Lừa đảo tài chính ngày càng nhiều
Gần đây, Bộ Công an liên tục đưa ra cảnh báo nhiều loại hình lừa đảo nở rộ trong đợt dịch Covid-19, với nhiều thủ đoạn mới, nổi bật là các mô hình lừa đảo tài chính, lừa đảo kiểu Ponzi.
* Ma trận gọi vốn đa cấp thời 4.0: Tạm giữ khẩn cấp lãnh đạo tập đoàn Gold Time
* Bay hàng ngàn tỉ vì đầu tư tiền ảo: Mua sắm hoàn tiền biến tướng, đa cấp
* Ma trận gọi vốn đa cấp thời 4.0: Đội lốt quốc gia khởi nghiệp
Ponzi điển hình
Lừa đảo tài chính được đánh giá cao nhất trong các loại lừa đảo, vì độ phức tạp cũng như hiểu biết luật để lách luật, bởi họ am hiểu tâm lý học giúp đánh giá con mồi chính xác để khi ra “chiêu” và gần như không ai từ chối được. Thậm chí, nhiều người bị lừa vẫn không biết mình bị lừa và còn khen ngược lại đối tượng. Nhiều vụ đối tượng đã bỏ trốn biệt tăm, thậm chí thay tên đổi họ để ra dự án khác đi lừa tiếp. Các hình thức này nở rộ khắp nơi, đặc biệt ở các vùng quê nơi người dân ít hiểu biết về các thủ đoạn lừa đảo tài chính phức tạp. Hệ lụy để lại của nó quá lớn cho nhiều gia đình, xã hội, thậm chí cả nhiều nạn nhân tìm cách trả thù bằng các hành vi vi phạm luật pháp.
Bernard Madoff chủ mưu của vụ lừa đảo hàng đầu thế giới (chỉ đứng sau vụ Libor 2012), với số tiền thất thoát khoảng 65 tỷ USD trong năm 2008, tương đương cả trăm tỷ USD thời điểm hiện tại. Rất nhiều người đã bị phá sản, phải tự sát, bị đẩy vào đường cùng vì tin tưởng đưa tiền cho Bernard Madoff. Không chỉ cá nhân, nhiều định chế tài chính khắp thế giới như các ngân hàng tại Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Sĩ, Italia, Hà Lan, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, đã tuyên bố họ mất hàng tỷ USD trong vụ lừa đảo kinh dị này.
Đây cũng là vụ gian lận tài chính lớn nhất trong lịch sử bị quy cho một nhân vật. Madoff trong thời gian dài được nhìn nhận như doanh nhân xuất chúng, từng là chủ tịch của Nasdaq, chủ tịch nhiều tổ chức uy tín như Hiệp hội Các nhà đầu tư của Mỹ và một nhà từ thiện. Việc FBI bắt giữ Madoff, đóng cửa công ty của ông, đã tác động không nhỏ đến thương mại toàn cầu và nhiều tổ chức từ thiện. Các tổ chức từ thiện liên quan là Robert I. Lappin, quỹ Picower và quỹ JEHT, cũng bị buộc phải đóng cửa như hệ quả từ vụ lừa đảo này. Câu nói nổi tiếng nhất của 1 bộ phim về nhân vật này: “Basically, just a big Ponzi Scheme - Về cơ bản, đây là mô hình Ponzi khổng lồ”.
Một số hình thức lừa đảo
- Kẻ lừa đảo hứa trả lợi nhuận cực cao, vài phần trăm đến vài chục vài trăm phần trăm không phải 1 năm mà 1 tháng, thậm chí trong… 1 tuần.
- Ủy thác cho sàn, cho dự án, cho “chuyên gia” được các dự án lừa đảo dựng lên. Họ nói nếu bạn không có khả năng đầu tư, hãy gửi cho họ và họ có chuyên gia đầu tư bách phát bách đúng, bao lỗ. Đến khi số tiền nhận đủ nhiều và dĩ nhiên sàn tuyên bố… phá sản, ôm tiền bỏ chạy.
- Các hình thức trả lãi đôi khi không bằng tiền mặt vì tỷ lệ cao, nên phát hành một dạng chứng khoán của dự án (hoặc công ty) hay một loại token, tiền điện tử cho người tham gia dù nhà đầu tư (NĐT) tham gia bằng tiền thật. Số tiền hoặc chứng khoán này không rút được hoặc chỉ được giao dịch trên sàn nội bộ do chính chủ dự án đặt ra. Nghĩa là tiền lời đó chỉ trên giấy.
- Trả tiền lời bằng tiền thật, trả ngay tức khắc theo cam kết. Tuy nhiên số tiền được trả luôn dưới tổng tiền nộp vào trước khi sàn…biến mất. Thí dụ, NĐT nộp 100 triệu đồng được hứa trả 10%/tháng, nhưng chỉ nhận được khoản lãi này tới tháng thứ 7, tức mất 7 tháng tiền lãi.
- Tiền lời không rút được, lợi nhuận đó có thể là tiền thật hoặc tiền ảo, cổ phiếu hay loại tài sản nào đó mà muốn rút phải đóng thêm tiền, phí chuyển đổi. Thí dụ, mua cổ phiếu, tiền số… của dự án nhưng gửi vào ví của sàn và phải đóng tiền để “thuê ví”, khi rút ra phải trả thêm nhiều phí khác. Nghĩa là tiền của mình bị chiếm đoạt và còn phải đóng phí cho người chiếm đoạt.
- Hình ảnh lung linh: các sàn FX (giao dịch vàng, ngoại hối online) hay BO (quyền chọn nhị phân) có mùi lừa đảo sẽ liên tục post các mạng xã hội, các phần mềm chat với nội dung là nhiều người lời với số tiền khủng, kèm với hình ảnh siêu xe, nhà biệt thự hoành tráng, chụp hình chung với người nổi tiếng…
- Sửa lệnh hệ thống: khi NĐT tham gia lệnh của họ sẽ bị sửa trên hệ thống cho họ thua để sàn ăn hết. Hoặc không cần sửa nhưng đến khi số người nộp tiền đủ, nhiều sàn sẽ…biến mất. Có sàn nói bị vỡ nợ hoặc bị công an bắt để nạn nhân sợ không đi kiện vì luật pháp vốn đã không cho phép.
Cách thức nhận biết các vụ lừa đảo
Bất kể dùng loại công nghệ gì để vận hành mô hình Ponzi (ở bất cứ các phiên bản) hoặc các hình thức lừa đảo khác, đều có các đặc điểm tương tự (có thể có 1-2 hoặc tất cả yếu tố): (1) Cam kết mang lại lợi nhuận cao với rủi ro thấp, thậm chí không rủi ro và trả lãi ngay lập tức khi NĐT đóng tiền. Lợi nhuận được hứa hẹn ổn định bất kể điều kiện thị trường. (2) Bao lỗ, bao cháy tài khoản, tuy nhiên chưa ai nhận được đền bù nếu chuyện này xảy ra. (3) Các hình thức đầu tư không được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền. Chi tiết cụ thể của cách thức đầu tư đều được giữ bí mật hoặc được cố ý mô tả rất phức tạp.
(4) Người tham gia không được phép xem các giấy tờ chính thức cho các khoản đầu tư của họ. (5) Giấy tờ không có hoặc có giấy nhưng là của nước ngoài cấp (không có hiệu lực tại Việt Nam), thậm chí là giấy chẳng liên quan được cấp bởi tổ chức nước ngoài để… bán thuốc thú y. (6) Người tham gia hầu như không thể rút được tiền gốc.
(7) Những kiểu lừa đảo này vốn không thể tồn tại lâu (thông thường chỉ được vài tháng tới tối đa 1-2 năm) nên họ sẽ luôn cố gắng tìm mọi cách đưa ra những lợi nhuận cao nhất, với những lời lẽ hoa mỹ nhất đánh vào lòng tham để nhiều người nộp tiền vào nhanh nhất có thể, với thời gian sớm nhất để dự án có thể…bùng sớm.
(8) Cuối cùng những lợi nhuận gấp 3 lần lãi suất ngân hàng thường có mùi lừa đảo.
Phan Dũng Khánh
Sài Gòn Giải Phóng
|