An toàn cho người rời tâm dịch
Nhiều tỉnh thành đã lên kế hoạch đón công dân của địa phương mình trở về từ vùng tâm dịch Đà Nẵng, trong tâm thế “cảnh giác cao” trước e ngại nguy cơ lây lan Covid-19.
300 du khách kẹt ở Đà Nẵng về đến sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 13.8. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
|
Dự kiến, sáng nay (1.9) ngành chức năng tỉnh Phú Yên sẽ phối hợp đưa khoảng 150 công dân đã đăng ký rời vùng tâm dịch Đà Nẵng về quê. Đây là tỉnh thứ 4 tổ chức đưa người dân rời vùng dịch Đà Nẵng, sau Quảng Ngãi (đưa khoảng 400 người), Quảng Nam (29 người), Đắk Nông (khoảng 160 người).
Còn trong hôm qua 31.8, Sở LĐ-TB-XH TP.Đà Nẵng ghi nhận có khoảng 23.700 người thuộc 61 tỉnh, thành có nhu cầu và đăng ký rời khỏi Đà Nẵng qua nhiều kênh. Trong số đó, các địa phương đã có lịch đón cụ thể như: Quảng Bình (đợt 1, chiều 3.9), Hải Dương (sáng 7.9), Lâm Đồng (dự kiến ngày 4 - 5.9)…
Quảng Ngãi là địa phương đầu tiên đưa khoảng 400 người rời vùng dịch Đà Nẵng. ẢNH: HOÀNG SƠN
|
Theo ông Nguyễn Văn An, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.Đà Nẵng, các lần tổ chức xe đưa đón trước đó cho thấy công dân rời khỏi Đà Nẵng không nhiều như số lượng đăng ký. Trong đó, có nguyên nhân người dân lo ngại cách ly tập trung 14 ngày sau khi trở về địa phương.
“Các tỉnh đã đăng ký đưa công dân về có số lượng đăng ký lớn, gồm: Quảng Trị (khoảng 1.700 người), Hà Tĩnh (1.100 người), Nghệ An (1.745 người), Gia Lai (khoảng 1.000 người), Đắk Lắk (khoảng 1.000 người), Thanh Hóa (643 người)… Tuy nhiên, hiện các tỉnh này vẫn chờ chủ trương của Thủ tướng”, ông An nói thêm.
Rời TP.Đà Nẵng sáng 29.8, nhóm 29 công dân Quảng Nam chủ yếu là học sinh (HS), sinh viên (SV) sau nhiều ngày mắc kẹt tại tâm dịch đã được vận chuyển về quê trên 2 xe buýt. Tuy nhiên, nhóm này chưa về nhà ngay mà phải cách ly tập trung 14 ngày để theo dõi sức khỏe tại trụ sở Trung đoàn 885 (TP.Tam Kỳ). Tại đây, họ được sắp xếp 3 người/phòng, được cung cấp đầy đủ vật dụng thiết yếu phòng chống dịch và các vật dụng sinh hoạt cá nhân… Hiện tại, họ có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với Covid-19 và vẫn bám sát kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm tiếp theo.
Mừng vì được về nhà
Trả lời Thanh Niên ngày 31.8, ông Huỳnh Tấn Triều, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Nam, cho biết ngoại trừ nhóm HS, SV có nhu cầu về quê (để kịp đón năm học mới) đăng ký và được chính quyền 2 địa phương phối hợp xử lý, đến nay chưa có thêm công dân Quảng Nam nào đặt nhu cầu cụ thể thêm.
Nhiều người dân Quảng Nam đã rơi vào tình huống mắc kẹt nhiều ngày tại Đà Nẵng, dù 2 địa phương “sát vách” nhau. Vì thế, đã có những cuộc “đoàn tụ” xúc động sau chuyến xe vận chuyển người về quê hôm 29.8. Chị Phan Thị Cẩm Hường (xã Cẩm Kim, TP.Hội An) cho hay hồi giữa tháng 7, chị cùng 2 con nhỏ ra TP.Đà Nẵng thăm chồng và “mắc kẹt” luôn tại đây đã hơn 1 tháng. Gần đến ngày khai giảng, chị càng lo. Sau khi biết tin đăng ký về quê, chị rất vui.
“Bây giờ tôi rất muốn cách ly tập trung 14 ngày để về quê, chuẩn bị mọi thứ cho 2 con kịp đi học. Chính quyền tạo điều kiện để người dân về quê trong giai đoạn này khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng”, chị Hường chia sẻ.
Nữ sinh Nguyễn Thị Bích Mỹ (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) cũng chưa được về thăm gia đình kể từ ngày dịch Covid-19 ập tới. “Em rất nhớ ba mẹ. Việc đầu tiên em làm sau khi hết cách ly 14 ngày là về nhà ôm ba mẹ”, Mỹ nói.
300 du khách mắc kẹt ở Đà Nẵng về đến sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 13.8. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
|
Trước đó, UBND TP.Đà Nẵng đã giao Sở Y tế, Sở LĐ-TB-XH phối hợp xét nghiệm cho người ngoại tỉnh đang cư trú tại TP có nguyện vọng trở về nơi cư trú và HS, SV ở Đà Nẵng đến nhập học tại các tỉnh, TP khác. Số lượng, danh sách người ngoại tỉnh và HS, SV ở Đà Nẵng được Sở LĐ-TB-XH TP.Đà Nẵng cung cấp theo đề nghị của từng tỉnh.
Để an toàn hơn cho người trở về, Sở Y tế TP.Đà Nẵng tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho công dân các tỉnh có yêu cầu hỗ trợ. Ngày 30.8, có 153 công dân Phú Yên được lấy mẫu xét nghiệm trước khi rời Đà Nẵng, với phương pháp xét nghiệm gộp mẫu (5 người/ống môi trường). Một số địa phương khác cũng đã đề nghị hỗ trợ xét nghiệm như: Hải Dương, Lâm Đồng…
Với “láng giềng” Thừa Thiên-Huế, chương trình “Come back home” được khởi động từ sớm. Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên-Huế, tính chung từ ngày 10.7 (khi nhu cầu về quê tăng cao) đến hết ngày 30.8 (trong đó có cả chương trình “Come back home” từ sau ngày 31.7), Thừa Thiên-Huế đã tiếp nhận 36.729 người đến từ vùng dịch, trong đó 27.469 người có hộ khẩu Thừa Thiên-Huế trở về quê.
Thêm 4 bệnh nhân Covid-19
Ngày 31.8, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo đã ghi nhận 4 bệnh nhân (BN) Covid-19 mới, đều là ca nhập cảnh, được cách ly ngay. Trong đó, 2 ca tại Bà Rịa-Vũng Tàu, 1 ca tại Hà Nội và 1 ca tại Phú Thọ. 4 ca mắc mới là các BN 1041, 1042,1043 và 1044.
Theo Ban chỉ đạo, trong ngày, 12 BN được công bố khỏi bệnh, gồm 7 ca tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư và 5 ca tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Trong số 1.044 BN Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam từ đầu dịch, 690 ca mắc do lây nhiễm trong nước; 550/690 ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng từ ngày 25.7. Hiện đã có 707 ca được điều trị khỏi, 34 ca tử vong. 57.097 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe.
Liên Châu
|
Hà Nội, TP.HCM cách ly người về từ Đà Nẵng
Chiều 31.8, thiếu tướng Đỗ Thái Sơn, Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh thủ đô, cho biết trong 2 ngày 12.8 và 13.8, Trường quân sự TX.Sơn Tây đã đón hơn 847 công dân Hà Nội mắc kẹt từ Đà Nẵng về cách ly. Đến nay, toàn bộ đã hết thời gian cách ly và được trở về cộng đồng.
Do số người này ở Đà Nẵng đã lâu, nguy cơ lây nhiễm bệnh lớn, theo đề nghị của Sở Y tế, toàn bộ đã được cách ly tập trung để đảm bảo an toàn phòng dịch. Việc đưa người về cũng như cách ly đã đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Hằng ngày, cán bộ, chiến sĩ được huy động phục vụ cách ly dậy từ khoảng 3 giờ, giúp nhà bếp đóng suất ăn vào hộp để phục vụ bà con bữa sáng. Để tránh lây lan, lực lượng phục vụ vòng trong cũng cách ly cùng mọi người, tuyệt đối không ra khỏi khu vực cách ly cho đến khi người cuối cùng rời đi, sẽ mặc đồ bảo hộ để đưa suất ăn tới phòng cho mọi người, sau đó dọn dẹp, thu gom rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, các y, bác sĩ của Bệnh viện đa khoa TX.Sơn Tây, Trung tâm y tế TX.Sơn Tây hằng ngày kiểm tra thân nhiệt, phát khẩu trang cho người cách ly; phun khử khuẩn xung quanh doanh trại.
Cùng ngày 31.8, lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết đến thời điểm này, TP.Đà Nẵng vẫn được xác định là vùng dịch bệnh Covid-19, nên tất cả những người rời Đà Nẵng đến TP.HCM đều phải cách ly theo quy định. Dự kiến, rất nhiều người từ Đà Nẵng đến TP.HCM trong thời gian tới, trong đó có HS, SV. Tuy nhiên, sẽ chia thành nhiều đợt và trước mắt sẽ có hơn 1.000 người.
Dù đã xét nghiệm âm tính với Covid-19 và được cách ly 14 ngày tại Đà Nẵng, người từ địa phương này đến TP.HCM vẫn phải cách ly thêm 14 ngày. Trước đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Đà Nẵng có công văn gửi UBND TP.Hà Nội và TP.HCM đề nghị phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho các công dân đang ở Đà Nẵng được quay trở lại 2 TP này và có các biện pháp hỗ trợ, tiếp nhận, đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 cho những công dân này… Theo UBND TP.Đà Nẵng, thực tế là có một số người dân vì nhiều nguyên nhân khác nhau chưa kịp quay trở lại nơi cư trú, một số HS, SV đang theo học tại các trường ở TP.HCM, TP.Hà Nội về nghỉ hè, thăm người thân ở Đà Nẵng, nay có nguyện vọng quay trở lại trường học để chuẩn bị cho năm học mới...
Hà Nội hoàn thành xét nghiệm người về từ Đà Nẵng
Theo ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Hà Nội đã hoàn thành xét nghiệm người về từ Đà Nẵng, “có thể yên tâm về nguy cơ này”. Tuy nhiên, còn 4 hạn chế, tồn tại là việc đeo khẩu trang của người dân chưa nghiêm; vẫn còn quán karaoke hoạt động lén lút; giãn cách ở các cửa hàng có nơi, có chỗ chưa tốt… Đặc biệt, có 8/78 bệnh viện an toàn ở mức thấp, cần khắc phục ngay để 100% bệnh viện ở Hà Nội phải an toàn.
Vũ Hân
|
Thanh Niên
Thanh niên
|