Cổ phần hóa DNNN: Kỳ vọng vào thương vụ thoái vốn Sabeco
Việc thu xếp số tiền phải nộp cho Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trong năm 2020 sẽ phụ thuộc chủ yếu vào số tiền thu về từ những thương vụ thoái vốn tại Sabeco, bốn tổng công ty cổ phần của Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp do SCIC đại diện sở hữu vốn Nhà nước, theo Bộ Tài chính.
* Doanh nghiệp Nhật muốn tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp Việt
* Sếp lo "mất ghế" khiến doanh nghiệp nhà nước chậm cổ phần hóa
Kết quả thu từ cổ phần hóa, thoái vốn năm 2020 sẽ phụ thuộc vào thương vụ thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Sabeco. (Ảnh: DNCC).
|
Chuyển bốn “ông lớn” thuộc Bộ Xây dựng về SCIC nếu trễ hẹn cổ phần hóa
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, chỉ có sáu doanh nghiệp gửi báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa sau tám tháng của năm 2020. Trong đó, chỉ có Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hải Dương nằm trong danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 theo phê duyệt của Thủ tướng tại văn bản số 26/2019/QĐ-TTg.
Hiện còn 13 doanh nghiệp thuộc diện quản lý của thành phố Hà Nội nằm trong danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 này, chiếm 14% kế hoạch.
Còn TPHCM có 38 doanh nghiệp nằm trong danh sách, chiếm 40% kế hoạch. Trong khi đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng lần lượt có sáu, bốn và hai doanh nghiệp nằm trong danh sách.
|
Như vậy đã có 177 doanh nghiệp – sở hữu số vốn Nhà nước trị giá 207.116 tỉ đồng – được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa trong gần năm năm qua với tổng giá trị là 443.503 tỉ đồng. Nhưng chỉ có 37 doanh nghiệp trong số này thuộc danh mục cổ phần hóa theo kế hoạch đặt ra, tương ứng tỷ lệ 28%.
Số doanh nghiệp còn lại phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 theo kế hoạch là 91, trong đó tới 90 doanh nghiệp phải xác định và công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Trước đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã hoàn thành việc công bố giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 2 (EVENGENCO2).
Về thoái vốn, giá trị vốn thoái được là 25.634 tỉ đồng, giúp thu về 172.877 tỉ đồng tính từ năm 2016 đến hết tháng 8-2020.
Mới đây, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 908/QĐ-TTg phê duyệt danh mục có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020. Theo đó, hết năm 2020, cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ thực hiện thoái vốn tại 120 doanh nghiệp.
Trong đó, bốn tổng công ty thuộc quyền quản lý của Bộ Xây dựng sẽ được chuyển giao sang Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để thực hiện thoái vốn nếu không hoàn thành việc này trước 30-11-2020.
Chờ đợi thương vụ Sabeco
Theo Bộ Tài chính, việc cổ phần hóa, thoái vốn không đạt kế hoạch sẽ dẫn đến không thể thu đủ tiền để nộp về ngân sách theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10-11-2016 của Quốc hội. Theo đó, nguồn thu từ cổ phần hóa phải nộp về ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016 - 2020 để phục vụ đầu tư trung và dài hạn là 250.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Qũy Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp mới chỉ chuyển vào ngân sách số tiền 211.500 tỉ đồng tính từ năm 2016 đến hết tháng 8-2020, đạt 85% kế hoạch. Số tiền còn lại phải chuyển từ Quỹ vào ngân sách là 38.500 tỉ đồng
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc đáp ứng đủ số tiền nộp từ Quỹ vào ngân sách sẽ phục thuộc vào kết quả của những thương vụ thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty CP bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), các tổng công ty cổ phần của Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp do SCIC đại diện sở hữu vốn Nhà nước.
Dự kiến, số thu cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2020 sẽ đạt 42.200 tỉ đồng nếu thực hiện thành công việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Sabeco và Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP trong quí 3-2020 về tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Số thu này có thể đạt trên 45.000 tỉ đồng nếu các bộ, ngành trung ương, địa phương quyết liệt chỉ đạo triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng lộ trình cùng với xu hướng phục hồi của thị trường tài chính, chứng khoán.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn như VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vina Food 1), MobiFone, Argibank vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.
Hoàng Thắng
TBKTSG
|