Nếu chỉ đi du lịch trong ngày rồi về, bình quân mỗi du khách Việt chi hơn 1 triệu đồng còn đi dài hơn và nghỉ đêm tại khách sạn, khu nghỉ... thì mỗi người chi đến 1,64 triệu đồng/ngày. Tuy mức chi tiêu này thấp hơn nhiều so với khách quốc tế nhưng với số lượng khách khổng lồ, lên đến 85 triệu lượt vào năm ngoái, mảng nội địa đã đem lại 334.000 tỉ đồng, chiếm 44,3% tổng thu từ khách du lịch của cả nước.
Trước khi dịch bùng phát lần hai hồi cuối tháng Bảy rồi, một lần nữa thị trường nội địa lại chứng tỏ sức bật mãnh liệt, có thể giúp doanh nghiệp phục hồi một phần hoạt động kinh doanh.
Tổng thu từ mảng du lịch quốc tế, nội địa trong giai đoạn 2015-2019 (theo đơn vị ngàn tỉ đồng) do Tổng cục Du lịch tính toán theo phương pháp tài khoản vệ tinh du lịch.
|
Lượng khách tăng cao, nguồn thu còn tăng tốt hơn
Theo Báo cáo Thường niên Du lịch Việt Nam 2019 của Tổng cục Du lịch, vào năm ngoái, cả nước có 85 triệu lượt khách nội địa, tăng 6,3% so với năm trước. Trong giai đoạn 2015 - 2019, lượng khách nội địa tăng gần 1,5 lần, từ 57 triệu lượt của năm 2015 lên 85 triệu lượt vào năm ngoái, tăng bình quân 10,5%/năm.
Lượng khách không những tăng trưởng cao mà nguồn thu từ mảng này còn tăng trưởng ấn tượng hơn. Trong giai đoạn này, nguồn thu từ khách du lịch trong nước tăng đến 2,1 lần, đạt mức tăng trưởng bình quân 21%/năm. Vào năm ngoái, tổng thu từ khách du lịch của cả nước đạt 755.000 tỉ đồng, trong đó mảng nội địa đóng góp 44,3%, tương đương 334.000 tỉ đồng.
Theo tính toán của Tổng cục Du lịch, trung bình mỗi chuyến đi của khách ở tại các cơ sở lưu trú như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay... thường kéo dài 3,57 ngày, với tổng chi phí là 5.854.000 đồng/người/chuyến.
Trong khi đó, những người không nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú mà nghỉ tại nhà người thân, bạn bè thường đi dài ngày hơn 3,96 ngày nhưng chi tiêu ít hơn, chỉ 3.765.000 triệu đồng/chuyến đi.
Với khách đi du lịch trong ngày, chi tiêu bình quân của một người là 1.073.000 đồng.
|
Nhiều doanh nghiệp hàng không, du lịch cho rằng thị trường nội địa ngày càng thể hiện sự tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt là sau thời gian giãn cách xã hội hồi cuối tháng Tư rồi.
Trong hội nghị trực tuyến về du lịch do Tổng cục Du lịch vừa tổ chức, đại diện Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết lượng khách tăng trưởng rất tốt trong ba tháng Năm, Sáu và Bảy vừa qua. Chỉ ba tháng sau khi kết thúc giãn cách, hãng đã mở 22 đường bay nội địa mới. Hãng còn định mở thêm 4 đường bay mới nhưng tạm phải phải gác lại vì đợt bùng phát dịch vừa rồi.
Tại VietJet Air, tốc độ tăng trưởng trong tháng Sáu và tháng Bảy rồi đã vượt đà tăng trưởng của năm trước. Trong ba tháng qua, có những ngày hãng này bay gấp 1,5 lần so với cao điểm Tết, chứng tỏ nhu cầu nội địa rất lớn.
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đánh giá thị trường rất tiềm năng và ước tính hàng triệu du khách trong nước đã đi du lịch từ giữa tháng Năm, khi ngành du lịch và hàng không bắt đầu khuyến mãi thu hút khách đi du lịch trở lại đến khi dịch bùng phát tại Đà Nẵng vào cuối tháng Bảy.
"Du lịch đã bùng nổ từ giữa tháng Năm đến giữa tháng Bảy vừa rồi, ước tính hàng triệu người đã lên đường cho nên chúng ta không nên lo du lịch sẽ chìm xuồng sau đợt bùng phát này", ông nói và cho rằng chỉ cần có chính sách giữ cho doanh nghiệp tồn tại qua giai đoạn khủng hoảng này là ngành du lịch có thể đi lên, nhờ vào thị trường nội địa.
