiếp làn sóng bán tháo của tuần trước.
Tính tới lúc 20h50 ngày thứ Ba (08/09 – giờ Việt Nam), chỉ số Nasdaq Composite rớt 3.19%, Dow Jones mất 563.24 điểm (tương đương hơn 2%), còn S&P 500 hạ 2.32%.
Nguồn: CNBC
|
“Mức định giá cao của nhóm cổ phiếu siêu lớn đã vượt quá xa mức lịch sử”, Bruce Bittles, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Baird, cho hay. “Các chỉ báo kỹ thuật – nợ margin cao, các quỹ tương hỗ dốc hết tiền vào thị trường, dữ liệu quyền chọn cho thấy khối lượng quyền chọn mua kỷ lục – đều cho thấy tâm lý lạc quan cực độ trên thị trường và thường báo hiệu giai đoạn điều chỉnh sắp bắt đầu”.
Những cổ phiếu nóng diễn biến ra sao:
- Cổ phiếu Tesla rớt 15.5% sau khi S&P Dow Jones Indices quyết định không thêm cổ phiếu hiện đang bị đầu cơ mạnh này vào chỉ số S&P 500. Nhà đầu tư trước đó đặt cược vào khả năng Tesla được thêm vào S&P 500.
- Cổ phiếu Facebook, Amazon, Netflix và công ty mẹ của Google, Alphabet, giảm hơn 2.8%. Apple sụt 5.3%, còn Zoom Video sụt 4.2%.
- Cổ phiếu SoftBank lao dốc 7% trong ngày 07/09 sau khi Financial Times xác định công ty này chính là “cá voi” trên sàn Nasdaq đã mua hàng tỷ USD hợp đồng quyền chọn mua có gắn với các cổ phiếu công nghệ.
- Nhóm cổ phiếu bán dẫn chịu áp lực vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Cổ phiếu Nvidia sụt hơn 5% và Micron lao dốc 3.9%. Applied Materials lao hơn 6%, còn Advanced Micro Devices giảm 2%.
Trong phiên giao dịch cuối tuần trước (04/09), chứng khoán Mỹ chấm dứt chuỗi 5 tuần leo dốc liên tiếp sau khi nhóm cổ phiếu công nghệ lớn quay đầu rớt mạnh. Đà rớt sâu của cổ phiếu Amazon, Apple, Microsoft và Facebook – những cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong năm 2020 – kéo Nasdaq Composite rớt mạnh 3.3% và ghi nhận tuần tệ nhất kể từ ngày 20/03. Dow Jones và S&P 500 giảm tương ứng 1.8% và 2.3% trong tuần trước.
Nhiều chuyên gia đầu tư trên Phố Wall tin rằng đà giảm xuất phát từ nỗi lo cổ phiếu công nghệ đã tăng quá mạnh. Thậm chí với đà giảm của tuần trước, Nasdaq Composite tăng hơn 70% so với mức đáy tháng 3/2020.
Giữa làn sóng bán tháo, chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, chạm tới mức 35.05 trong ngày thứ Ba (08/09).
Diễn biến địa chính trị cũng có thể đè nặng lên tâm lý của nhà đầu tư. Trung Quốc cáo buộc Mỹ đưa ra hành vi “bắt nạt” ngay khi tung ra sáng kiến an ninh dữ liệu toàn cầu trong ngày 08/09. Điều này diễn ra khi Washington tiếp tục gây áp lực lên các công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc và thuyết phục các quốc gia khác ngăn cấm các công ty này.
Gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ về dự định hạn chế bớt mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, đe dọa trừng phạt bất kỳ công ty Mỹ nào tạo việc làm ở nước ngoài, đồng thời cấm những tổ chức làm ăn với Trung Quốc giành được các hợp đồng liên bang.
“Chúng ta sẽ sản xuất những linh kiện vật tư quan trọng tại Mỹ, chúng ta sẽ tạo ưu đãi thuế (tax credit) cho các công ty sản xuất tại Mỹ và mang việc làm trở về nước Mỹ. Chúng ta sẽ áp hàng rào thuế quan lên các công ty từ bỏ Mỹ để tạo việc làm ở Trung Quốc và những quốc gia khác”, ông Trump cho biết tại cuộc họp báo Nhà Trắng trong ngày 07/09.
“Nếu họ không thể sản xuất tại đây (nước Mỹ) thì phải bắt họ đóng thuế mạnh khi xây nhà máy ở nơi khác và chuyển hàng vào nước Mỹ”, ông nói. “Chúng ta sẽ không trao các hợp đồng liên bang cho các công ty nhập nguồn từ Trung Quốc và buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm vì đã để dịch bệnh lan ra khắp thế giới”.
Gần đây, ông Trump hoan nghênh ý tưởng “tách rời” nền kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc – một giấc mơ của những quan chức Mỹ mang quan điểm “diều hâu” về Trung Quốc.
“Cho dù là tách rời hoặc đánh thuế nặng tay với Trung Quốc (chúng ta đã và đang thực hiện), chúng ta sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc vì nước Mỹ không thể phụ thuộc", Tổng thống Mỹ cho biết.
* Ông Trump hứa chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc và biến Mỹ thành siêu cường sản xuất
* Ông Trump vẫn được cử tri Mỹ đánh giá cao về việc điều hành kinh tế
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|