Thứ Hai, 17/08/2020 06:21

Hàng không rục rịch bán vé tết sớm

Bất chấp dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp và gần nửa năm nữa mới đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các hãng hàng không đã bắt đầu “tung” hàng triệu vé máy bay tết ra thị trường.

Các hãng hàng không bắt đầu bán vé Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sớm, nhưng không có vé giá rẻ ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Không có vé rẻ

Là hãng hàng không mở bán vé tết sớm nhất, ngày 12.8, Vietjet Air chính thức phát đi thông báo mở bán tới 1,5 triệu vé tết trên hơn 50 đường bay nội địa phủ khắp cả nước. Ngay sau đó, Bamboo Airways cũng nhanh chóng “đăng đàn” mở bán 1,2 - 1,5 triệu vé máy bay tết 2021 trên tất cả đường bay nội địa, thời gian bay từ ngày 22.1 - 28.2.2021.

Trong thông báo phát đi, các hãng đều khuyến cáo hành khách mua vé đặt chỗ càng sớm càng có nhiều cơ hội mua vé giá rẻ. Thế nhưng không ít hành khách thất vọng vì ngay sau ngày đầu tiên mở bán, vé máy bay một số chặng đã leo gần chạm trần.

Tham khảo giá vé chặng “hot” từ TP.HCM ra Hà Nội ngày 7.2.2021 (tức 26 tháng chạp), 22 chuyến bay của Vietjet đều có giá loại vé tiết kiệm hơn 2,1 triệu đồng/chiều, giá vé linh hoạt là 3,3 triệu đồng, cộng thêm thuế, phí lên gần 4,1 triệu đồng/chiều. Cùng ngày, 10 chuyến bay từ TP.HCM - Đà Nẵng và 10 chuyến trở về vào ngày 16.2.2021 (tức mùng 5 tết), giá vé từ 1,7 triệu đồng đến gần 3 triệu đồng theo từng hạng. Cao nhất có lẽ là chặng TP.HCM - Vinh với chỉ 5 chuyến bay, giá vé 1 chiều là 3,35 triệu đồng cho hạng vé tiết kiệm, gần 4,1 triệu đồng cho hạng sky boss.

Cũng trong ngày 7.2.2021, Bamboo Airways có 9 chuyến bay từ TP.HCM - Hà Nội. Đáng chú ý, dù mới mở bán được vài ngày, hãng đã báo hết vé hạng tiết kiệm, chỉ còn vé plus (hạng phổ thông linh hoạt) giá 3,426 triệu đồng/chiều, các chuyến bay cũng chỉ còn từ 1 - 5 ghế tùy khung giờ, và 5,752 triệu đồng hạng thương gia. Số ghế còn lại cũng rất ít. Chiều ngược lại, bay từ Hà Nội - TP.HCM ngày mùng 5 tết giá còn “chát” hơn: 3,64 triệu đồng/vé hạng plus, gần chạm trần.

Đối với chặng TP.HCM - Đà Nẵng những ngày giáp tết, hãng hàng không này chỉ bán 1 - 2 chuyến/ngày, giá 2,54 triệu đồng/chiều hạng plus, 4,267 triệu đồng hạng thương gia, hạng vé tiết kiệm cũng đã báo hết vé.

Mặc dù chưa thông báo mở bán vé tết nhưng Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng đã sẵn sàng nhiều chuyến bay trong giai đoạn này. Trên chặng TP.HCM - Hà Nội từ ngày 26 - 29 tháng chạp (7 - 10.2.2021), giá vé luôn giữ ở mốc 3,592 triệu đồng/chiều, bất kể chuyến bay lúc 5 giờ, 23 giờ hay vào “giờ vàng”.

Sẽ linh hoạt chính sách đổi/trả vé do dịch

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện một hãng hàng không cho biết trong 1 năm, ngành hàng không có 2 giai đoạn cao điểm để “hốt bạc” là mùa du lịch hè và mùa tết. Trong 2 mùa này, các hãng hàng không luôn cố gắng tăng số chuyến bay đáp ứng tối đa nhu cầu của hành khách nhưng do nhiều yếu tố, chắc chắn cung vẫn không thể đủ cầu.

Vì thế theo đúng cơ chế thị trường, không thể có vé giá rẻ. Bên cạnh đó, do nhu cầu quá cao nên hầu hết khách hàng hiện nay không còn ngồi đợi hãng mở bán mới vào mua mà họ đặt trước qua các đại lý, khi hãng vừa chính thức tung vé, đại lý sẽ đăng ký ngay, “hốt” dải vé rẻ hơn nên dẫn tới tình trạng vừa mở bán đã hết vé giá rẻ.

“Nhu cầu đi lại dịp tết rất cao, vì thế mọi người nên quan tâm còn chỗ hay không trước khi nghĩ tới mua được giá rẻ hay không. Đặc biệt, năm nay thị trường có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tháng 7, số lượng khách mà chúng tôi vận chuyển tăng gấp đôi nhưng doanh thu chỉ bằng một nửa. Giảm giá kích cầu du lịch, giá vé bình quân chặng TP.HCM - Hà Nội giảm chỉ còn 1 triệu đồng/chiều, trong khi mức bình thường là 2 triệu đồng/chiều. Chưa được bao lâu thì dịch lại bùng phát, ngành hàng không chỉ còn trông chờ vào mùa tết để cố vớt vát lại. Khách hàng cũng không nên trông chờ vào đợt kích cầu mới vì về quê ngày tết là nhu cầu bắt buộc, không giống nhu cầu đi chơi sau dịch nên chắc chắn sẽ không có khuyến mãi, kích cầu”, vị này cảnh báo.

Việc các hãng mở bán hàng triệu vé nội địa, trong đó có chặng bay đến Đà Nẵng - nơi đang thực hiện giãn cách xã hội - khiến không ít khách hàng lo ngại về chính sách đổi/trả vé trong trường hợp dịch bệnh thời điểm tết vẫn chưa được kiểm soát. Chưa kể, trước đó một số hãng hàng không đồng loạt tự ý mở bán vé nội địa sau khi hết “lệnh” cách ly toàn xã hội ngày 15.4 mà chưa được Cục Hàng không cấp phép, càng khiến khách hàng thêm phân vân.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết theo thông lệ các hãng được bán vé trước và trong vòng 12 tháng trở lại. Khoản 3 điều 112 luật Hàng không dân dụng cho phép các hãng hàng không kinh doanh vận chuyển hành khách sau khi được cấp quyền vận chuyển hành khách, nên các hãng có quyền bán vé phù hợp với quyền vận chuyển hành khách được cấp.

Đại diện các hãng hàng không cũng khẳng định lịch khai thác sẽ được điều chỉnh theo tình hình thực tế của dịch bệnh trên nguyên tắc đảm bảo linh hoạt quyền lợi đổi/hoàn vé cho khách hàng theo đúng quy định.

Mai Hà

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp Logistics ‘đứng hình’ trong quý 2 (19/08/2020)

>   Kế hoạch lợi nhuận ngân hàng có dễ về đích? (24/08/2020)

>   Lãi lớn trong quý 2, kết quả bán niên của Bất động sản Netland vẫn sụt giảm (17/08/2020)

>   TCM đạt 138 tỷ đồng lãi sau thuế trong 7 tháng đầu năm (17/08/2020)

>   MSB: Lãi trước thuế nửa đầu năm 2020 đạt trên 970 tỷ đồng (15/08/2020)

>   DGC: BCTC Soát xét 6 tháng đầu năm 2020 (14/08/2020)

>   CTS: BCTC quý 2 năm 2020 (14/08/2020)

>   CLL: BCTC Tóm tắt 6 tháng đầu năm 2020 (14/08/2020)

>   BCE: BCTC Soát xét 6 tháng đầu năm 2020 (14/08/2020)

>   APC: BCTC quý 2 năm 2020 (14/08/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật