Thứ Bảy, 22/08/2020 11:40

Phe gấu dần dần từ bỏ cuộc chơi khi chứng khoán Mỹ hồi phục quá nhanh

Những kẻ hoài nghi về đà hồi phục của chứng khoán Mỹ (phe gấu) đang dần dần biến mất.

Số lượng vị thế bán của các quỹ đầu cơ đang ở mức thấp nhất trong 16 năm, qua đó cho thấy sức kháng cự với đà tăng của chứng khoán đang yếu dần. Phe gấu dần rút lui khi xuất hiện lực mua từ những nhà đầu tư chuyên nghiệp – vốn bị buộc phải mua theo đà tăng của thị trường mặc cho suy thoái kinh tế, sự chững lại của lợi nhuận doanh nghiệp và những rủi ro từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Hiện tại, phần lớn thành phần tham gia vào thị trường đều trở nên lạc quan khi chỉ số S&P 500 tăng 52% trong 5 tháng vừa qua. Trong vòng 21 phiên, chứng khoán Mỹ chưa hề có đợt giảm 1%, chuỗi dài nhất kể từ tháng 1/2020. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư giờ phải cover vị thế bán, tức mua cổ phiếu để trả lại những cổ phiếu đã vay.

“Việc mua trả cổ phiếu đã bán khống (Short covering) là một yếu tố góp phần vào đà tăng hiện tại”, Lawrence Creatura, Chuyên gia quản lý danh mục tại PRSPCTV Capital LLC, nhận định. “Chắc chắn lực mua này sẽ yếu đi trong thời gian tới, đơn thuần là vì có quá ít người vẫn đang trong vị thế bán”.

S&P 500 tăng 0.7% trong 5 ngày qua, ghi nhận 4 tuần leo dốc liên tiếp. Trong ngày thứ Ba (18/08), chỉ số này vượt kỷ lục đã xác lập vào ngày 19/02 và ghi nhận đà hồi phục từ thị trường con gấu nhanh nhất trong lịch sử. Chỉ số cổ phiếu vốn hóa nhỏ Russell 2000 giảm 1.6%, trong khi Dow Jones gần như đi ngang. Chỉ số Nasdaq 100 có thành quả khá hơn, tăng 3.5%.

Bị “nghiền nát” bởi một đà tăng nhanh nhất trong nhiều thập kỷ qua, phe gấu đang dần từ bỏ cuộc chơi. Đầu tháng 8/2020, một cổ phiếu trung bình trong rổ S&P 500 có số hợp đồng mở vị thế bán chỉ bằng 1.8% vốn hóa thị trường, thấp nhất kể từ năm 2004, dữ liệu từ Goldman Sachs cho thấy.

Chẳng hạn như Tesla – gã khổng lồ xe điện có cổ phiếu tăng gần 400% trong năm nay. Số vị thế bán cổ phiếu Tesla đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 4.5%, từ mức đỉnh 29% cách đây 1 năm, theo dữ liệu IHS Markit. Và còn nhiều ví dụ khác như Twilio, Lumber Liquidators Holdings và Peloton Interactive.

“Có vẻ như toàn bộ nhà quản lý quỹ trong quý vừa qua đã chuyển từ kỳ vọng về một cú sụp trên thị trường chứng khoán sang kỳ vọng chứng khoán tăng giá”, Shawn Cruz, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại TD Ameritrade, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Tâm lý về cổ phiếu nhìn chung đã chuyển sang tích cực và nhiều người cũng cho rằng kinh tế sẽ trở lại đà tăng trưởng”.

Thị trường cứ ngày một tăng trong bối cảnh đoàn quân nhỏ lẻ đô xô mua các công ty chưa có lãi như Nikola và Moderna. Ngày càng nhiều nhà quản lý quỹ buộc phải đón nhận đà tăng hiện tại, ngó lơ sự suy yếu về lợi nhuận doanh nghiệp và phụ thuộc vào gói kích thích tài khóa, tiền tệ. Ở hệ số P/E 26 lần (so với lợi nhuận dự phóng), chỉ số S&P 500 đang được giao dịch ở mức hệ số cao nhất kể từ kỷ nguyên dot-com.

Rõ ràng, cổ phiếu tăng giá không phải là tin tốt cho phe gấu và điều này thường xuyên đẩy họ ra khỏi thị trường ngay trong những thời điểm có vẻ như đã chín muồi dành cho phe gấu. Hồi tưởng lại cơn sốt Internet 20 năm về trước, những nhà đầu cơ lớn – phần lớn đều là quỹ đầu cơ – đều trong vị thế bán ròng đối với hợp đồng tương lai S&P 500 trong cả năm 1998 và 1999 (chỉ có 5 tuần mua ròng). Đến năm 2000 khi phe gấu không còn “gồng lỗ” được nữa và đóng vị thế bán thì cú sụp xảy đến.

Tác động của việc cover vị thế bán (short covering) cực kỳ lớn trong lần này. Rổ cổ phiếu bị nhà đầu tư ghét nhiều nhất mà Goldman Sachs lập ra đã tăng giá gấp đôi kể từ khi thị trường chạm đáy trong tháng 3/2020 – gần như gấp đôi đà tăng của S&P 500.

Đà hồi phục ấn tượng từ tháng 3/2020 đã thôi thúc những trader theo xu hướng gia nhập vào thị trường, theo Charlie McElligott, Chiến lược gia tại Nomura Securities. Sau khi theo dõi nhóm công ty tư vấn giao dịch hợp đồng tương lai, quyền chọn, Nomura Securities nhận thấy tổng số vị thế bán đối với hợp đồng tương lai cổ phiếu lên mức cao nhất vào ngày 09/03/2020, nhưng sau đó khoảng 700 tỷ USD vị thế bán được cover và hiện đã chuyển sang vị thế mua ròng (net long).

Sau 5 tháng tăng liên tiếp, thị trường đang bắt đầu cho thấy dấu hiệu của sự mệt mỏi. Dù S&P 500 tăng điểm 4 phiên trong 5 phiên vừa qua, nhưng chẳng có phiên nào tăng hơn 0.5%.

“Tình hình hiện tại có thể là do nhà đầu tư không muốn bán hơn là muốn mua vào”, Andrew Adams, Chiến lược gia tại Saut Strategy, cho hay. “Chúng tôi phải chờ xem diễn biến tiếp theo của thị trường. Liệu việc S&P 500 chạm kỷ lục mới có thể đánh thức thị trường và thu hút thêm người mua mới hay không?”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI

Các tin tức khác

>   Tranh chấp kết quả bầu cử Mỹ - Ác mộng của Phố Wall (22/08/2020)

>   Dow Jones tăng gần 200 điểm, S&P 500 lập kỷ lục mới khép lại tuần qua (22/08/2020)

>   Chỉ có 1.1% day trader có lãi cao hơn tiền lương tối thiểu tại Brazil (21/08/2020)

>   Tesla vượt ngưỡng 2,000 USD/cp, tăng hơn 375% trong năm 2020 (21/08/2020)

>   Gần 2.5 triệu trader mới bị cuốn vào cơn sốt đầu cơ cổ phiếu Trung Quốc (21/08/2020)

>   Đà tăng của cổ phiếu công nghệ kích Phố Wall khởi sắc (21/08/2020)

>   Giới Gen Z và Millennial giao dịch nhiều hơn trong kỷ nguyên Covid-19 (20/08/2020)

>   Cổ phiếu của công ty sản xuất đồ y tế Singapore tăng gần 5,000% (20/08/2020)

>   Đã đến lúc các doanh nghiệp phân tách cổ phiếu giá trị cao? (20/08/2020)

>   Vốn hóa Apple vượt 2.000 tỷ USD (20/08/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật