Cổ phiếu thường tăng điểm trong tháng 9
Tháng 9 là thời điểm thuận lợi với cổ phiếu Việt trong ba năm gần đây, nhưng Covid-19 có thể đảo ngược xu hướng đó.
Sau khi vấp ngã vào cuối tháng 7 vì làn sóng dịch bệnh Covid-19 quay trở lại, thị trường chứng khoán hồi phục ấn tượng và khép lại một tháng 8 với thành tích tăng giá 10.43% - VN-Index tăng từ 798.39 điểm lên mức 881.65 điểm.
VN-Index đang hướng đến mốc quan trọng tiếp theo là 900 điểm, và tháng 9 lại thường là khoảng thời gian may mắn của cổ phiếu Việt, ít nhất là trong khoảng 3 năm trở lại.
Theo thống kê của Vietstock, tại HOSE có đến 38 cổ phiếu tăng giá trong tất cả các tháng 9 giai đoạn từ 2017-2019. Ngược lại, nhóm cổ phiếu giảm điểm chỉ bao gồm 9 cái tên. Kết quả này một phần đến từ diễn biến tích cực của VN-Index trong các tháng 9 của ba năm gần đây.
Cổ phiếu HOSE giảm trong tất cả các tháng 9 giai đoạn 2017-2019
|
Cổ phiếu HOSE tăng trong tất cả các tháng 9 giai đoạn 2017-2019
Nguồn: VietstockFinance
|
Nhóm cổ phiếu tích cực vào tháng 9 bao gồm các bluechip vốn hóa tỷ đô như MWG, FPT, VPB, VNM, GAS, NVL.
Bên cạnh đó, có đến 18/38 cổ phiếu trong nhóm tăng điểm kể trên có thành tích tăng giá vượt qua VN-Index trong tất cả tháng 9 từ năm 2017-2019.
Nguồn: VietstockFinance
|
Tại sàn HNX, thậm chí không có cổ phiếu nào sụt giảm trong cả ba tháng 9 từ 2017-2019, trong khi có 7 cái tên góp mặt ở chiều tăng. Trong đó, DST đứng đầu về mặt tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Một nhà đầu tư mua và nắm giữ cổ phiếu DST trong tất cả các tháng 9 từ 2017-2019 và bán ra giữ tiền suốt thời gian còn lại sẽ đạt được suất sinh lời trên 77% so với vốn ban đầu.
Cổ phiếu HNX tăng trong tất cả các tháng 9 giai đoạn 2017-2019
Nguồn: VietstockFinance
|
Việc lịch sử liệu có lặp lại hay không thì chỉ tương lai mới có thể trả lời. Tuy nhiên, khi mà thị trường chứng khoán vừa trải qua một tháng 8 tươi đẹp thì những câu hỏi quan trọng cũng dấy lên: Liệu cổ phiếu có tiếp tục tăng giá? Đâu là động lực?
Nhìn ngược lại hai đợt sóng trong giai đoạn tháng 3-4 và cuối tháng 7-8 năm nay, mẫu hình dễ nhận thấy là sự hào hứng của thị trường khi dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát theo sau một đợt bán tháo vì các ca nhiễm bùng phát.
Đại dịch Covid-19 chắc chắn là nhân tố tác động lớn nhất tới tình hình làm ăn của doanh nghiệp thời điểm hiện tại và có thể là trong cả tương lai. Tuy nhiên, sự tập trung quá lớn vào diễn biến của dịch bệnh có thể dẫn dắt “ngài thị trường” rời xa các yếu tố nội tại của doanh nghiệp.
Thông thường một sự điều chỉnh của thị trường có thể xảy đến khi xuất hiện các thông tin liên quan đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Những biến động lớn có thể được kích hoạt nếu các con số không thỏa mãn được đám đông lạc quan, nhất là khi sức khỏe của doanh nghiệp bị bào mòn dần vì dịch bệnh kéo dài.
Tháng 9, khoảng thời gian các kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết dần được hé mở, có thể là thời điểm cho một đợt điều chỉnh trước khi thị trường xác định một xu hướng dài hơi hơn.
Trong tháng 6 năm nay, trước thềm công bố kết quả kinh doanh quý 2, VN-Index sụt 4.55%, sau giai đoạn leo dốc của thị trường từ tháng 4-5 và khi đó giới chuyên gia cũng đồng loạt xem mùa báo cáo tài chính là một dạng rủi ro đối với đà tăng của cổ phiếu.
Dù vậy, thực tế là thị trường chứng khoán Việt vẫn tăng điểm tích cực trong mùa BCTC quý 2/2020 bất chấp việc làm ăn của doanh nghiệp có sự sụt giảm đáng kể, tính đến trước thời điểm làn sóng bùng phát thứ hai xảy đến (24/07).
Thừa Vân
FILI
|