Phục vụ "khách Việt khác" trong đại dịch
Số lượng và tốc độ tăng trưởng khách du lịch nội địa từ năm 2015-2019. Nguồn: Tổng cục Du lịch
|
Trao đổi với TBKTSG Online, nhiều doanh nhân cho biết đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ hơn từ mảng du lịch quốc tế sang mảng nội địa sau đợt bùng phát dịch lần này. Thậm chí, nhiều công ty lữ hành quốc tế xác định, ít nhất là đến hết năm sau, đây sẽ là mảng kinh doanh chính để duy trì doanh nghiệp.
|
Ông Phạm Hà, CEO của Luxury Travel Group, cho biết trước đây công ty chủ yếu làm mảng lữ hành quốc tế nhưng nay xác định mảng nội địa sẽ là chủ đạo cho đến hết năm 2021.
Công ty đã thành lập phòng du lịch nội địa và mở trang web, fanpage trên mạng xã hội Facebook để phục vụ riêng cho lượng khách này.
"Với đợt bùng phát dịch lần hai này, thời điểm mở lại thị trường quốc tế ngày càng xa hơn, nếu không thích ứng nhanh thì sẽ không thể tồn tại", ông nói.
Cũng như nhiều người khác, ông Hà cho rằng xu hướng du lịch của khách trong nước sẽ thay đổi rất lớn sau dịch bệnh. Khách hàng sẽ ngại đi du lịch bằng máy bay, đi du lịch ngắn ngày hơn, thích về với thiên nhiên hơn nên nhà điều hành tour cần phải thay đổi để có sản phẩm phù hợp.
"Chúng tôi vừa chào một số tour như Huyền thoại vịnh Bắc Bộ kết hợp các điểm thanm quan ở Hà Nội, Nam Định và Cát Bà theo câu chuyện của doanh nhân nổi tiếng Bạch Thái Bưởi và đang chuẩn bị đưa ra các tour đi Đông Bắc, Tây Bắc mùa lúa chín để đáp ứng nhu cầu này", ông Hà nói.
Trong một sự kiện gần đây tại TPHCM, Google châu Á - Thái Bình Dương cũng đã có thông tin tương tự, cho biết đại dịch đã làm thay đổi sự quan tâm của khách hàng. Nhiều người cho biết, chuyến du lịch ưu tiên sau Covid-19 là chuyến đi đến những điểm đến gần nhà, đến các điểm du lịch gần với thiên nhiên hơn như biển.
Thêm vào đó, với nhiều người, chuyện điểm đến có món gì ngon, có được tặng rượu hay không còn quan trọng bằng việc đến đó có vệ sinh và được tặng khẩu trang hay không. Với thị trường Việt Nam, kênh tìm kiếm này ghi nhận số lượng tìm kiếm liên quan đến dịch vụ homestay tăng đến 180% trong tháng Sáu rồi, chứng tỏ du khách đang tìm cách làm sao để có thể đi du lịch một cách kinh tế và ít tốn kém nhất.
"Đây là những thông tin doanh nghiệp cần xem xét để điều chỉnh, tái cơ cấu sản phẩm du lịch", bà Hà Lâm Tú Quỳnh, Giám đốc Truyền thông và Quan hệ Công chúng phụ trách thị trường Việt Nam của Google châu Á-Thái Bình Dương
Tại TPHCM, sau giãn cách, nhiều công ty lữ hành cũng đưa ra hàng loạt tour đến các điểm đến gần thành phố như Tiền Giang, Cần Thơ, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu... nhằm đáp ứng nhu cầu đi du lịch gần và tiết kiệm của khách hàng. Tuy thị trường hiện đang đứng lại do dịch vừa bùng phát nhưng nhiều nhà điều hành tour cho biết dòng sản phẩm này sẽ tiếp tục được phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Nhiều doanh nghiệp cũng chú trọng hơn đến công tác bảo đảm an toàn phòng dịch cho du khách, không chỉ bằng cách huấn luyện quy trình du lịch an toàn cho nhân viên, tặng khẩu trang, nước diệt khuẩn cho khách hàng mà còn tăng cường các dịch vụ hạn chế tiếp xúc để tránh lây nhiễm.
Vài ngày trước, chuỗi khách sạn nhỏ Boutique Chez Mimosa đã thực hiện hình thức nhận và trả phòng gián tiếp. Với hình thức này, khách hàng và nhân viên khách sạn sẽ liên lạc trước để lấy thông tin. Sau đó, khách sẽ đến khách sạn tự lấy chìa khóa mở cửa phòng cùng tờ hướng dẫn sử dụng dịch vụ đã được chuẩn bị trước.
Lúc trả phòng cũng vậy, khách cần chuyển khoản thanh toán và gửi lại chìa khoá đúng nơi quy định, không cần tiếp xúc trực tiếp với nhân viên để hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm dịch bệnh.