Thứ Sáu, 28/08/2020 07:40

Đóng cửa cả loạt, cảnh chưa từng có trên phố hàng sang Hà Nội

Được giảm 50% giá thuê mặt bằng sau khi thương lượng với chủ nhà, nhưng cửa hàng thời trang của anh Tuấn vẫn phải đóng cửa.

Kinh doanh thời trang trên quận Hai Bà Trưng được hơn 5 năm nhưng anh Hoàng Đức Tuấn (chủ shop thời trang nam), đã phải nói lời chia tay với thị trường. Sau khoảng thời gian đi làm ở doanh nghiệp, anh đổi hướng sang kinh doanh tự do. Có nguồn hàng từ bạn bè ở nước ngoài, anh Tuấn đã mở shop thời trang nam, khởi điểm từ kinh doanh online.

Khi quyết định mở cửa hàng, anh Tuấn đắn đo khá lâu vì tiền thuê mặt bằng chiếm phần lớn nguồn vốn, song lợi thế có được là tiếp cận thêm nhiều khách hàng. Mức giá thuê thời điểm đó là 10 triệu đồng/tháng, tăng dần theo năm. Kinh doanh lay lắt một thời gian, anh bắt đầu có lãi từ năm thứ ba.

Tới năm 2019, các cửa hàng thời trang bắt đầu bị ảnh hưởng bởi các thương hiệu quốc tế có mặt tại Việt Nam. Dù liên tục đổi mẫu mã và chương trình khuyến mại nhưng doanh thu của cửa hàng đều không tăng.

Đua nhau đóng cửa vì thu không đủ duy trì (Ảnh: D.A)

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 một lần nữa khiến tình hình kinh doanh thời trang ngày càng bết bát. Từ đầu năm tới nay, các cửa hàng sụt giảm cả lượng khách lẫn nguồn thu.

Anh Tuấn cho hay: “Sau khi đàm phán với chủ nhà, mình đã được giảm tới 50% giá thuê vì đã gắn bó lâu dài. Chủ nhà có thiện chí hỗ trợ, tuy nhiên hiện doanh thu của cửa hàng không đủ bù chi phí nhân viên, điện nước. Trong khi đó, nguồn hàng cũ còn tồn đọng nhiều mà mẫu mới mình không dám lấy thêm về”.

Doanh thu cửa hàng mặt phố bị ảnh hưởng nặng nề, giảm khoảng 50%, trong đó giá thuê chiếm đến 50% tổng chi phí hoạt động. Sau khi tìm đối tác để chuyển nhượng không được, anh uấn đành phải thanh lý để tìm hướng đi mới.

Lý giải về tình trạng đóng cửa hàng loạt trên các tuyến phố lớn, chủ sở hữu một nhà hàng ẩm thực trên quận Thanh Xuân (Hà Nội) giải thích, giá thuê mặt bằng có giảm nhưng quan trọng nhất là hoạt động kinh doanh ế ẩm.

Đầu ra không có mà chi phí lại không cắt giảm được khiến nhà hàng không cách nào duy trì hoạt động. Việc đóng cửa là điều bất khả kháng vì lượng khách hàng trong 4 tháng gần đây giảm mạnh. Thời điểm tháng 4-5, khách hàng chỉ còn chưa đến 10%.

Những con phố vắng lặng

Báo cáo thị trường bất động sản mặt bằng bán lẻ của Savills nhận định, dịch bệnh Covid-19 "tàn phá" mạnh hơn với thị trường bán lẻ mặt phố, dễ nhận thấy là sự đóng cửa của hàng loạt cửa hàng kinh doanh.

Những địa điểm có hoạt động kinh doanh nhộn nhịp như khu vực trung tâm Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ, trước đại dịch được biết đến với tình trạng luôn hiếm mặt bằng cho thuê và giá thuê tương đối cao. Tuy vậy, dịch bệnh đã khiến gần 50% số lượng khách thuê trả lại mặt bằng.

Bên cạnh đó, lệnh đóng cửa, kiểm soát biên giới của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng nặng tới nguồn cung cấp hàng cho các hoạt động kinh doanh tại khu phố trung tâm, khiến cho việc tiếp tục bán hàng gần như không thể.

Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến tình trạng vắng khách thuê của bất động sản bán lẻ mặt phố, đặc biệt tại các khu vực kinh doanh sầm uất của Hà Nội sau đại dịch, bà Hoàng Diệu Trang, Quản lý cấp cao Dịch vụ cho thuê thương mại, Savills Hà Nội, nhìn nhận thực tế này là hệ quả của 2 nguyên nhân chính: sự gián đoạn chuỗi cung ứng và sự tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của chủ thuê.

Một lý do quan trọng khác nằm ở các hoạt động kinh doanh dịch vụ và du lịch tại phố cổ, trong trường hợp không có khách, việc cố gắng giảm giá cho thuê cũng chưa đủ để duy trì hoạt động kinh doanh tại đây.

“Ngành thời trang với nguồn hàng nhập từ Trung Quốc, phục vụ giới trẻ thường tập trung nhiều ở trục phố Hàng Bông, Kim Mã, cùng 2 mảng thị trường lớn ở Cầu Giấy và Đống Đa, khi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, đó sẽ là ảnh hưởng mang tính dây chuyền”, bà Trang nhấn mạnh.

Để hỗ trợ khách thuê, chủ nhà đang cân nhắc điều chỉnh ngắn hạn về chính sách thuê nhằm hỗ trợ những khách thuê đang gặp khó khăn bao gồm: giảm giá thuê, miễn tiền thuê theo giai đoạn, gia hạn thời điểm thanh toán giá thuê, hoặc chuyển sang hình thức trả giá thuê theo tháng.

Trong khi đó, các chủ cửa hàng cũng phải tìm cách giảm bớt gánh nặng như chia sẻ mặt bằng chung với các đối tác khác. Chủ cửa hàng thực phẩm ở khu Linh Đàm đã dành một nửa diện tích cho hiệu giặt là và quầy đồ ăn nhanh vào buổi sáng với hy vọng kiếm thêm nguồn kinh phí để trả tiền thuê nhà.

Duy Anh

Vietnamnet

Các tin tức khác

>   Quảng Nam hết cách ly xã hội (28/08/2020)

>   An Lạc khởi kiện Auchan: Viện KSND đề nghị chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện (27/08/2020)

>   Gần 20 tỉ USD vốn ngoại rót vào Việt Nam sau 8 tháng (27/08/2020)

>   'Vỡ mộng' nguồn điện vô tận: Bỏ gần 100 triệu, một năm thu 9 triệu (27/08/2020)

>   Doanh thu từ thương mại điện tử tăng vọt trong thời kỳ COVID-19 (27/08/2020)

>   Khối nợ khổng lồ của một thành viên trong 'hệ sinh thái' Vạn Thịnh Phát (27/08/2020)

>   Hàng không hụt nguồn thu cao điểm hè (27/08/2020)

>   Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op nộp đơn từ nhiệm (27/08/2020)

>   'Cả nước trông cậy rất lớn vào nguồn thu của TP.HCM' (27/08/2020)

>   Chặn đường 10 tấn bánh trung thu Trung Quốc vào Việt Nam (26/08/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật