Petrolimex báo lãi ròng 677 tỷ trong quý 2, hàng tồn kho tăng 32%
Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX) ghi nhận lãi ròng 677 tỷ đồng trong quý 2/2020, qua đó thu hẹp con số lỗ lũy kế từ đầu năm xuống còn 1,216 tỷ đồng. Đáng chú ý, PLX đã gia tăng 32% lượng hàng tồn kho trong quý 2.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm nhu cầu tiêu thụ xăng dầu đi xuống, qua đó khiến hoạt động kinh doanh của PLX tiếp tục sụt giảm trong quý 2/2020. Giá xăng trong kỳ ghi nhận dao động liên tục (giảm mạnh đầu quý 2 và tăng lại vào cuối quý).
Giữa bối cảnh đó, PLX thu về 26,709 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 46% so cùng kỳ và thấp hơn cả quý 1. Công ty báo lãi ròng 677 tỷ đồng, giảm 43%. Mức lợi nhuận này cao hơn so với con số ước tính của ban điều hành PLX đưa ra tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 (350 tỷ đồng).
Có thể thấy tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều khởi sắc hơn vào tháng 5 và tháng 6, khi việc giãn cách xã hội được nới lỏng, nhu cầu tiêu thụ cũng như giá xăng hồi phục trở lại.
Dù vậy, sau nửa đầu năm, PLX vẫn đang báo lỗ ròng lũy kế 1,216 tỷ đồng (quý 1 lỗ ròng gần 1,900 tỷ đồng). Các công ty con và công ty liên doanh, liên kết đều ghi nhận kết quả chưa khả quan.
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2/2020 của PLX
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 của PLX
|
Về tình hình tài sản, tại ngày 30/06, Công ty đang có tổng tài sản gần 59,344 tỷ đồng, giảm 4% so với hồi đầu năm.
Trong quý 1, việc trích dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo quy định với 1,500 tỷ đồng đã kéo PLX thua lỗ ròng lịch sử tới gần 1,900 tỷ đồng. Đáng chú ý, Công ty đã tăng 32% lượng hàng tồn kho so với thời điểm cuối tháng 3 lên mức 8,911 tỷ đồng tại ngày 30/06 (trong đó trích lập dự phòng với giá trị 148 tỷ đồng).
Cho năm 2020, PLX đề ra các giải pháp về hoạt động kinh doanh xăng dầu như: Đảm bảo đủ nguồn hàng trong mọi tình huống và kinh doanh có hiệu quả, trong đó chú trọng tạo nguồn từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước (Dung Quất và Nghi Sơn); đẩy mạnh hoạt động pha chế, tích cực làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước để được sử dụng nguồn xăng nền có trị số octan thấp (như Ron88/Naptha) nhằm chủ động tạo nguồn và nâng cao hiệu quả kinh doanh; tổ chức thay thế, tiêu thụ nhiên liệu hàng hải mới; tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để tận dụng, gia tăng tiện ích tại hệ thống CHXD;…
*Gặp thế cờ khó, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ứng phó ra sao?
Duy Na
FILI
|