Thứ Tư, 26/08/2020 09:00

Những nẻo đường của doanh nghiệp taxi trên sàn

 

Đó chính là bài toán nan giải đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực taxi. Để tồn tại, có doanh nghiệp đã phải chấp nhận bỏ đi cái cũ để bắt kịp với xu hướng chung khi cuộc cách mạng 4.0 đã làm thay đổi phương thức hoạt động cũng như định hình lại lĩnh vực vận tải hành khách. Cũng có doanh nghiệp đã “dứt áo ra đi” với ngành nghề nguyên thủy của mình và thậm chí có doanh nghiệp phải thực hiện tái cấu trúc để vực dậy sau cơn khủng hoảng.

 

Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, HOSE: VNS) là một trong những doanh nghiệp niêm yết nổi bật nhất trong lĩnh vực kinh doanh taxi.

Kể từ khi Grab (đại diện của taxi công nghệ) xuất hiện và mạnh mẽ chiếm thị phần, Vinasun là đơn vị duy nhất đã đâm đơn kiện Grab ra tòa vì có những hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hãng taxi.

Kết quả kinh doanh của VNS chính là “minh chứng sống” thể hiện rõ tác động mạnh mẽ trước sự xuất hiện các hãng taxi công nghệ đến doanh nghiệp taxi truyền thống.

Giai đoạn 7 năm kể từ khi niêm yết (2008), có thể xem là thời kỳ hoàng kim của VNS khi doanh thu và lãi ròng tạo một đường dốc lên. Doanh thu (4,252 tỷ đồng) và lãi sau thuế (329 tỷ đồng) năm 2015 của VNS gấp 5 lần và 6 lần so với năm đầu tiên niêm yết.

Tuy nhiên, thời thế đổi thay, sự xuất hiện của "taxi công nghệ” từ khoảng cuối năm 2015 đã đem đến cho khách hàng trải nghiệm mới tốt hơn như có thể biết trước thời gian xe đón, quãng đường, giá cước… đã thay đổi hoàn toàn phương thức cạnh tranh trong ngành, đẩy các hãng taxi truyền thống, gồm cả VNS vào thế khó. Do đó, kết thúc năm 2016, mặc dù ghi nhận doanh thu ở mức 4,250 tỷ đồng (cao nhất kể từ khi niêm yết) nhưng lợi nhuận đã có dấu hiệu chững lại và giảm nhẹ so với năm trước, xuống còn 313 tỷ đồng.

Và từ năm 2016 đến nay, doanh thu và lãi ròng của VNS vẫn tạo thành hình mũi tên, nhưng nay đảo chiều hướng xuống. Kết năm 2019, VNS chỉ thu được 1,991 tỷ đồng doanh thu (giảm 56%) và 109 tỷ đồng lãi ròng (giảm 65%) so với năm 2016.

Khi mà vụ kiện với Grab đang dần khép lại, Vinasun lại nhận thêm một cú sốc mới mang tên Covid-19 và nó nhấn chìm mọi nỗ lực của hãng taxi này. Theo đó, trong quý 2/2020, Vinasun tiếp tục ôm lỗ đậm hơn 110 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm hơn 126 tỷ đồng. Ông Trần Anh Minh - Phó TGĐ phụ trách mảng đầu tư của VNS chia sẻ với cổ đông trong cuộc họp ĐHĐCĐ 2020: “Chúng tôi đặt kịch bản tương đối lạc quan trong quý 3 và quý 4 mới có sự phục hồi. Quý 3 ước tính sẽ lỗ 6-8 tỷ đồng và trong quý 4 chúng tôi sẽ kiếm lại 25-30 tỷ đồng”.

 

Cạnh tranh đi kèm dịch bệnh, năm 2020, VNS dự kiến lỗ 115 tỷ đồng và doanh thu đạt 1,180 tỷ đồng, giảm 41% so với thực hiện năm trước. Đây cũng là lần đầu tiên VNS lên kế hoạch lỗ kể từ khi niêm yết đến nay. Đối mặt với nhiều khó khăn, Công ty định hướng chiến lược trọng tâm trong năm 2020 là tập trung giữ vững thị phần, thu hút người lao động, duy trì hoạt động kinh doanh trước tác động của dịch bệnh và áp lực cạnh tranh không cân sức.

Song song đó, VNS cũng lên kế hoạch sẽ tiếp tục thực hiện phương án tái cấu trúc Công ty 2016-2020 và triển khai thanh toán online trên Vinasun App trong năm 2020.

 

Không chỉ đối mặt với áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp trong ngành, CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (UPCoM: STT) còn phải chịu sự đấu đá lẫn nhau giữa Ban Quản trị Công ty khi liên tục đệ đơn kiện tụng ra tòa án.

Sự mất đoàn kết nội bộ cũng là một phần nguyên nhân chính đã khiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này lao dốc.

Từ năm 2012 trở lại đây, hãng taxi này liên tục hoạt động trong tình trạng thua lỗ. Trong 8 năm gần nhất thì doanh nghiệp lỗ đến 7 năm, riêng năm 2014 kinh doanh có lãi nhưng chỉ vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế tính đến cuối năm 2019 của STT hơn 93 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ, âm vốn chủ sở hữu. Kiểm toán đã cảnh báo "khả năng tiếp tục hoạt động của STT phụ thuộc vào khả năng tạo ra nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh và việc tiếp tục hỗ trợ tài chính từ các cổ đông để có thể thanh toán các khoản nợ khi đến hạn".

Nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh khó khăn được ban lãnh đạo STT giải thích, số lượng xe và tài xế giảm mạnh do chủ trương thanh lý xe cũ để tái cơ cấu, cùng với đó là những diễn biến phức tạp của thị trường khi xuất hiện nhiều ứng dụng gọi xe công nghệ…

Nguyên nhân sâu xa hơn nữa khiến STT chìm trong thua lỗ có lẽ là do Công ty không thể triển khai các kế hoạch kinh doanh do không có sự đồng nhất giữa các thành viên trong HĐQT.

Mới đây, chính ông Nguyễn Văn Hồng - Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020, đồng thời cũng là cổ đông lớn của STT (nắm giữ 21.8% vốn) cho rằng STT đã hoạt động không hiệu quả dẫn đến thua lỗ vượt vốn điều lệ, mất khả năng thanh toán nên đã yêu cầu đến Tòa án mở thủ tục phá sản đối với STT.

Đứng trước cáo buộc đó, ông Kakazu Shogo đã khẳng định: “STT hoàn toàn không mất khả năng thanh toán. Để đảm bảo nguyên tắc ghi nhận kế toán, chúng tôi phải trích lập toàn bộ các khoản doanh thu phát sinh từ các hợp đồng sai phạm, sự thiếu chặt chẽ trong quản lý và điều hành trong các giai đoạn trước, đặc biệt là thời kỳ đương nhiệm của ông Đinh Quang Hiền. Phần này đã gây ra việc âm vốn chủ sở hữu”.

Ngày 22/06/2020, sau khi xem xét các giấy tờ, tài liệu liên quan đến yêu cầu mở thủ tục phá sản của ông Hồng, xét thấy STT chưa mất khả năng thanh toán nên Tòa án đã quyết định không mở thủ tục phá sản đối với STT.

Dù vậy, nhìn vào bức tranh kinh doanh của STT những năm qua, các cổ đông, nhà đầu tư có lý do để lo lắng về tương lai của hãng taxi này, nhất là trong năm 2020, STT dự kiến lỗ hơn 3 tỷ đồng.

 

Cùng chung người điều hành, kết quả kinh doanh của CTCP PGT Holdings (HNX: PGT) có khả quan hơn STT?

Được biết, PGT tiền thân là Công ty TNHH Taxi Gas Sài Gòn Petrolimex được hình thành dựa trên vốn góp của các công ty thành viên thuộc Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với số vốn điều lệ ban đầu là 31.8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngành nghề cội nguồn đã bị đưa vào “dĩ vãng” khi doanh nghiệp này đã bán hết tất cả taxi, chuyển hẳn sang một ngành nghề khác là mua bán, sáp nhập Công ty, cho vay tiêu dùng thông qua Công ty con là Công ty TNHH Tài chính vi mô BMF (PGT nắm giữ 70% vốn). Một công ty bỏ đi cái “sinh tồn” để đổi sang cái mới, dấu hỏi lớn đặt ra là công ty này đã đi về đâu?

Sau 3 năm kể từ khi niêm yết (25/12/2009), hoạt động kinh doanh của PGT hầu như không tăng trưởng mà lại thụt lùi qua hàng năm. Hoạt động kinh doanh chính lúc ấy là mảng taxi càng duy trì càng lỗ. Năm 2013, doanh nghiệp này có doanh thu 30 tỷ đồng nhưng chỉ riêng chi phí quản lý doanh nghiệp đã lên đến 34 tỷ đồng nên PGT phải báo lỗ đến 21 tỷ đồng. Đến năm 2014, doanh nghiệp  buộc phải thanh lý tài sản của mô hình kinh doanh cũ nhằm tránh tiếp tục thua lỗ nặng.

Đầu tháng 06/2015, ông Kakazu Shogo mua hoàn tất gần 1.5 triệu cp PGT, tương đương với 15.71% vốn và chính thức trở thành Chủ tịch của PGT. Trong năm 2015, Công ty thoát lỗ nhờ bán lại xe taxi, nhưng doanh thu thuần chỉ đạt 6 tỷ đồng, lợi nhuận không đáng kể.

Tưởng chừng như chuyển sang lĩnh vực tài chính sẽ giúp PGT vực dậy sau cơn khủng hoảng, nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi kết quả các năm tiếp theo tiếp tục “đổ đèo” cho đến năm 2019 lỗ nặng 15 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế tính đến 31/12/2019 lên hơn 40 tỷ đồng.

Kết quả kém khả quan như vậy nhưng năm 2020, Công ty lại lên kế hoạch lãi 9 tỷ đồng và tổng doanh thu dự kiến đạt hơn 31 tỷ đồng (gấp 3 lần so với kết quả năm 2019). Theo giải trình của Chủ tịch Kakazu Shogo: “Ban đầu kế hoạch được đề ra trước khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế nói chung. Ngoài ra, khoản lỗ lũy kế năm 2019 hơn 40 tỷ đồng là do trích lập dự phòng cho dự án Nguyễn Tất Thành tại quận 4. Tuy nhiên, tính đến quý 1/2020 đã được hoàn lại khoản dự phòng này. Do đó, năm 2020 Công ty rất kỳ vọng sẽ đạt được những mục tiêu đã đề ra”.

Do sai lầm trong chiến lược mở rộng địa bàn kinh doanh đã đưa Mai Linh vào ngõ cụt. Năm 2012, Mai Linh từng mấp mé bên bờ vực phá sản khi thua lỗ do đầu tư bất động sản. Trả lời phỏng vấn của Báo Tuổi trẻ hồi cuối năm 2012, ông Hồ Huy - Chủ tịch Mai Linh cũng từng thừa nhận: “Thua lỗ do chúng tôi sai lầm”. Mai Linh lâm vào tình cảnh khó khăn là do Công ty dùng tiền ngắn hạn đầu tư dài hạn.

Tình huống “dở khóc dở cười” đó khiến Mai Linh phải bán xe và bán đất để trả nợ trong suốt nhiều năm liền. Bên cạnh đó, đối đầu với sự cạnh tranh khốc liệt khi Grab xuất hiện, Mai Linh đã phải cắt giảm 6,000 nhân viên chỉ trong nửa năm 2017.

Song song với chiến lược dàn trải, Mai Linh còn mắc sai lầm trong cấu trúc hoạt động doanh nghiệp. Tổ chức doanh nghiệp theo mô hình công ty mẹ - con theo từng khu vực và các công ty “cháu” tại từng tỉnh, thành đã tạo cho Mai Linh bộ máy hành chính cồng kềnh, khó kiểm soát khiến chi phí quản lý hành chính tăng cao.

Từ đó, Mai Linh một lần nữa thực hiện tái cấu trúc khi hợp nhất 3 Công ty đầu mối phụ trách hoạt động kinh doanh taxi của hệ thống Mai Linh tại miền Bắc - Trung - Nam là MLN, MNCMLG để thống nhất thành một Tập đoàn.

Năm 2019, CTCP Tập đoàn Mai Linh cho biết đã hoán đổi cổ phiếu của chính doanh nghiệp này và Mai Linh Miền Bắc, Mai Linh Miền Trung.  Cùng trong năm, Tập đoàn Mai Linh công bố lỗ ròng hơn 5 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 1,039 tỷ đồng (tính đến ngày 31/12/2019).

Về kế hoạch kinh doanh năm 2020, Mai Linh dự kiến lãi sau thuế hợp nhất đạt 39 tỷ đồng và doanh thu thuần đạt 1,730 tỷ đồng.

Trước đó, vào đầu tháng 2/2020, Mai Linh cũng chính thức bổ nhiệm ông Rahn Wood giữ chức Tổng Giám đốc. Được biết, ông Rahn Wood có 33 năm kinh nghiệm làm việc tại các ngân hàng lớn trên toàn thế giới, 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam và cũng là người tiên phong trong mảng kỹ thuật số và công nghệ.

Chủ tịch Hồ Huy cũng chia sẻ về mục tiêu của Mai Linh trong các năm tới là thay đổi để phát triển. Đối với việc bổ nhiệm Tổng Giám đốc Rahn Wood, Mai Linh quyết tâm đưa công nghệ vào phát triển hoạt động kinh doanh như thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển Mai Linh trở thành Công ty toàn cầu.

“Miếng bánh” kinh doanh taxi không dễ dàng giành được khi bên ngoài kia vẫn còn rất nhiều hãng taxi đang hoạt động như CTCP Sài Gòn Sân Bay (Saigon Air), Công ty Taxi Việt Nam (VinaTaxi), CTCP Dịch Vụ - Vận Tải Dầu Khí Cửu Long (Taxi Dầu khí)… chưa kể tới loại hình taxi công nghệ.

Thị trường kinh doanh taxi không phải là “bát cơm” chung của mọi nhà. Để tồn tại được trong ngành , các doanh nghiệp phải không ngừng phát triển và thay đổi cũng như kết hợp với công nghệ sáng tạo, nhất là khi các công ty nước ngoài đang manh nha vào thị trường Việt Nam với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, chấp nhận lỗ để cạnh trạnh nhằm chiếm thị phần của các doanh nghiệp taxi truyền thống.

Nội dung: Tiên Tiên

Design: Tiên Tiên

FILI

Các tin tức khác

>   VC2: Báo cáo tài chính bán niên năm 2020 (20/08/2020)

>   VC2: Báo cáo tài chính bán niên năm 2020 (công ty mẹ) (20/08/2020)

>   VC2: Giải trình chênh lệch LNST trên BCTC công ty mẹ bán niến năm 2020 so với bán niên năm 2019 (20/08/2020)

>   BOT: Báo cáo tài chính bán niên năm 2020 (20/08/2020)

>   HSL: BCTC Soát xét 6 tháng đầu năm 2020 (20/08/2020)

>   HSL: BCTC Hợp nhất Soát xét 6 tháng đầu năm 2020 (20/08/2020)

>   GKM: Báo cáo tài chính bán niên năm 2020 (công ty mẹ) (20/08/2020)

>   SVN: Giải trình liên quan đến BCTC bán niên năm 2020 (20/08/2020)

>   VCW: Báo cáo tài chính bán niên năm 2020 (20/08/2020)

>   BSD: Nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua nội dung tờ trình gửi ĐHĐCĐ bất thường (20/08/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật