Đồng USD yếu có thể dẫn dắt dòng vốn nước ngoài đến với chứng khoán châu Á
Đà trượt dốc của đồng USD đang củng cố thêm cho đà hồi phục của chứng khoán châu Á, bất chấp những nỗi lo về dịch Covid-19.
Đồng USD giảm 4% trong tháng 7/2020 và có thể châm ngòi cho dòng vốn chảy vào thị trường châu Á, các nhà quản lý quỹ và chiến lược gia cho biết. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương tăng 4 tháng liên tiếp trong ngày thứ Sáu (31/07), nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ. Cổ phiếu Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. tích tắc vào top 10 công ty đáng giá nhất thế giới trong tuần qua. Samsung Electronics vọt 7% nhờ công bố kết quả lạc quan hơn dự báo.
“Đà suy yếu của đồng USD thường tác động tích cực đến thị trường cổ phiếu châu Á”, Ayaz Ebrahim, Chuyên gia quản lý danh mục tại JPMorgan Asset Management ở Hồng Kông, cho hay. “Lợi nhuận của các công ty châu Á sẽ có giá hơn khi xét bằng đồng USD, và dĩ nhiên nó báo hiệu nhu cầu đầu tư vào thị trường này sẽ cao hơn”.
Triển vọng của một số nền kinh tế châu Á đang dần hồi phục, mặc dù nhịp độ vẫn còn bất ổn vì đại dịch. Chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc đang cho thấy sự đi lên, trong khi sản lượng công nghiệp tháng 6/2020 của Hàn Quốc cao hơn dự báo.
“Các nền kinh tế châu Á mới nổi sẽ tiếp tục là một trong những điểm sáng nhất trong bức tranh hồi phục toàn cầu, và chúng tôi đang thấy điều đó tại Trung Quốc”, Emily Weis, Chiến lược gia vĩ mô tại State Street ở Boston, cho hay.
Tăng tỷ trọng tại châu Á
Các chiến lược gia tại Sanford C. Bernstein gần đây chuyển sang tăng tỷ trọng tại các thị trường mới nổi lần đầu tiên trong 2 năm, đồng thời cho biết họ thích thú với các quốc gia đang phát triển tại châu Á.
Mặc dù dòng vốn nước ngoài chảy vào chứng khoán châu Á khá yếu trong năm nay, nhưng gần đây đã xuất hiện những tín hiệu tích cực. Trong tuần kết thúc ngày 29/07, khối ngoại mua cổ phiếu Hàn Quốc mạnh nhất trong năm 2020. Trong khi đó, Nhật Bản chứng kiến dòng vốn từ nước ngoài chảy vào thị trường lần đầu tiên kể từ tháng 1/2020, dựa trên dữ liệu từ EPFR Global.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|