Dầu sụt gần 3%/tuần
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu giảm nhẹ vào ngày thứ Sáu (25/09), với cả dầu WTI và dầu Brent đều ghi nhận tuần sụt giảm thứ 3 trong 4 tuần, khi những lo ngại về triển vọng nhu cầu đã tăng lên trước sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19, MarketWatch đưa tin.
“Nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trong tuần này… khi sự gia tăng gần đây của số ca nhiễm Covid-19 đã làm tăng nghi ngờ về việc liệu làn sóng lây nhiễm thứ 2 sẽ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế thế giới và nhu cầu nguyên vật liệu”, Colin Cieszynski, Giám đốc chiến lược thị trường tại SIA Wealth Management, nhận định.
Sự phục hồi của đồng USD trong tuần này cũng gây sức ép lên dầu, vốn được neo giá theo đồng bạc xanh, ông Cieszynski nói. Chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – tăng 1.8% trong tuần qua.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11 trên sàn Nymex hạ 6 xu (tương đương gần 0.2%) xuống 40.25 USD/thùng, rút khỏi mức thấp trong phiên là 39.71 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 11 trên sàn Luân Đôn hạ 2 xu (tương đương 0.05%) xuống 41.92 USD/thùng.
Tuần qua, hợp đồng dầu WTI giảm 2.6% và hợp đồng dầu Brent sụt 2.9%, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 đã thúc đẩy việc nối lại một số lệnh hạn chế phong tỏa ở các nước châu Âu, đồng thời làm dấy lên lo ngại về triển vọng kinh tế Mỹ.
Việc thiếu các biện pháp kích thích bổ sung từ Washington đã làm tăng thêm lo ngại rằng sự phục hồi kinh tế Mỹ sẽ chậm lại vào cuối năm. Đảng Dân chủ Hạ viện vào ngày thứ Năm (24/09) đã chuẩn bị một gói viện trợ trị giá 2.4 ngàn tỷ USD bao gồm một số hạng mục được cho là có sự ủng hộ của lưỡng đảng, bao gồm các khoản hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, Chương trình Bảo vệ Lương, trợ cấp thất nghiệp liên bang, cũng như nối lại viện trợ cho các hãng hàng không và tiền để giúp các nhà hàng mở cửa. Tuy nhiên, các nhà phân tích đã cảnh báo rằng con đường hướng đến thỏa thuận vẫn chưa rõ ràng.
Bên cạnh đó, những lo ngại về nguồn cung cũng đeo bám thị trường trong tuần này, với sản lượng dầu của Libya có thể tăng lên sau khi dỡ bỏ phong tỏa các cảng đã hầu như bóp nghẹt sản xuất trong 8 tháng qua ở nước này.
Cũng trong ngày thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ tăng 4 giàn lên 183 giàn trong tuần này. Đây là tuần tăng đầu tiên kể từ tuần kết thúc ngày 04/09/2020.
An Trần
FILI
|