Chính phủ đề xuất tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi lên mức 125 triệu đồng, sau 3 năm kể từ khi hạn mức này được tăng lên ở mức 75 triệu đồng (năm 2017).
Người gửi tiền được tăng hạn mức bảo vệ trong trường hợp tổ chức nhận tiền gửi không thể thực hiện nghĩa vụ. Ảnh: TTXVN.
|
Tăng từ 75 triệu lên 125 triệu đồng
Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng về hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi (BHTG) công bố mới đây, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG tối đa là 125 triệu đồng. Hiện vẫn chưa rõ thời điểm công bố và áp dụng Quyết định này.
Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG (ở Việt Nam là Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam – DIV) trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG, trong trường hợp các tổ chức nhận tiền gửi không thể thực hiện nghĩa vụ đối với người gửi tiền, góp phần giảm thiểu rủi ro cho người gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng nói riêng và tài chính nói chung.
Theo Luật BHTG, Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.
Từ khi chính sách BHTG được triển khai tại Việt Nam, hạn mức BHTG đã 3 lần được điều chỉnh tăng lên tùy từng thời kỳ.
Theo đó, hạn mức BHTG ở mức 30 triệu đồng trong giai đoạn 1999-2005, hạn mức 50 triệu đồng trong giai đoạn 2005-2017 và hạn mức 75 triệu đồng từ năm 2017 đến nay.
Tăng hạn mức để tăng độ phủ bảo vệ
Từ trước đến nay, có nhiều ý kiến cho rằng hạn mức BHTG ở Việt Nam vẫn còn thấp và nên tăng lên. Trong bài phỏng vấn với Thời báo Ngân hàng mới đây, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho rằng hạn mức BHTG 75 triệu đồng hiện nay không còn phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay và theo thông lệ, hướng dẫn của quốc tế.
Cụ thể, tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm tại Việt Nam đang ở mức 87,72%, thấp hơn so với mức khuyến nghị 90-95% của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI). Với hạn mức 125 triệu đồng, tức gấp 2 lần GDP bình quân đầu người, tỷ lệ này mới tăng lên mức 90,94%, nằm trong khoảng khuyến nghị của IADI (từ 90-95%).
Bên cạnh đó, một yếu tố khác là năng lực tài chính của tổ chức BHTG trong thời gian gần đây cũng đã tăng lên đáng kể, kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian qua được duy trì ổn định, lạm phát kiểm soát ở mức thấp và GDP bình quân đầu người danh nghĩa (chưa tính đến yếu tố lạm phát) của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt.
Ngoài ra, theo tính toán của NHNN, nếu nâng hạn mức BHTG lên mức 125 triệu đồng thì quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTG Việt Nam có đủ khả năng để đảm bảo chi trả tiền gửi cho 100% Quỹ tín dụng Nhân dân. Nhóm tổ chức tín dụng này được xác định là còn nhiều khó khăn, hoạt động yếu kém, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.