Vì sao dân vẫn sập bẫy dự án 'ma'?
Chỉ trong một thời gian ngắn, có gần chục chủ doanh nghiệp bất động sản bán dự án “ma” ở các tỉnh lân cận TPHCM đã bị bắt. Những chủ doanh nghiệp này đều sử dụng phương thức lừa đảo như nhau, nhưng vì sao người dân vẫn sập bẫy?
“Sờ gáy”
Những ngày gần đây, công an các tỉnh liên tục khởi tố, bắt tạm giam với nhiều lãnh đạo công ty bất động sản rao bán dự án “ma”. Điển hình hôm 22/8, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bắt giữ ông Dương Văn Long (40 tuổi, ngụ TPHCM) là Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Kiến trúc Xây dựng Hoàng Long để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, khi Long đang lẩn trốn ở Bình Dương.
Dự án Happy Riverside ( Long An) do công ty Thiên Ân Phát làm chủ đầu tư đang là bãi đất trống
|
Ngoài ra, Công an TPHCM cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Diệu Thúy (SN 1984, ngụ quận 8, TPHCM), Giám đốc Công ty Tiên Phong Land về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trước đó, Công an TPHCM cũng bắt tạm giam hàng loạt lãnh đạo công ty bất động sản khác về cùng tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như ông Ngô Minh Khâm (Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Phú An Thịnh Land), ông Đặng Tiến Trường (Giám đốc Công ty Kim Home Land). Công an Bà Rịa-Vũng Tàu bắt ông Trần Văn Hội (Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Địa ốc Hưng Phú Group). Công an tỉnh Bình Dương bắt ông Nguyễn Thanh Hùng (Giám đốc Công ty Bình Dương City Land)…
Thủ đoạn giống nhau
Theo điều tra của PV, điểm chung của các chủ doanh nghiệp địa ốc bị bắt trong thời gian gần đây là bán đất nền không có thật hoặc đất nông nghiệp. Chẳng hạn, vào cuối năm 2018, một khách hàng là bà Trần Thị Phương mua lô đất C24 theo bản đồ phân lô tại dự án Happy Riverside ở Long An với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng. Ngay sau khi ký hợp đồng, bà đã đóng hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, chủ đầu tư không thực hiện được việc phân lô, tách thửa, quá hạn thời gian bàn giao nền nhưng không giao nền.
Khách hàng căng băng rôn cầu cứu vì mua phải dự án “ma” tại TP Biên Hòa ( Đồng Nai) của Công ty Bất động sản Rồng Đất
|
Tương tự, cơ quan chức năng xác định, đối với lô đất mà Công ty TNHH Đầu tư Tiên Phong Land bán cho người dân, chưa từng được làm thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất ở. Ngày 5/4/2019, UBND quận 9, TPHCM đã ban hành quyết định cưỡng chế khắc phục hậu quả việc xây dựng trái phép trên khu đất này.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM nói rằng, các dự án “ma” tập trung nhiều tại vùng ven TPHCM và một số tỉnh như Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An vì nhu cầu đất nền tại khu vực này rất lớn. Thủ đoạn của các dự án “ma” là các đối tượng lừa đảo tìm nhiều khu đất có diện tích từ vài ngàn mét vuông theo hình thức hợp tác đầu tư với chủ sử dụng đất hoặc mua đất nông nghiệp giá rẻ, thậm chí chiếm đất công rồi tự vẽ ra dự án với tên gọi mỹ miều. Sau đó, cho nhân viên mang phát tờ rơi trên đường, quảng cáo trên mạng… bán đất nền. Các nạn nhân dù chưa tìm hiểu kỹ pháp lý của dự án nhưng do hám rẻ đã vội vàng xuống tiền.
Một dự án “ma” tại phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ ( Bà Rịa- Vũng Tàu) được Công ty TNHH Kỹ thuật Kiến trúc Xây dựng Hoàng Long vẽ để lừa đảo tiền của khách hàng
|
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, mẫu số chung của các dự án “ma” vừa bị công an phanh phui là có một số người lập ra công ty môi giới bất động sản, sau đó hợp tác với một vài chủ đầu tư hoặc người có đất bằng nhiều hình thức khác nhau như mua đất nông nghiệp, ký giấy đặt cọc mua đất, hợp đồng hợp tác… rồi vẽ ra các “dự án ma” nhằm chiêu dụ khách hàng giao dịch trên giấy và thu tiền.
Để xảy ra tình trạng nhan nhản “dự án ma”, Luật sư Trần Đức Phượng nói nguyên nhân là do việc quản lý lỏng lẻo. Cụ thể, đất nông nghiệp nhưng làm hạ tầng đường, vỉa hè, phân lô nhưng không có giấy phép xây dựng, chưa chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không xử phạt, không áp dụng biện pháp trả lại hiện trạng ban đầu theo quy định Luật đất đai.
|
Duy Quang
Tiền phong
|