VDSC: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ quanh ngưỡng 2%
Theo dự báo của CTCK Rồng Việt (VDSC), trong bối cảnh các trụ cột chính của kinh tế đều sụt giảm mạnh, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ quanh ngưỡng 2% trong năm 2020 khi các đợt bùng phát dịch bệnh đang kéo lùi đà hồi phục kinh tế.
Nhu cầu tiêu dùng toàn cầu lao dốc
VDSC cho rằng, Việt Nam và các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển (EMDEs) nói chung đang đối mặt với ‘cơn bão lớn’, cụ thể là gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, đơn đặt hàng xuất khẩu sụt giảm, giá hàng hóa lao dốc và dòng vốn đầu tư hạn chế.
VDSC đánh giá, trong 6 tháng cuối năm, sẽ có một số điểm sáng chính hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Đầu tiên là thặng dư thương mại dự báo đạt mức cao kỷ lục mới, đây là điểm tựa quan trọng cho sự ổn định vĩ mô nói chung.
Thứ hai, xuất khẩu sang EU dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ khi tỷ giá EURVND đang tăng cao và EVFTA đã có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020. Cuối cùng, Chính phủ cam kết hỗ trợ sự hồi phục kinh tế thông qua thúc đẩy đầu tư công.
Lựa chọn: Chính sách, chính trị và dịch bệnh
Trong lúc khủng hoảng y tế vẫn tiếp diễn, Chính phủ phải cân nhắc giữa các lựa chọn chính sách.
Trong ngắn hạn, Chính phủ cần tìm sự cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe người dân và hoạt động kinh tế. Bên cạnh đó là việc cân đo đong đếm giữa các biện pháp kích thích kinh tế trong ngắn hạn và sự ổn định vĩ mô dài hạn. Trong khi nguồn lực công rất hạn chế, nhu cầu hỗ trợ kinh tế đang rất lớn, đặc biệt là việc hỗ trợ đối với các tập đoàn kinh tế quy mô lớn.
Kiểm tra sức chịu đựng của hệ thống ngân hàng
Ở phía Ngân hàng Nhà nước, câu hỏi quan trọng hiện tại liên quan tới việc duy trì ổn định tài chính khi rủi ro nợ xấu gia tăng và tỷ lệ nợ/GDP của Việt Nam thuộc top đầu khu vực.
Rủi ro nợ xấu đang tích lũy nhanh chóng và sẽ sớm bộc lộ ra ngoài, đặc biệt khi các quy định cho phép cơ cấu thời hạn trả nợ và sắp xếp nhóm nợ kết thúc. Cả hai chỉ số đo lường khả năng vỡ nợ trong 1 năm và mức độ tổn thương của các doanh nghiệp Việt Nam đều thuộc nhóm đầu khu vực.
Trong 6 tháng cuối năm, VSDC cho rằng chính sách tiền tệ sẽ mang tính trung hòa. Việc nới lỏng sẽ chậm dần, khi dư nợ/GDP của Việt Nam thuộc nhóm đầu khu vực.
Bên cạnh đó, VDSC kỳ vọng có thêm 1 đợt cắt giảm lãi suất điều hành dù áp lực lạm phát gia tăng. NHNN tiếp tục yêu cầu khối NHTM chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp Nhưng, khó có khả năng nới lỏng các quy định an toàn tài chính và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đột ngột
Khang Di
FILI
|