Thứ Hai, 24/08/2020 10:27

Vì sao ngày càng ít chung cư giá rẻ ở TP.HCM?

Trong khi nhu cầu của đại đa số người dân thành phố vẫn là nhà ở vừa túi tiền thì các chủ đầu tư đã không còn mặn mà với các dự án nhà ở bình dân.

chung cư giá rẻ TP.HCM ảnh 1

Những tưởng giá chung cư sẽ giảm trong thời điểm dịch Covid-19, vợ chồng anh Hải Anh (30 tuổi) đã dành hơn 1 tháng để tham khảo giá một số dự án căn hộ mới mở bán tại khu vực quận 2, quận 7 và Thủ Đức, TP.HCM.

Với ngân sách khoảng hơn 800 triệu đồng và dự định sẽ dùng đòn bẩy tài chính 50-60% giá trị căn nhà, anh cho rằng rất khó để tìm một dự án có mức giá "bình dân" khoảng 1,7-2,2 tỷ đồng trong bán kính khoảng 10 km về quận 1.

Đỏ mắt tìm nhà giá rẻ

"Không nói đến các dự án khu lõi trung tâm, ngay cả khu vực rìa thành phố, giáp ranh với các tỉnh vùng ven cũng đã có giá ngoài tầm với của những người làm việc trong thành phố như vợ chồng tôi. Nhiều dự án gần Đồng Nai, Bình Dương cũng đã có giá hơn 40 triệu đồng/m2", anh Hải Anh nói.

Theo nhân viên văn phòng này, khoản tiền hơn 800 triệu đồng được anh tích cóp sau gần 8 năm đi làm. Do mới kết hôn, vợ chồng anh quyết tâm mua một căn nhà để chung sống cho thuận tiện, bớt cảnh thuê nhà nay đây mai đó.

"Xem dự án mới nào cũng được giới thiệu là chung cư cao cấp với nhiều tiện ích hấp dẫn. Tuy nhiên, trước mắt nhu cầu của chúng tôi chỉ là có một căn hộ bình thường với mức giá vừa phải, yên ổn rồi mới tập trung kiếm tiền thêm và nâng cấp chất lượng cuộc sống về sau", anh chia sẻ.

chung cư giá rẻ TP.HCM ảnh 2
Chung cư có giá khoảng 1-2 tỷ đồng không nhiều ở TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.

Cũng trong "hành trình" tìm chốn an cư với giá dưới 2 tỷ đồng, anh Nguyễn Văn Đồng (33 tuổi) làm việc tại quận 3 đang đứng trước hai lựa chọn, hoặc mua chung cư cũ khu gần trung tâm, hoặc chọn một căn hộ bàn giao trong khoảng 2-3 năm trở lại đây tại những nơi xa hơn như quận Bình Tân, Nhà Bè...

"Quen sống ở những nơi đông đúc, tiện đường đi học, đi làm nên tôi đang cân nhắc việc mua lại một căn khoảng 45 m2 tại chung cư Xóm Cải (PV: Chung cư Nguyễn Trãi), phường 8, quận 5 giá hơn 1,8 tỷ đồng. Căn hộ xuống cấp khá nặng, mua về phải sửa sang nhiều nhưng gần trung tâm. Những chung cư mới mà không quá xa thì không dám mơ đến vì đắt đỏ", anh Đồng cho hay.

Anh cho rằng việc mua chung cư cũ buộc anh phải chi thêm ít nhất 100-150 triệu đồng để trùng tu lại căn nhà. Tuy nhiên, với tài chính của anh, khoản đầu tư này so với việc mua một căn hộ cách nơi làm việc hơn 15 km vẫn hợp lý.

Căn hộ trung cấp, cao cấp chiếm lĩnh thị trường

Từ năm 2017, các dự án nhà ở giá rẻ, nhà bình dân đã dần trở thành "hàng hiếm" của thị trường bất động sản TP.HCM.

Theo CBRE Việt Nam, đến năm 2019, chỉ có một dự án bình dân được mở bán ở quận 8.

Còn danh sách 9 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện bán, cho thuê mua trong tháng cuối cùng của năm 2019 và 3 tháng đầu năm 2020 Sở Xây dựng TP.HCM công bố cũng cho thấy, chỉ có 99 căn chung cư Sài Gòn Co.op thuộc khu nhà ở cán bộ, công nhân quận Gò Vấp là giá rẻ, còn lại đều là phân phúc trung cao cấp.

Bộ Xây dựng cũng thừa nhận đang có sự mất cân đối trong quan hệ cung – cầu bất động sản. Theo đó, nguồn cung nhà ở trung, cao cấp đang dư thừa với khoảng 70-100 triệu m2 sàn nhưng lại thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.

Theo tính toán, nhu cầu nhà ở của người dân đối với phân khúc nhà ở trung, cao cấp (có giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm từ 20-30%, trong khi nhu cầu về phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) đang chiếm đến 70-80% thị trường.

chung cư giá rẻ TP.HCM ảnh 3
Hàng loạt dự án căn hộ trung và cao cấp nằm dọc Xa lộ Hà Nội, quận 2. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận tiếp thị dự án nhà ở CBRE Việt Nam, nhu cầu về nhà ở thực với giá rẻ, bình dân luôn ở mức cao và là nguồn cầu chính của thị trường. Trong khi đó, phân khúc nhà ở cao cấp chủ yếu hướng đến các nhà đầu tư lại có nguồn cung lớn hơn.

"Khi thị trường xuất hiện khủng hoảng, dòng sản phẩm cao cấp cũng là phân khúc bị ảnh hưởng đầu tiên do người mua chủ yếu là dân đầu tư", ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, cho rằng dịch bệnh Covid-19 vừa qua cho thấy phản ứng rất rõ nét của thị trường nhà ở cao cấp do giới đầu tư sở hữu.

"Trong khi giá bán sơ cấp từ chủ đầu tư không có dấu hiệu đi xuống, thậm chí vẫn tăng thì đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư thứ cấp buộc phải cắt lỗ, giảm giá rao bán tài sản để bảo vệ dòng vốn", bà Hương nhận định.

Doanh nghiệp nói bán nhà dưới 30 triệu đồng/m2 không có lãi

Đứng ở phương diện từ phía chủ đầu tư, ông Kiệt cho rằng chi phí để phát triển dự án tại TP.HCM hiện rất cao, đặc biệt là chi phí sử dụng đất.

"Với giá đất như hiện nay, chủ đầu tư sẽ không thể thu được về lợi nhuận nếu phát triển các dự án nhà giá rẻ. Vì vậy, trong bài toán kinh doanh, nếu nắm trong tay được quỹ đất, họ sẽ ưu tiên phát triển các dự án trung và cao cấp để tối ưu hóa lợi nhuận thay vì phục vụ nhu cầu ở thực của đại bộ phận người dân", ông Kiệt bình luận.

Nói với Zing, CEO Đại Phúc Land cho biết bên cạnh chi phí đầu vào lớn và quỹ đất khan hiếm, thời gian triển khai các dự án bất động sản cũng rất dài khiến chủ đầu tư "chuộng" bán dòng sản phẩm trung và cao cấp hơn.

"Một dự án nhỏ cần 3-5 năm, các dự án lớn từ vài chục hecta trở lên cần đến 7-10 năm hoặc hơn thế nữa với rất nhiều thủ tục pháp lý. Theo một khảo sát chúng tôi mới thực hiện dựa trên các chi phí hiện nay, việc chủ đầu tư bán sản phẩm dưới 30 triệu đồng/m2 không thể có lợi nhuận", bà Nguyễn Thị Thanh Hương phân tích.

Tại một số quốc gia lân cận, bà cho biết để đảm bảo nhu cầu nhà ở cho người dân, chính phủ các nước buộc phải can thiệp với các chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở bình dân, nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản, đặc biệt ở phân khúc cao cấp, bà Hương cho rằng các chủ đầu tư phải cân nhắc rất kỹ lưỡng để tăng nguồn khách hàng có nhu cầu ở thực thay vì chỉ tập trung vào nhóm khách hàng đầu tư.

Theo bà, giá trị cốt lõi của một dự án bất động sản bền vững là cung cấp nhà với một hệ sinh thái lành mạnh và toàn diện cho người ở thực. Nhóm khách hàng mua nhà để ở cuối cùng mới là người quyết định cung - cầu của thị trường.

"Mặc dù giai đoạn này rất khó khăn, tôi vẫn hy vọng thị trường bất động sản có sự tăng trưởng bền vững, cân bằng giữa hạ tầng kết nối và tiện ích bản thân dự án. Từ đó, một dự án nhà ở mới tạo nên giá trị gia tăng theo thời gian thay vì đẩy giá theo "sóng" của thị trường", bà Hương khẳng định.

Hà Bùi

ZING

Các tin tức khác

>   Bất động sản vẫn hút vốn đầu tư (24/08/2020)

>   Giá bất động sản 'miễn nhiễm' Covid-19? (22/08/2020)

>   Nhà đất Thủ Đức 'nóng' sau thông tin lên thành phố (22/08/2020)

>   4 giai đoạn bất động sản thăng trầm qua 25 năm (20/08/2020)

>   Giá đất khu Đông TP.HCM 'nhảy múa' trước tin phê duyệt thành lập TP Thủ Đức (19/08/2020)

>   Nhà đầu tư địa ốc hụt hơi vì mất khả năng thanh toán (19/08/2020)

>   Mua gom nhà đất giữa dịch COVID-19: Nhà đầu tư cần thận trọng (17/08/2020)

>   Vùng trũng bất động sản có thể xuất hiện 6-12 tháng tới (17/08/2020)

>   Thị trường bất động sản ra sao sau đợt COVID-19 thứ 2? (15/08/2020)

>   Bất động sản công nghiệp vẫn là điểm sáng trong đại dịch (15/08/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật