Đằng sau đà tăng của giá vàng: Cú huých từ đồng USD
Vàng thế giới đang leo dốc khi đại dịch Covid-19 hoành hành trên khắp thế giới và đồng USD suy yếu.
Theo Hiệp hội Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng trang sức tại Trung Quốc đã giảm 52% trong nửa tháng đầu năm 2020. Đối với Trung Quốc, vàng là biểu tượng cho sự giàu có và địa vị, nhưng đại dịch Covid-19 giáng đòn quá nặng đến nền kinh tế, khiến địa vị không còn là ưu tiên hàng đầu của người dân.
Thậm chí trong tháng 5/2020, sau khi Trung Quốc chấm dứt phong tỏa, tỷ lệ thất nghiệp tăng ở 31 thành phố, qua đó kéo lượng tiêu thụ giảm mạnh.
Tại Ấn Độ – nơi vàng cũng được những người tìm kiếm địa vị xem trọng, nhu cầu vàng trang sức trong 6 tháng đầu năm giảm 60% so với cùng kỳ. Tại đây, tỷ lệ thất nghiệp cũng leo thang và lượng tiêu thụ đi xuống, khiến người dân không còn đủ điều kiện để mua trang sức.
Ở chiều ngược lại, dòng vốn đầu tư đang đổ vào vàng. Tại New York, hợp đồng vàng tương lai vượt ngưỡng 2,000 USD/oz vào cuối tháng 7/2020.
Trong 7 tháng đầu năm, các quỹ ETF vàng hút ròng 49.1 tỷ USD, trong đó 95% đến từ dòng vốn của các nước phương Tây.
Các chuyên viên phân tích tại Bank of America gần đây tung ra một báo cáo cho thấy họ đặt mục tiêu giá vàng ở mức 3,000 USD/oz trong 18 tháng tới.
Trong tháng 3/2020, Fed thông báo gói nới lỏng định lượng mới và bắt đầu mua trái phiếu Chính phủ và doanh nghiệp Mỹ. Ngoài ra, Cơ quan này cũng bắt đầu cung cấp đồng bạc xanh cho các ngân hàng trên khắp thế giới thông qua các thỏa thuận hoán đổi.
Kết quả là Fed đang bơm lượng lớn USD ra thị trường thế giới. Cơ sở tiền tệ – vốn đo lường lượng tín dụng mà Fed tung ra thị trường – tăng lên hơn 5,000 tỷ đồng USD trong tháng 5, leo dốc 50% so với tháng 2/2020. Tổng cơ sở tiền tệ và tổng lượng USD nằm trong dự trữ của các ngân hàng trên khắp thế giới là 8 ngàn tỷ USD trong tháng 5/2020, một mức cao chưa từng có.
“Đà tăng của giá vàng đang diễn vì đồng USD đang suy yếu”, Naokazu Koshimizu, Chuyên gia kinh tế tại Nomura Securities, cho hay.
Khi nguồn cung USD tăng mạnh, giá trị của đồng bạc xanh suy giảm trên thị trường ngoại hối. Chỉ số tỷ giá hoán đổi USD suy yếu từ tháng 7/2020, rơi xuống thấp nhất kể từ tháng 5/2018 và giảm 30% so với thời điểm tháng 3/2020.
Vì đại dịch Covid-19, thị trường tài chính kỳ vọng các chính quyền và ngân hàng trung ương tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa trong thời gian tới. Tại Mỹ, nhà đầu tư đang xem xét đến chi tiêu công và các đợt phát hành trái phiếu – vốn sẽ đòi hỏi Fed phải tiếp tục mua lượng lớn trái phiếu Chính phủ Mỹ và từ đó tiếp tục in thêm tiền.
Kết quả là lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức 0.5%, mức thấp nhất từ trước đến nay, và giá vàng đang leo dốc.
Trong khi đó, đại dịch Covid-19 đang lây lan mạnh mẽ ở khu vực châu Á và châu Âu, qua đó kìm hãm nền kinh tế toàn cầu và khiến các động thái của Fed trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Liệu việc nới lỏng định lượng quyết liệt có làm ảnh hưởng đến vị thế của đồng USD? Đây là những gì mà nhà đầu tư và chuyên viên phân tích đang suy ngẫm. Takehiro Noguchi, Chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Mizuho, cho biết thị trường tài chính đang truyền tải một thông điệp: Rủi ro đang len lõi khắp nẻo đường.
"Các động lực tăng cơ bản với vàng vẫn tích cực, nhưng về mặt kỹ thuật, kim loại quý này đã ở ngưỡng quá mua. Vàng có thể gặp điều chỉnh trong ngắn hạn, kiểm tra lại ngưỡng 2.000 USD hoặc điểm đột phá 1.925 USD trước đây", Colin Cieszynski, chiến lược gia thị trường của SIA Wealth Management, nhận xét.
* Đồng USD sắp chạm đáy?
* Đồng USD yếu có thể dẫn dắt dòng vốn nước ngoài đến với chứng khoán châu Á
* Ngân hàng Mỹ: 'Đồng USD có nguy cơ đánh mất vị thế độc tôn'
* Thập niên tăng giá của đồng USD sắp đến hồi kết?
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asian Review)
FILI
|