Thứ Hai, 07/09/2020 15:05

Giá cho thuê giảm tới 50%, đất vàng vẫn mỏi mắt tìm khách thuê

Nhiều chủ nhà có mặt bằng cho thuê đã giảm giá thuê tới 50%, song, người đi thuê mặt bằng kinh doanh thời điểm này vẫn đếm trên đầu ngón tay.

Nhiều cửa hàng trên phố Hàng Bè đã đóng cửa, trả lại mặt bằng. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Thị trường mặt bằng cho thuê tại Hà Nội còn chưa "hoàn hồn" sau đợt cách ly xã hội hồi tháng Tư vừa qua thì lại được phen lao đao vì dịch COVID-19 quay trở lại lần hai.

Mặc dù giá cho thuê đã giảm đáng kể nhưng người thuê và người cho thuê vẫn khó có thể đạt được thỏa thuận chung.

Ế ẩm mặt bằng cho thuê đang là tình trạng chung ở hầu khắp các tuyến phố trên địa bàn Thủ đô.

Nhà mặt tiền phố cổ giá giảm vẫn ế

Theo khảo sát, kể từ đầu tháng 5 đến nay, thị trường mặt bằng cho thuê tại Hà Nội liên tục giảm sâu. Đặc biệt, ngay sau khi xuất hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Hà Nội do lây từ ổ dịch Đà Nẵng, nhiều chủ nhà có mặt bằng cho thuê đã giảm giá thuê tới 50%, song, người đi thuê mặt bằng kinh doanh thời điểm này vẫn đếm trên đầu ngón tay.

Nhiều chủ nhà cũng cho biết dù có tiếp tục giảm giá thì lượng khách thuê cũng không có, bởi rất ít người mạo hiểm trong việc mở cửa hàng mới kinh doanh giai đoạn này.

Thậm chí, nhiều người còn rục rịch muốn trả lại mặt bằng khi dịch bệnh quay trở lại Hà Nội.

Ông Ngô Văn Hùng, chủ một cửa hàng cho thuê trên phố Hàng Bông, cho biết lượng người hỏi thuê mặt bằng rất ít dù giá thuê ông đã giảm tới 30% trong 6 tháng. Khi mặt bằng chưa có người thuê thì dịch COVID-19 quay trở lại.

"Cửa hàng nhà tôi nằm ở phố lớn thuộc trung tâm nên trước đây chưa bao giờ ế khách thuê. Giá cho thuê cũng cao nhất, nhì Hà Nội. Từ khi dịch bệnh này xuất hiện, người thuê trả lại cửa hàng do kinh doanh không có lãi, tôi đã sửa sang lại và giảm hẳn 50% giá thuê trong 6 tháng. Tuy nhiên, tôi cũng không hi vọng nhiều và có thể phải mất chừng 1 năm nữa thì mặt bằng cho thuê mới ổn định. Chưa bao giờ mặt bằng cho thuê lại phải đi tìm khách thuê khó khăn đến vậy," ông Hùng cho biết.

Ông Hùng không phải là người duy nhất có mặt bằng cho thuê mà không tìm được khách thuê. Nếu như trước kia, bất động sản phố cổ thậm chí được coi là đất "kim cương" thì sau hai đợt dịch, giá cho thuê mặt bằng phố cổ trung bình đã giảm từ 10-30% nhưng vẫn không có người thuê.

Hay như tại quận Ba Đình, trước khi dịch bệnh xuất hiện, giá cho thuê, sang nhượng mặt bằng ở đây khá cao. Đơn giản vì càng gần trung tâm thì giá nhà càng đắt.

Hàng loạt cửa hàng trên phố Hàng Gai - nơi giá thuê mặt bằng đắt nhất Hà Nội đã phải đóng cửa do ế ẩm. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Tham khảo các website môi giới, giá cho thuê mặt bằng kinh doanh khu vực quận Ba Đình trước kia là hơn 300.000 đồng/m2/tháng. Thế nhưng hiện nay, khi làn sóng dịch COVID-19 thứ hai quay trở lại, giá thuê tại đây cũng sụt giảm đáng kể.

Trên hầu khắp các tuyến phố, tình trạng treo biển "cho thuê mặt bằng" đang diễn ra khá nhiều. Không ít địa điểm mặt bằng tại các trung tâm thương mại, khu phố lớn như phố Huế, Thái Hà, Kim Mã... liên tục treo biển giảm giá 30% trong 6 tháng nhằm hỗ trợ ảnh hưởng do dịch bệnh nhưng lượng khách thuê vẫn thưa thớt.

Tại quận Cầu Giấy, nơi có bệnh nhân nhiễm COVID-19 số 447 lây từ ổ dịch Đà Nẵng vừa qua, tình trạng cũng không khá hơn.

Theo ghi nhận, bệnh nhân này làm việc tại quán pizza trên phố Trần Thái Tông. Ngay sau khi phát hiện, không chỉ quán pizza phải đóng cửa mà giá thuê mặt bằng kinh doanh tại khu vực này cũng sụt giảm.

Quận Cầu Giấy là nơi tập trung nhiều văn phòng, trụ sở công ty với mật độ dân cư tương đối cao. Trước khi dịch xảy ra, giá thuê mặt bằng kinh doanh tại đây dao động từ 200.000-300.000 đồng/m2/tháng.

Tuy nhiên, dưới tác động của dịch bệnh cũng như việc thực hiện giãn cách xã hội trong tháng Tư vừa qua, không ít cửa hàng đã phải đóng cửa, shop quần áo, nhà hàng quán ăn phải trả lại mặt bằng.

Hồi phục chưa lâu sau đợt giãn cách xã hội, nay, đợt sóng thứ 2 của dịch bệnh lại khiến các chủ nhà có mặt bằng cho thuê mỏi mắt tìm người thuê mà không thấy.

Cơ hội tiếp cận "vị trí vàng"

Khảo sát của Tập đoàn CBRE mới đây về tác động dịch COVID-19 cho thấy có tới 43% khách thuê cho rằng doanh thu sẽ giảm từ 10-30% trong năm 2020; 61% khách thuê chưa được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà từ chủ nhà; 27% khách thuê mong đợi chủ nhà hỗ trợ nhiều hơn vì hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng từ dịch bệnh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thị trường mặt bằng cho thuê gặp khó như: Kinh tế sụt giảm, sức mua kém khiến các cửa hàng kinh doanh ế ẩm, dẫn đến nhà đầu tư không dám liều thuê mặt bằng mở cửa hàng vì chi phí quá lớn.

Thêm nữa, dịch COVID-19 đang khiến cho thói quen tiêu dùng của khách hàng thay đổi. Nhiều người chuyển từ việc mua trực tiếp tại cửa hàng sang mua online. Vậy nên, nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh mặt phố cũng không được quan tâm.

Một cửa hàng có bằng đẹp ở ngã tư phố Lương Văn Can-Lãn Ông cũng phải đóng cửa do ế ẩm. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Nhiều hộ kinh doanh không chọn thuê mặt bằng phố lớn để mở cửa hàng mà bán hàng online thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, website.

Nhiều người bán hàng còn gọi điện thoại tư vấn cho khách hàng rồi giao cho đơn vị vận chuyển đến tận nhà cho khách.

Bà Từ Thị Hồng An, Phó Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại của Savills Việt Nam, cho biết bán lẻ là một trong những phân khúc chịu ảnh hưởng lớn nhất từ đại dịch COVID-19.

Phần lớn người kinh doanh đều thực hiện phương án trả lại mặt bằng. Ở chiều ngược lại, các chủ cho thuê cũng đang cố gắng giảm giá xuống mức thấp nhất có thể.

Giới chuyên gia cũng cho rằng phải mất thêm một quãng thời gian nữa, thị trường mới có thể lấy lại đà phục hồi.

Trong giai đoạn kinh doanh hiện nay cả người kinh doanh lẫn người có mặt bằng cho thuê buộc tìm các phương án đối phó. Kinh doanh online là một phương án hữu hiệu được các bên lựa chọn vào lúc này.

Theo các chuyên gia bất động sản, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, do đó, chủ nhà cho thuê mặt bằng nên chủ động tiếp cận với người thuê, điều này có thể giúp mối quan hệ giữa chủ thuê và khách thuê trở nên mật thiết hơn, người thuê nhà cũng sẽ thể hiện sự trân trọng của mình bằng việc ký kết những hợp đồng dài hạn.

Cùng với đó, chủ nhà cho thuê cũng nên tìm hiểu về những ngành nghề, lĩnh vực ít bị ảnh hưởng như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, ngân hàng... và tìm kiếm khách thuê sao phù hợp với mặt bằng mình có để khách thuê một thời gian dài, hạn chế những rủi do mà dịch bệnh gây ra.

Đối với những khách thuê thuộc lĩnh vực này, chủ thuê mặt bằng nên ký hợp đồng dài hạn và có những ưu đãi nhất định cho họ.

Ở một góc nhìn khác, theo ông Lê Tuấn Bình, Trưởng Bộ phận cho thuê thương mại (Savills Hà Nội) lại cho rằng tình trạng ế ẩm hiện nay là cơ hội để cho các nhà bán lẻ tiếp cận với các "vị trí vàng" trước đây chưa bao giờ được chào trên thị trường với mức giá hợp lý hơn sau giai đoạn "bình thường mới" của dịch COVID-19./.

Minh Nghĩa

Vietnam+

Các tin tức khác

>   'Thị trường bất động sản không khủng hoảng vì Covid-19' (07/09/2020)

>   Khách sạn sang cũng rao bán cắt lỗ (05/09/2020)

>   1 triệu cũng có thể mua bất động sản? (05/09/2020)

>   Kỳ vọng phục hồi thị trường từ phân khúc bất động sản công nghiệp (03/09/2020)

>   Dịch COVID-19 khiến căn hộ cho thuê ế ẩm, nhà đầu tư khóc ròng (02/09/2020)

>   90% triệu phú đôla tại Việt Nam đều 'đổ tiền' vào bất động sản (01/09/2020)

>   Giá bất động sản không có dấu hiệu giảm qua hai đợt dịch (31/08/2020)

>   Giới đầu cơ, lướt sóng bất động sản 'mất hút' mùa dịch (31/08/2020)

>   Đừng để thành phố phía Đông 'thổi căng' bong bóng bất động sản (29/08/2020)

>   Lộ diện mô hình chia nhỏ bất động sản bán theo cổ phần (29/08/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật