Thứ Sáu, 14/08/2020 13:44

Ngành điện vẫn 'chập chờn' trong quý 2

Vốn được coi là ngành mang tính “phòng thủ”, song ngành điện lại đang thể hiện bộ mặt kém tích cực. Nhiệt điện chưa có bước tiến đáng kể nào, trong khi câu chuyện thời tiết, thủy văn bất lợi vẫn tiếp diễn khiến lợi nhuận doanh nghiệp trong ngành tiếp tục suy yếu. Thậm chí, có doanh nghiệp còn thua lỗ tới hơn 200 tỷ đồng trong quý 2.

Thủy điện tiếp tục gặp hạn, một doanh nghiệp lỗ hơn 200 tỷ

Tình hình thủy văn chưa thuận lợi vẫn tiếp diễn khiến các doanh nghiệp thủy điện (hoạt động chính) lao đao. Lượng nước về hồ thấp trực tiếp làm giảm sản lượng điện sản xuất. Điều này thể hiện rõ vào bảng thành tích kinh doanh đáng buồn của nhóm doanh nghiệp này.

Kết quả kinh doanh quý 2/2020 của các doanh nghiệp thủy điện. Đvt: Tỷ đồng

Theo dữ liệu VietstockFinance, trong 20 doanh nghiệp thủy điện niêm yết, có tới 12 đơn vị sụt giảm lợi nhuận, 6 đơn vị báo lỗ và chỉ có 2 đơn vị gia tăng lợi nhuận trong quý 2/2020 so với cùng kỳ.

tỷ lệ lợi nhuận bốc hơi nhiều nhất chính là Sông Ba (HOSE: SBA) với 92%. Theo SBA, thời tiết diễn biến thất thường, số ngày mưa trong quý 2 năm nay ít hơn cùng kỳ làm sản lượng điện giảm tới 58%.

Trường hợp của Thủy điện Thác Mơ (HOSE: TMP), tỷ lệ sản lượng điện thanh toán theo giá hợp đồng tăng lên 10% so cùng kỳ dẫn đến sản lượng thanh toán theo giá thị trường giảm. Cùng với đó, giá thị trường điện bình quân quý 2 thấp hơn cùng kỳ khiến doanh thu và lợi nhuận của TMP lần lượt đi xuống 19% và 23%.

Hay Thủy điện Miền Nam (HOSE: SHP) chỉ đem về 6 tỷ đồng lãi ròng trong quý 2/2020, giảm 67% so cùng kỳ. Dù vậy, đây cũng là kết quả đáng ghi nhận khi biết Công ty này vừa thua lỗ gần 6 tỷ trong quý 1 liền trước. Theo SHP, từ tháng 5 thời tiết bắt đầu chuyển mùa và có mưa, nên sản lượng quý 2 cao hơn quý 1 khoảng 35%, trong khi các chi phí cố định giữa các quý trong năm không dao động đáng kể.

Kết quả đáng buồn nhất thuộc về Điện lực Khánh Hòa (HOSE: KHP) khi báo lỗ tới gần 219 tỷ đồng. Theo giải trình của KHP, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sản lượng điện thương phẩm và giá bán đều giảm làm doanh thu giảm mạnh. Riêng việc thực hiện miễn/giảm giá điện đến hết tháng 6/2020 để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch theo quy định của Nhà nước đã chiếm hơn 92 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của KHP qua từng quý. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Ông lớn Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HOSE: VSH) tiếp tục gây thất vọng khi thua lỗ quý thứ 2 liên tiếp. Do thời tiết thất thường, sản lượng điện và doanh thu sản xuất điện của VSH lần lượt suy yếu 27% và 55% so cùng kỳ.

Trường hợp của Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh (HOSE: TTE) gặp vấn đề không nhỏ khi hai nhà máy Đăk Ne và Đăk Blal chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tích trữ nước của nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum. Ngoài ra, TTE cũng khốn đốn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bởi một số đơn hàng linh kiện máy móc từ Trung Quốc về Việt Nam không được thông quan. Điều này khiến cho một số tổ máy phải luân phiên dừng, không hoạt động được hết công suất. Sau cùng, TTE ghi nhận thua lỗ hơn 17 tỷ đồng trong quý 2 năm nay.

Doanh nghiệp nhiệt điện tích cực tiết giảm chi phí

Trong quý 2/2002, 5 đại diện nhóm nhiệt điện trên sàn đã tạo ra tổng cộng 1,330 tỷ đồng lãi ròng, gấp 10 lần nhóm thủy điện (với 20 đại diện), trong đó POW chiếm hơn phân nửa với 735 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh quý 2/2020 của các doanh nghiệp nhiệt điện. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Điểm chung cho kết quả tăng trưởng lợi nhuận của POW, NBPNT2 trong quý 2 là nhờ việc tiết giảm chi phí. Bên cạnh đó, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HOSE: POW) còn ghi nhận gia tăng 127% khoản thu tài chính trong quý 2. Đây là động lực cho kết quả tăng trưởng 6% lợi nhuận của ông lớn ngành điện, bất chấp việc doanh thu sụt giảm 22%.

Hay như Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2) báo lãi quý 2 tăng trưởng 20% so cùng kỳ, đạt 249 tỷ đồng dù doanh thu giảm 12%. Kết quả này là nhờ Công ty giảm chi phí, trong khi khoản thu tài chính và khoản lãi khác trong quý gia tăng tổng cộng hơn 10 tỷ đồng.

Điều mà không ít cổ đông NT2 băn khoăn là liệu tình trạng thiếu khí như năm 2019 có lặp lại. Chia sẻ về vấn đề này, tại cuộc họp cổ đông thường niên 2020 của NT2, Giám đốc Ngô Đức Nhân cho biết đến cuối quý 4 năm nay, mỏ Sao Vàng Đại Việt cũng như Phong Lan Dại sẽ vào bờ và cung cấp thêm vào hệ thống khoảng 4 triệu m3/ngày. Lượng bổ sung này sẽ đảm bảo nguồn khí để hoạt động, không diễn ra tình trạng thiếu hụt như năm 2019.

Cũng theo vị Giám đốc, việc hoàn thành kế hoạch cả năm là tương đối khả quan. Thực tế NT2 đã đem về 428 tỷ đồng lãi ròng sau 6 tháng, thực hiện 69% kế hoạch.

Kết quả kinh doanh của NT2 từ 2014-2019 và kế hoạch năm 2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Ở chiều ngược lại, kết quả đi xuống 12% lợi nhuận trong quý 2 của Nhiệt điện Bà Rịa (HOSE: BTP) hoàn toàn dễ hiểu khi doanh thu giảm tới 84%. Trong khi đó, Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC) tiếp tục khiến cổ đông lo lắng khi lãi ròng quý 2 suy giảm 18%. Nguyên nhân đến từ việc chi phí nhiên liệu và chi phí sửa chữa chênh lệch đáng kể so cùng kỳ; PPC còn phải hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư với số tiền 136 tỷ đồng.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Sau nửa đầu năm 2020, EVN ghi nhận sản lượng điện sản xuất và xuất nhập khẩu toàn hệ thống đạt 119.42 tỷ kWh, tăng 1.7% so cùng kỳ năm 2019. Sản lượng điện thương phẩm toàn Tập đoàn trong 6 tháng ước đạt 103.17 tỷ kWh, tăng 2.3% so cùng kỳ.

EVN ghi nhận những khó khăn trong nửa đầu năm qua như ảnh hưởng của dịch Covid-19; nhu cầu điện tăng cao do có nhiều đợt nắng nóng trên diện rộng và kéo dài nhất trong 27 năm; hệ thống điện hầu như không có dự phòng về nguồn điện; tình hình thủy văn về các hồ thủy điện kém và nguồn cung nhiên liệu cho các nhà máy giảm so với kế hoạch.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Tại báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2020, KBSV chỉ ra do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, các nhà máy thủy điện hiện tại vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do các hồ thủy điện rất khó tích đủ nước. Lượng nước về hồ thủy điện vẫn đang ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm. Tình hình dự báo sẽ chỉ chuyển biến tích cực hơn vào 6 tháng mùa mưa cuối năm 2020

Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ các dự án điện, bởi lẽ nhiều chuyên gia nước ngoài gặp khó khăn trong việc nhập cảnh vào Việt Nam và việc nhập khẩu máy móc thiết bị sẽ bị chậm trễ. KBSV đánh giá tình trạng này sẽ làm mức độ thiếu hụt điện năng của nước ta trong thời gian tới sẽ tiếp tục trầm trọng và sẽ làm cho các nhà máy điện hiện tại được huy động phát điện với công suất cao hơn.

Theo KBSV, điểm nhấn đầu tư đáng lưu ý đối với ngành điện đến từ việc nhiều nhà máy điện đang ngày càng giảm bớt nợ vay theo lịch trả nợ, giúp cải thiện chi phí lãi vay và kết quả kinh doanh. Sau khi trả nợ vay, dòng tiền cho vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp sẽ là rất lớn và nhiều khả năng sẽ tăng khả năng chi trả cổ tức tiền mặt như PPC, NT2, HND, POW… Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng đã khấu hao hết tài sản cố định hoặc phân bổ xong phần chênh lệch tỉ giá phát sinh trong giai đoạn xây dựng cơ bản cũng sẽ cải thiện được kết quả kinh doanh như PPC, QTP...

Xuân Nghĩa

FILI

Các tin tức khác

>   VPG: BCTC 6 tháng đầu năm 2020 (14/08/2020)

>   IN4: Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc thành lập Văn phòng đại diện (14/08/2020)

>   TDT: Báo cáo tài chính bán niên năm 2020 (14/08/2020)

>   THT: Báo cáo tài chính bán niên năm 2020 (14/08/2020)

>   PDC: Giải trình liên quan đến BCTC bán niên soát xét 2020 (14/08/2020)

>   VAF: BCTC quý 2 năm 2020 (14/08/2020)

>   SMN: Báo cáo tài chính bán niên năm 2020 (14/08/2020)

>   ACB: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (14/08/2020)

>   TCO: BCTC Hợp nhất 6 tháng đầu năm 2020 (14/08/2020)

>   TCO: BCTC 6 tháng đầu năm 2020 (14/08/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật