Dự án mới có thể giúp Hapaco ‘trở mình’?
Cổ phiếu HAP của CTCP Tập đoàn Hapaco (HOSE: HAP) bất ngờ biến động mạnh mẽ khi tăng trần liên tục 16 phiên trong tháng 8/2020, tức tăng giá tới 225%. Diễn biến này đến từ sau khi những chủ trương thực hiện các dự án mới vừa được đưa ra. Liệu cổ phiếu HAP có thể tiếp tục bay cao?
Thành tích kinh doanh khá mờ nhạt
Năm 1998, HAP được cổ phần hóa và đổi tên thành CTCP Giấy Hải Phòng - Hapaco; đến năm 1999 hợp nhất thành CTCP Hapaco và đến tháng 8/2009 thì chính thức đổi tên thành CTCP Tập đoàn Hapaco (HOSE: HAP) như hiện tại. Sau nhiều lần tăng vốn, hiện Công ty có vốn điều lệ hơn 556 tỷ đồng. Hoạt động chính của HAP gồm: Sản xuất bột giấy, giấy các loại, sản phẩm chế biến từ lâm sản để xuất khẩu; sản xuất kinh doanh xăng dầu và các sản phẩm chưng cất từ dầu mỏ; đầu tư tài chính và mua bán chứng khoán...
Không nhiều người còn nhớ HAP chính thức niêm yết lên sàn chứng khoán Việt Nam cách đây khoảng 20 năm, chỉ vài ngày sau khi REE và SAM lên sàn. Có lẽ vì trong khi 2 đơn vị kia liên tục gia tăng về quy mô nên HAP trở nên khá mờ nhạt.
Trong 20 năm có mặt trên sàn, doanh thu của HAP đạt cao nhất là 480 tỷ đồng vào năm 2018, một con số thấp so với giá trị tổng tài sản. Thực tế trong hơn 10 năm trở lại đây, doanh thu của đơn vị này có xu hướng đi ngang chứ không hề tăng trưởng. Trong khi đó, lợi nhuận mỗi năm đem về chưa có bước tiến nếu không muốn nói có xu hướng đi xuống...
Đvt: Tỷ đồng
|
Tỷ suất lợi nhuận ròng/doanh thu trong 4 năm gần đây lại còn giảm so với trước, ở mức 3%-7%, cho thấy hiệu quả kinh doanh của HAP không có sự cải thiện.
Hiện HAP đang kinh doanh khá nhiều lĩnh vực, nhưng hoạt động sản xuất và kinh doanh giấy các loại vẫn đang đóng vai trò trọng yếu (chiếm 99.8% cơ cấu doanh thu năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020).
Cơ cấu doanh thu của HAP
Nguồn: BCTC hợp nhất của HAP
|
Mặt khác, BCTC hợp nhất 2 năm gần nhất 2018 và 2019 của HAP ghi nhận khá nhiều giao dịch với các bên liên quan là CTCP Bệnh viện Quốc tế Green (công ty liên kết) và Công ty TNHH Vida Hải Phòng (ông Vũ Dương Hiền là đồng Chủ tịch).
Đáng kể nhất trong đó là khoản phải thu CTCP Bệnh viện Quốc tế Green về cho vay số tiền hơn 72 tỷ đồng trong năm 2018. HAP đã thu hồi được hơn 24 tỷ đồng tiền cho vay trong năm 2019.
Các nghiệp vụ phát sinh chính trong năm 2019 giữa HAP và các bên liên quan khác
Nguồn: BCTC hợp nhất sau kiểm toán năm 2019 của HAP
|
Sau nửa đầu năm 2020, HAP có doanh thu gần 158 tỷ đồng và lãi ròng gần 9 tỷ đồng, lần lượt giảm 27% và 55% so cùng kỳ. Tính đến ngày 30/06/2020, HAP đang có tổng tài sản gần 830 tỷ đồng. Khoản nợ ngắn hạn đang ghi nhận hơn 142 tỷ đồng, tăng 17% sau 6 tháng; trong khi đó, khoản tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn tổng cộng chưa tới 55 tỷ đồng.
Những yếu điểm còn tồn tại
Tại cuộc họp thường niên 2020, phía HAP cho biết đội ngũ quản lý của Tập đoàn và các công ty thành viên còn mỏng, đội ngũ lao động có kỹ thuật cao còn thiếu, lực lượng lao động phổ thông luôn biến động, rất bị động cho sản xuất. Trong khi đó, hệ thống máy, thiết bị, dây chuyền sản xuất hầu hết đã cũ, xuống cấp do thời gian sử dụng đã lâu, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng sản phẩm cũng như phải thường xuyên tu bổ, sửa chữa gây gián đoạn sản xuất.
Về chủ quan, chất lượng sản phẩm và dịch vụ chưa được coi trọng đúng mức. Chi phí cho sản xuất kinh doanh ở hầu hết các công ty thành viên còn quá cao, cá biệt có những đơn vị còn thua lỗ, đã ảnh hưởng trực tiếp làm giảm hiệu quả SXKD chung.
Ban lãnh đạo cũng thừa nhận rằng, cơ chế khoán lợi nhuận/vốn chủ sở hữu, lợi nhuận/doanh thu chưa được thực hiện triệt để, dẫn đến cán bộ quản lý các công ty, xí nghiệp, ca sản xuất còn thiếu cương quyết, chỉ đạo sản xuất còn thụ động.
Ngoài ra, Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại quốc tế và ký các hiệp định như EVFTA, CPTPP tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đòi hỏi ngành sản xuất giấy trong nước nâng cao năng lực, phát triển phải phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Theo HAP, việc mở cửa thị trường sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh gay gắt cho tất cả các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất giấy. Các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh mẽ và phương pháp quản lý khoa học, sẽ là đối thủ cạnh tranh thực sự với các đơn vị trong nước.
Cổ phiếu biến động mạnh sau thời gian dài "lặn sóng"
Dù kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 sụt giảm đáng kể, nhưng HAP lại khiến nhà đầu tư chú ý khi giá cổ phiếu đã bất ngờ có cú leo dốc chóng mặt.
Từ 06-27/08, cổ phiếu HAP đã tăng trần liên tục 16 phiên. Theo dữ liệu VietstockFinance, HAP đã tăng giá tới 225% chỉ qua 1 tháng, kết phiên 28/08 ở 9,420 đồng/cp. Như vậy, giá cổ phiếu này đã nhảy vọt từ mức 3,000 đồng lên hơn 9,000 đồng.
Không chỉ vậy, thanh khoản đã dồi dào trở lại với khối lượng giao dịch bình quân tới gần 1.3 triệu đơn vị qua một tháng; trong đó cá biệt có phiên khớp lệnh tới 6 triệu đơn vị, cao nhất kể từ khi niêm yết.
Với mức giá 9,420 đồng/cp, HAP đã thiết lập mức cao nhất trong gần 12 năm (kể từ 2009 đến nay). Nhìn lại, thì đỉnh lịch sử của mã này là vùng 22,000 đồng/cp vào năm 2007 sau nhiều phiên leo dốc chóng mặt. Quãng thời gian sau đó, giá cổ phiếu HAP hạ nhiệt, thậm chí giảm về tới mức 2,200 đồng/cp (vào năm 2009), tức “bốc hơi” tới khoảng 90% giá từ đỉnh.
Diễn biến giá cổ phiếu HAP từ khi niêm yết đến phiên 16/09. Đvt: Đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Về cơ cấu sở hữu tại HAP, cổ đông cá nhân trong nước vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn nhất với 92.61% kế đến là cổ đông cá nhân nước ngoài với 4.1% (tại ngày 06/04/2020).
Chủ tịch Vũ Dương Hiền là cổ đông lớn duy nhất khi sở hữu hơn 7 triệu cp tương đương 12.9% vốn. Mặt khác, ông Vũ Xuân Thủy - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc - vừa đăng ký mua vào 2 triệu cp nhằm nâng sở hữu lên mức 4.41% vốn, giao dịch dự kiến từ ngày 08/09-07/10/2020.
Cơ cấu sở hữu tại HAP tại ngày 06/04/2020
Nguồn: VietstockFinance
|
Đối với câu chuyện giá cổ phiếu tăng bất thường, phía HAP khẳng định là do cung cầu thị trường, Công ty không hề có sự tác động nào đến giá giao dịch. Trong văn bản giải trình gửi UBCKNN và HOSE, HAP cũng chỉ ra một số nguyên nhân có thể là lý do làm cổ phiếu tăng như chủ trương xây dựng phương án, thực hiện 5 dự án mới với tổng quy mô khoảng 2,800 tỷ đồng vừa công bố, kế hoạch chuẩn bị đầu tư đón đầu cơ hội trong bối cảnh kinh tế và chính sách nới lỏng tiền tệ trên thế giới cũng như Việt Nam.
Các dự án mới liệu có thể làm thay đổi cục diện?
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, phía HAP cho hay đã tạm ngừng thực hiện dự án Sản xuất giấy từ bột đá. Theo ông Vũ Xuân Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT, chia sẻ: "Dự án này Công ty đã theo đuổi khá nhiều thời gian, chi phí đầu tư khá lớn nhưng khó có khả năng sinh lời khi giá thành không cạnh tranh được với loại giấy truyền thống. Khảo sát thị trường thì vào thời kỳ công nghệ số, giấy văn phòng được sử dụng ngày càng ít. Do vậy, Công ty đã tạm dừng thực hiện". Theo HAP, dự án trên chưa phát sinh chi phí thực tế, chỉ mới ký ghi nhớ về việc nhập khẩu thiết bị.
Thay vào đó, HĐQT của HAP đã thông qua chủ trương xây dựng, thực hiện 5 dự án đầu tư phát triển với tổng mức đầu tư khoảng 2,800 tỷ đồng trong thời gian tới.
Danh sách 5 dự án mới được HĐQT của HAP đề xuất vào cuối tháng 7/2020
(*) HAP góp vốn; Nguồn: HAP
|
Đáng chú ý nhất trong số này là Dự án Bệnh viện đa khoa quốc tế Việt - Hàn (giai đoạn 2 bệnh viện Green). Đây là bệnh viện thứ 2 do HAP và Tập đoàn Yuill Trading Corporation (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư sau bệnh viện Quốc tế Green đang hoạt động. Bệnh viện mới dự kiến tọa lạc tại Khu đất 05 ha tại trung tâm đô thị Bắc Sông Cấm, TP. Hải Phòng. Tổng mức đầu tư dự kiến đạt tới 2,400 tỷ đồng với quy mô 800 giường (tỷ suất đầu tư đạt 3 tỷ đồng/giường).
Bệnh viện Quốc tế Green tại Hải Phòng
|
Ở giai đoạn 1, bệnh viện Green được xây dựng với quy mô 206 giường bệnh. Tổng vốn đầu tư gần 450 tỷ đồng, theo đó tỷ suất đầu tư đạt mức 2.2 tỷ đồng/giường. Bệnh viện có tổng diện tích sử dụng tới hơn 20,000 m2 với nhiều chuyên khoa, biết đến nhiều nhất là khoa sản và khoa nhi - sơ sinh. Bên cạnh các trang thiết bị hiện đại nhập ngoại, bệnh viện còn có hội đồng cố vấn chuyên môn cao gồm các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đầu ngành trong và ngoài nước (như Nhật Bản, Hàn Quốc…)
Lúc bấy giờ, phía HAP kỳ vọng đến năm 2016, doanh thu từ sản xuất giấy chỉ chiếm tỷ trọng 40% (trong tổng doanh thu 1,000 tỷ đồng), nghĩa là chuyển dịch dần tỷ trọng sang các lĩnh vực khác như dịch vụ y tế. Mong muốn này hoàn toàn hợp lý trước bối cảnh giá nguyên liệu giấy đầu vào đang bất lợi, trong khi những mảng dịch vụ xã hội lại đang có nhu cầu cao. Tuy nhiên trên thực tế, mảng giấy vẫn luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hoạt động kinh doanh từ trước đến nay.
Duy Na
FILI
|