Đã có những 'rạn vỡ' niềm tin từ các nhà đầu tư Trung Quốc!
Một số nhà đầu tư chứng khoán dường như đã “cân nhắc lại” số cổ phần đầu tư tại hai gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent và Alibaba sau lệnh trừng phạt từ chính quyền Donald Trump.
* Sau TikTok và WeChat, Alibaba sẽ là mục tiêu kế tiếp của ông Trump?
* Ông Trump cấm WeChat, iPhone của Apple có thể chết tại Trung Quốc
Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố lệnh cấm sâu rộng các giao dịch của Mỹ với Tencent Holdings, chủ sở hữu của ứng dụng WeChat và Bytedance, công ty sở hữu ứng dụng chia sẻ video TikTok, với lý do đe dọa an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, có vẻ như Alibaba cũng đang bị vạ lây...
Một số các nhà đầu tư lo lắng lệnh cấm của Washington có thể kìm hãm tiềm năng tăng trưởng của một số công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc.
|
“Tôi đã hình dung ra một Tencent toàn cầu, một Alibaba sánh vai cùng Amazon nhưng bây giờ, tôi chỉ có thể nghĩ đến các phiên bản Đông Nam Á”, Zhu Haifeng, người đang có hàng triệu nhân dân tệ trong các công ty Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài, chia sẻ.
Giống như các nhà đầu tư khác, Zhu Haifeng lo lắng rằng động thái hạn chế các công ty công nghệ đại lục của Washington có thể kìm hãm tiềm năng tăng trưởng của họ. Mối quan tâm đó đã khiến cổ phiếu của Tencent và Alibaba giảm khoảng 5% mỗi loại vào tuần trước, dù trước đó vẫn tăng trưởng đều đặn.
Theo lệnh hành pháp của Donald Trump, bất kỳ giao dịch nào liên quan đến WeChat và TikTok sẽ bị cấm ở Hoa Kỳ. Chính quyền Trump tuần trước cũng đã công bố mở rộng sáng kiến “Mạng sạch” nhằm ngăn chặn nhiều ứng dụng và công ty viễn thông Trung Quốc truy cập thông tin nhạy cảm về công dân và doanh nghiệp Mỹ, nhắm vào các công ty như Tencent, Alibaba và Huawei.
Cú đánh mới nhất xảy ra khi mối quan hệ giữa hai cường quốc đã trở nên căng thẳng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
“Về cơ bản, đó không phải là một cú sốc lớn đối với thu nhập. Nhưng hiện tại, tôi nghĩ thị trường vẫn đang cố gắng chấp nhận thông tin này vì bối cảnh chính trị”, Paul Sandhu, người đứng đầu khu vực Châu Á Thái Bình Dương về các giải pháp định lượng đa tài sản tại BNP Paribas Asset Management cho biết. Bên cạnh đó, Paul Sandhu cũng đưa ra một dự báo “khó lường và nhiều biến động” của thị trường sắp tới.
Ở một quan điểm khác, công ty môi giới CLSA cho biết, việc cổ phiếu Tencent và Alibaba giảm đại diện cho cơ hội mua vào và lệnh cấm của chính phủ Mỹ chỉ có tác động nhỏ vì nước này chỉ đóng góp ít hơn 3% vào doanh thu chung của mỗi công ty.
Tuy nhiên, Morgan Stanley - ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán có trụ sở chính tại Mỹ, một trong những thể chế tài chính lớn nhất của thế giới cho biết, những rủi ro mà các công ty của Trung Quốc này có thể sẽ bị “khuếch đại đáng kể" nếu lệnh cấm của Hoa Kỳ mở rộng đến nhiều doanh nghiệp hoặc cấm các công ty công nghệ Trung Quốc đầu tư vào Mỹ.
Morgan Stanley cũng cho rằng: “Toàn cầu hóa là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng đối với cổ phiếu Internet Trung Quốc khi tốc độ tăng trưởng người dùng giảm và cạnh tranh gia tăng ở Trung Quốc”.
Tencent, công ty có hơn một phần ba doanh thu từ game, đã đầu tư vào một số studio trò chơi điện tử ở nước ngoài như Riot Games và Supercell, đồng thời cũng hợp tác với nhiều công ty game phương Tây ở Trung Quốc và châu Á.
Một nhà quản lý quỹ có trụ sở tại Thượng Hải, người sở hữu cổ phiếu Tencent, cũng cho biết các lệnh trừng phạt đang “phủ bóng đen” lên thị trường giao dịch cổ phiếu.
Vẫn còn chưa thể đưa ra kết luận những tác động thật sự từ lệnh trừng phạt của chính quyền Donald Trump đối với các ứng dụng và các công ty Trung Quốc trong thời gian tới. Tuy nhiên, có vẻ mọi thứ đã khởi đầu bằng sự “rạn vỡ” niềm tin từ những nhà đầu tư và theo một số nhận định từ các chuyên gia, tình trạng “giậu đổ bìm leo” có thể sẽ tới nếu cuộc chiến công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xảy ra.
Nguyễn Chuẩn
Diễn đàn Doanh nghiệp
|