Thứ Bảy, 08/08/2020 08:17

Sai phạm tại Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn: Kỷ luật ông Nguyễn Phước Ngọc

Ông Nguyễn Phước Ngọc và 2 cá nhân khác tại Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco) vừa bị thi hành kỷ luật do để xảy ra hàng loạt sai phạm tại Resco.

Sai phạm tại Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn: Kỷ luật ông Nguyễn Phước Ngọc
Ông Nguyễn Phước Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên; nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Địa ốc Sài GònRESCO

Chiều 7.8, theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, lãnh đạo Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco) có những khuyết điểm, vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; việc quản lý công nợ; việc quản lý, sử dụng Quỹ Đầu tư phát triển; chi hộ tiền trả tiền cho đối tác kinh doanh, chi hộ trả tiền thuê đất; quản lý chứng từ kế toán; hoạt động đầu tư, góp vốn; thực hiện Đề án tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2013 - 2015; thực hiện các nội dung kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; thực hiện dự án và thực hiện chức trách, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.

Căn cứ các quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Phước Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên; nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn; ông Nguyễn Đình Phú, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, nguyên Phó tổng Giám đốc, nguyên thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty; ông Nguyễn An Trường, Đảng ủy viên Đảng ủy Tổng công ty, nguyên kiểm soát viên chuyên trách Tổng công ty.

Resco có 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM, vốn được xem là doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực bất động sản, khi tham gia nhiều dự án (DA) lớn của TP.HCM như chương trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chương trình chỉnh trang đô thị giải tỏa rạch Ụ Cây, các chương trình nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, chương trình nhà ở tái định cư, xây dựng lại các chung cư xuống cấp, hư hỏng…

Đặc biệt, nhờ sở hữu quy mô diện tích nhà đất “khủng”, Resco còn là chủ đầu tư, tham gia đầu tư nhiều công trình cao ốc văn phòng, khu dân cư thương mại có vị trí đắc địa trên địa bàn TP.HCM.

Tại Resco để xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng. Ảnh: KHẢ HÒA

Hé lộ hàng loạt bất thường tại Resco

Một phần cũng nhờ những “đặc quyền” đó, Resco từng có bước tăng trưởng trong quá trình hoạt động. Cụ thể, từ số vốn ban đầu hơn 300 tỉ đồng với 17 đơn vị thành viên, đến nay theo báo cáo của Resco, vốn của Tổng công ty này đã lên đến hơn 4.000 tỉ đồng.

Doanh thu giai đoạn 2011 - 2015 của Resco đạt 27.968 tỉ đồng (118% so với kế hoạch); lợi nhuận trước thuế đạt 3.487 tỉ đồng (101% kế hoạch); nộp ngân sách 1.927 tỉ đồng (98,8% kế hoạch). Trong giai đoạn 2015 - 2020, Resco cũng đã thông qua các chỉ tiêu chủ yếu: tổng doanh thu đạt 39.558 tỉ đồng, lợi nhuận 5.705 tỉ đồng, nộp ngân sách 3.140 tỉ đồng… Bộ máy lãnh đạo của Resco hiện nay đứng đầu là ông Nguyễn Phước Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV, cũng là người đại diện pháp luật của Tổng công ty.

Trên thực tế, dư luận những năm gần đây đã râm ran về những "lình xình" trong hoạt động kinh doanh của Resco. Nhiều nghi vấn bất thường về vấn nạn “cát cứ”, “lợi ích nhóm”… được đặt ra. Và khi Thanh tra TP.HCM vào cuộc, hàng loạt bất thường tại Resco mới dần hé lộ.

Như Thanh Niên phản ánh qua bài viết Cần làm rõ những bất thường tại Tổng công ty địa ốc Sài Gòn vào ngày 26.4.2020, kết luận thanh tra thời kỳ 2017, 2018 về phòng, chống tham nhũng trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại Resco, do Thanh tra TP.HCM vừa công bố, cho thấy việc quản lý tại Resco có những bất thường, nghiêm trọng hơn là hàng loạt sai phạm về tài chính, dự án…

Một trong các sai phạm nghiêm trọng nhất tại Resco là vốn hàng ngàn tỉ đồng nhưng… thiếu sổ sách kế toán, tùy tiện sử dụng vốn nhà nước, không tuân thủ pháp luật khi làm dự án…

Về đầu tư góp vốn vào các doanh nghiệp khác của Resco, Thanh tra TP.HCM cũng chỉ ra nhiều bất thường. Năm 2017, 2018, Resco đầu tư tài chính tại 32 đơn vị với tổng giá trị góp vốn lên đến hơn 2.250 tỉ đồng, nhưng chỉ có 18/32 đơn vị có lợi nhuận, cổ tức được chia, còn lại 14/32 doanh nghiệp không chia lợi nhuận, cổ tức được chia.

Thanh tra cho rằng, có sự buông lỏng lãnh đạo quản lý, tùy tiện trong công tác kế toán thu, chi tiền, dễ dẫn đến việc thất thoát tài sản nhà nước và phát sinh tham ô, tham nhũng, chưa đảm bảo chặt chẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng và kiểm soát nội bộ trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tiếp tục thanh tra 2 dự án

Liên quan đến sai phạm tại Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Chánh Thanh tra TP.HCM lập đoàn thanh tra tiến hành thanh tra, làm rõ việc thực hiện dự án cao ốc văn phòng (số 257 Điện Biên Phủ, P.6, Q.3), dự án chung cư Nguyễn Kim - khu B (Q.10) và báo cáo UBND TP.HCM xem xét, chỉ đạo xử lý theo quy định.

Đình Phú

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Bộ Xây dựng yêu cầu kiểm soát chặt việc chuyển Condotel sang nhà ở (07/08/2020)

>   Hàng nghìn căn condotel được cấp phép trong quý II (07/08/2020)

>   Tối hậu thư cho 'đất vàng' 69 Nguyễn Du: Thu hồi hoặc chuyển công an điều tra (06/08/2020)

>   Long An được rót 24,400 tỷ đầu tư hạ tầng, thời điểm vàng đầu tư bất động sản (07/08/2020)

>   Chỉ từ 2.2 tỷ đồng, sở hữu căn hộ 4 phòng ngủ tại The Terra - An Hưng (06/08/2020)

>   Nam Long tung giải pháp thiết thực cho khách hàng của Mizuki Park (06/08/2020)

>   Xây dựng tiêu chí đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội (05/08/2020)

>   Nhiều dự án bất động sản tạm ngưng để 'nghe ngóng' đợt bùng dịch thứ 2 (05/08/2020)

>   Số lượng dự án nhà ở được cấp phép tăng mạnh trong quý 2 (05/08/2020)

>   ​'Vẽ' chung cư mini lừa khách: Lòng vòng trách nhiệm (05/08/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật