Lợi nhuận doanh nghiệp thủy sản tiếp tục ‘đổ đèo’ trong quý 2
Trong quý đầu năm 2020, các doanh nghiệp thủy sản đa phần đều ghi nhận kết quả kinh doanh “lao dốc” so với cùng kỳ năm trước và quý 2 này cũng không mấy khả quan khi có đến 12/13 doanh nghiệp niêm yết báo lãi giảm, thậm chí thua lỗ.
Doanh nghiệp thủy sản tìm đường đi. Ảnh: Tuấn Trần
|
Doanh nghiệp gặp khó khi thị trường xuất khẩu lao đao
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), dịch Covid -19 không thuyên giảm trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường trong quý 2/2020. Sau khi giảm 16% trong tháng 5 đạt 639 triệu USD, xuất khẩu thủy sản trong tháng 6 tiếp tục giảm 10%, ước đạt 626 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt trên 3.5 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản phẩm thủy sản xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2020 (triệu USD)
Nguồn: VASEP
|
Tình cảnh khó khăn chung của ngành thủy sản tiếp tục được phản ánh rõ hơn vào kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết.
Xuất khẩu cá tra là mảng kinh doanh chủ lực của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (HOSE: ACL), do đó, cũng không quá bất ngờ khi lãi ròng đơn vị này trong quý 2 chỉ hơn 4 tỷ đồng, giảm 93% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, ACL đạt lãi ròng hơn 5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt gần 113 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp thủy sản. Đvt: Tỷ đồng
|
Tương tự, Nam Việt (HOSE: ANV) cũng ghi nhận lãi ròng quý 2/2020 giảm 79% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 32 tỷ đồng. Theo giải trình của ANV, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên doanh thu thuần về bán hàng giảm, giá vốn hàng bán tăng và giá bán giảm.
Trong quý 2, doanh thu từ thị trường xuất khẩu của ANV đạt trên 399 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019. Một điểm đáng chú ý là thị trường nội địa của ANV đã tăng mạnh, vượt cả doanh thu xuất khẩu, tuy nhiên, giá trị vẫn chưa đủ để doanh nghiệp này đảo ngược tình thế trong quý 2.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, ANV ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt giảm 14% và 79% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 1,695 tỷ đồng và hơn 75 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh của ANV qua các quý gần đây. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Một doanh nghiệp khác còn buồn hơn là CTCP Thủy sản MeKong (HOSE: AAM) khi báo lỗ gần 600 triệu đồng trong quý 2/2020. Đây cũng là quý thua lỗ đầu tiên sau 10 quý của doanh nghiệp thủy sản này (kể từ sau quý 3/2017). AAM cho rằng nguyên nhân chủ yếu của việc giảm lợi nhuận là do doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 26 tỷ đồng chủ yếu do doanh thu xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, tuơng đương hơn 1 triệu USD.
Chi phí lãi vay ‘ăn mòn” lợi nhuận
Ảnh hưởng từ dịch bệnh khiến hoạt động kinh doanh khó khăn, tình hình vay nợ để chi trả cho các hoạt động khiến chi phí lãi vay của các doanh nghiệp tăng đột biến.
Điển hình là Camimex Group (Camimex, HOSE: CMX) ghi nhận chi phí lãi vay gấp đôi cùng kỳ, lên gần 15 tỷ đồng làm cho lãi ròng quý 2 sụt giảm đến 62%, xuống còn 18 tỷ đồng.
Trong khi đó, CMX lại đề ra kế hoạch kinh doanh 2020 với tổng doanh thu 1,410 tỷ đồng, tăng 48% và lãi sau thuế 90 tỷ đồng, tăng 16% so với kết quả năm trước. Với kết quả quý 2 ảm đạm như thế, kết thúc nửa đầu năm 2020 CMX chỉ mới thực hiện được 37% kế hoạch lãi sau thuế.
Cùng cảnh ngộ, Kiên Hùng (HNX: KHS) ghi nhận chi phí tài chính tăng 60%, lên hơn 9 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay chiếm đến 90% tổng chi phí tài chính. Vay và nợ thuê tài chính của KHS tính đến cuối tháng 6 ghi nhận hơn 443 tỷ đồng. Khoản vay lớn nhất của KHS là vay gần 164 tỷ đồng của VietinBank – CN Kiên Giang. Qua đó, lãi ròng quý 2 của KHS ghi nhận giảm 73% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 3 tỷ đồng.
Khép lại nửa năm 2020, KHS ghi nhận doanh thu và lãi gộp lần lượt tăng nhẹ 6% và 1% so cùng kỳ, lên gần 559 tỷ đồng và 50 tỷ đồng. Thế nhưng, lãi ròng lại giảm 37%, xuống còn 8.75 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2020, KHS đã thực hiện được 45% kế hoạch doanh thu và 30% kế hoạch lợi nhuận.
Chịu tác động kép từ dịch và giá bán cá tra giảm, Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) báo lãi ròng quý 2 “tụt dốc” gần một nửa, xuống còn 215 tỷ đồng. Doanh thu thuần của VHC cũng giảm 19% so với cùng kỳ, xuống còn 1,630 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh 71% (gần 40 tỷ đồng) và chi phí tài chính tăng đến 78% (hơn 40 tỷ đồng).
Trong bức tranh “nhuộm đỏ” của ngành thủy sản, Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) là doanh nghiệp duy nhất dường như không giảm sút về kết quả kinh doanh nhưng lãi ròng cũng chỉ tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 52 tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý trong kết quả quý 2 của FMC là khoản nợ phải trả tính đến ngày 30/06/2020 tăng đột biến 74% so với hồi đầu năm, lên mức 1,011 tỷ đồng.
Nợ phải trả của FMC qua các quý gần đây. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong đó, nợ vay ngắn hạn của FMC chiếm 73% tổng nợ phải trả. Tính đến ngày 30/06/2020, FMC đang vay VietinBank hơn 407 tỷ đồng và Vietcombank 213 tỷ đồng.
Theo dự báo của VASEP, trong vài tháng tới thương mại thủy sản trên thị trường thế giới chưa có dấu hiệu lạc quan khi dịch Covid-19 bùng phát lần 2 và tăng mạnh tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… Bên cạnh đó, sau tin đồn Virus Corona có trong thủy hải sản nhập khẩu, thị trường Trung Quốc đã bị xáo trộn, giao dịch đình trệ, Trung Quốc siết chặt kiểm tra hàng nhập khẩu, khiến cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam (tôm, cá tra) sang thị trường này cũng bị chững lại và giá giảm.
Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu lạc quan cho xuất khẩu khi doanh số bán lẻ trên thị trường thế giới vẫn ổn định hoặc tăng đối với thủy sản đông lạnh, đóng hộp, ướp và hun khói với thời hạn sử dụng lâu hơn. Giao dịch thủy sản trên thế giới trì trệ vì vận chuyển bị gián đoạn, nhưng xu hướng giao dịch điện tử, bán lẻ online sẽ bù đắp một phần cho sự sụt giảm nhu cầu trên thị trường.
Ngoài ra, hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 01/08/2020 có thể sẽ là một “cú huých” cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng cuối năm, nhất là những mặt hàng được hưởng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.
|
Tiên Tiên
FILI
|