Vietnam Airlines lên kế hoạch lỗ hơn 15,000 tỷ trong năm 2020
Kế hoạch năm 2020 được tính dựa trên phương án được vay 12,000 tỷ đồng với thời hạn 3 năm
Dường như khi nhìn qua “quả cầu pha lê”, hãng hàng không quốc gia Việt Nam nhận thấy nhiều điềm chẳng lành khi đặt kế hoạch lỗ ròng hợp nhất hơn 15,000 tỷ đồng trong năm 2020.
* Vietnam Airlines dưới sức ép khổng lồ của nợ vay ngắn hạn
Cụ thể, hãng bay với biểu tượng sen vàng đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất ở mức 40,586 tỷ đồng, tương đương 40.5% với thực hiện năm 2019, trong khi dự báo lỗ 15,177 tỷ đồng. Kế hoạch sản xuất kinh doanh này chưa bao gồm doanh thu – chi phí của hoạt động bán 2 tàu A321 giao tháng 6 không thành công và 6 tàu A321 dự kiến bán cuối năm 2020.
Một chi tiết đáng chú ý là số liệu kế hoạch kinh doanh năm 2020 được tính dựa trên phương án được vay 12,000 tỷ đồng của Chính phủ với thời hạn 3 năm và Tổng công ty chưa thực hiện các giải pháp tăng vốn chủ sở hữu năm 2020.
Lý giải cho kế hoạch bi quan trong năm 2020, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam -CTCP (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) cho biết: “Ngành hàng không toàn cầu trong đó có Tổng công ty và hầu hết các Công ty thành viên rơi vào trạng thái khủng hoảng toàn diện. Từ đầu năm 2020 hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty gặp nhiều khó khăn, thách thức do nhiều quốc gia phong tỏa nghiêm ngặt, thực hiện các chính sách để dừng nhập cảnh, hạn chế đi lại, thị trường gần như đóng băng hoàn toàn”.
Sau nửa đầu năm 2020, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần đạt 24,808 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ, đồng thời lỗ ròng 6,534 tỷ đồng. Vấn đề đáng ngại nhất của Vietnam Airlines là dòng tiền ngày càng thâm hụt, trong khi nợ vay ngày càng tăng. 6 tháng đầu năm, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm 5,371 tỷ đồng.
Dự kiến bán 9 tàu bay trong năm 2020-2021
Cũng đáng lưu tâm là kế hoạch bán tàu bay của hãng hàng không quốc gia trong năm 2020. Cụ thể, Vietnam Airlines dự kiến bán 9 chiếc tàu bay A321 CEO sản xuất trong năm 2007-2008, nhiều hơn 3 chiếc so với kế hoạch đã được Ủy ban Quản lý Vốn thông qua trước đó. Đây là một phần trong chương trình đổi mới tàu bay của Tổng Công ty theo định hướng thay thế dần tàu bay thế hệ cũ, đã khai thác trên 12 năm tuổi nhằm tiết kiệm chi phí, đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Theo đánh giá, dự báo của Hiệp hội Vận chuyển Hàng không Quốc tế (IATA) và các tổ chức khác, có khả năng ngành hàng không sẽ mất 2-3 năm để phục hồi về mức 2019. Sự phục hồi của các đường bay quốc tế sẽ còn chậm hơn nữa. Do đó, đội bay của Vietnam Airlines và Vietnam Airlines Group (bao gồm cả Pacific Airlines) sẽ dư thừa. Theo dự báo hiện tại, số lượng tàu bay sẽ dư thừa khoảng 25 tàu bay trong 6 tháng cuối năm 2020 và 6 tàu bay vào năm 2021.
Do đó, Vietnam Airlines đẩy sớm chương trình bán 3 chiếc tàu A321CEO sản xuất trong năm 2008 lên năm 2020-2021 (kế hoạch ban đầu là 2023-2024), qua đó nâng tổng số máy bay dự kiến bán ra lên 9 tàu.
Những thách thức năm 2020
Năm 2020, dự báo tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động bất thường, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, bất ổn chính trị trên nhiều quốc gia, dịch bệnh Covid-19 bùng phát khắp toàn cầu. Dịch Covid-19 hiện đang là mối đe dọa lớn nhất cho nền kinh tế thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cung cầu và thương mại hàng hóa dịch vụ trên toàn thế giới.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết doanh thu của ngành hàng không dự kiến sẽ giảm khoảng 55%, tuơng ứng 314 tỷ USD trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Đại dịch Covid-19 tác động tới phần lớn cạnh của ngành hàng không.
Vietnam Airlines dự kiến tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 vào ngày 10/08 sắp tới, sau 3 lần dời họp. |
* Đề xuất chỉ định duy nhất Vietnam Airlines bay quốc tế giai đoạn đầu
* Vietnam Airlines xin Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 12.000 tỷ đồng
Vũ Hạo
FILI
|