Thứ Hai, 10/08/2020 13:40

Covid-19 khiến bao phận đời khốn đốn trụ lại Sài Gòn: 'Tết này chắc không về'

Dịch Covid-19 trở lại khiến áp lực cơm áo, gạo tiền càng nặng nề với các công nhân ly hương vào TP.HCM kiếm sống. Đa số đều cười trừ và lắc đầu trước câu hỏi: “Tết năm nay có về quê ăn tết?”.

Covid-19 khiến bao phận đời khốn đốn trụ lại Sài Gòn: 'Tết này chắc không về'
Cả gia đình chị Xí đã 3 năm không về quê ăn Tết. Ảnh: Trần Kim Anh

Cuộc sống của người lao động từ các tỉnh vào TP.HCM làm công nhân đã không khấm khá nay lại còn chênh vênh hơn khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến công nhân bị giảm giờ làm, giảm thu nhập. Ước mơ về quê ăn Tết với một số người cũng vì thế mà trở nên xa vời.

Một thập kỷ tha hương

Ông Trần Xuân Vinh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) kể không ít công nhân đã thuê trọ của ông hơn một thập kỷ từ khi ông vừa xây dựng nên dãy trọ đến nay. Tại khu trọ của ông Vinh, đã rất nhiều công nhân vào Sài Gòn từ khi độc thân đến khi lập gia đình, có với nhau 2 - 3 mặt con.

Chúng tôi vào căn phòng trọ đầu tiên của chị Lê Thị Xí (45 tuổi, quê Quảng Trị). Chị Xí rời quê vào công nhân tại Sài Gòn hơn 10 năm nay. Chị kể vợ chồng chị cùng quê, quen nhau, cưới nhau ở Quảng Trị sau đó vào TP.HCM làm ăn, sinh sống, có với nhau 2 mặt con. Vì ở quê nhà khó khăn quá, không có việc làm để lo cho con nên khăn gói vào thành phố với mong muốn có một cuộc sống tốt hơn.

Chị Xí muốn về thăm quê nhưng lại không có đủ tiền để cả gia đình cùng về. Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Mười năm nay, số lần chị Xí và chồng con về quê không được bao nhiêu, chị thở dài: “Ít ỏi lắm cô, chúng tôi phải có dịp quan trọng mới có thể về quê được. Ba năm liền gia đình tôi đã không về quê ăn Tết rồi, tiền đâu mà về, mỗi lần về là phải có hơn 10 triệu mới về. Dù nhớ nhà, nhớ quê hương lắm nhưng đành chịu. Trước đây làm ăn tiết kiệm cả năm mới có tiền về một chuyến cuối năm ăn Tết, giờ thì…”.

Chị Xí làm việc tại một công ty tại Q.Thủ Đức (TP.HCM), từ khi dịch bệnh bùng phát, công ty khó khăn nên mỗi tuần chị chỉ được làm 2 ngày, có tuần chỉ được 1 ngày. Tình hình này đã tiếp diễn 2 tháng nay.

Gia đình chị Xí gồm 2 vợ chồng và hai con đã không về thăm quê 3 năm nay. Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Cũng là một công nhân đã có hơn 23 năm làm việc tại một khu công nghiệp (KCN) ở Q.Thủ Đức, thay vì ở nhà chăm sóc con thì chị Nguyễn Thị Tuyên (48 tuổi, quê Thanh Hóa) lại là người gồng gánh gia đình. Chị một mình vào Sài Gòn làm công nhân với mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn để gửi về lo cho việc học của hai đứa con ở quê.

Làm được bao nhiêu, chị đều tích góp để vài tháng gửi về quê cho chồng cùng với bố mẹ chồng để lo cho hai đứa nhỏ. Với chị, Sài Gòn là nơi để chị kiếm tiền chứ không phải nơi để chị sinh sống cả cuộc đời vì thế mà chị chưa bao giờ nghĩ đến việc mua nhà ở vùng đất này.

Bữa cơm gia đình đạm bạc của gia đình chị Xí. Ảnh: Trần Kim Anh

“Ở Sài Gòn ở một mình tiết kiệm còn có tiền gửi về quê chứ nếu cho con học hành ở đây thì khó khăn lắm nên đành để con ở quê chứ có người mẹ nào lại muốn xa con bao giờ. Giờ công ty cứ cho nghỉ gián đoạn 1 - 2 ngày nên không về quê được. Về quê thì cũng khổ mà ở đây cũng khổ nên mình bám được ngày nào hay ngày đó. Giờ chỉ mong hết dịch để đi làm lại bình thường”, chị tâm sự.

“Tết nay chắc không về!”

Ngoài các chi phí tiền ăn uống, tiền trọ mỗi tháng, hầu như các công nhân đều tích góp từ đầu năm bằng cách mỗi tháng để dành một ít để cuối năm có đủ tiền xe, tiền quà cáp để về quê ăn Tết. Mỗi năm chị Tuyên chỉ về quê một lần, thường là dịp Tết chị sẽ về khoảng 15 ngày rồi trở vào làm tiếp.

Một mình ở Sài Gòn về quê dịp tết đã khó huống chi là những người sống ở Sài Gòn cả gia đình như chị Xí.

“Từ đầu năm đến giờ tiền ăn vợ chồng còn lo không đủ nên không hề dám nghĩ đến chuyện có tiền tiết kiệm về quê ăn Tết này, dù là 4 năm hay nhiều hơn đi nữa chúng tôi cũng chịu. Chắc tôi phải mơ trúng số may ra mới mới về được”, chị Xí tâm sự.

Xóm trọ vẫn rất đông người ở lại dù nhiều công nhân hiện nay bị giảm giờ làm. Ảnh: Trần Kim Anh

Con trai đầu của chị Xí là Phan Hữu Chí được sinh ra ở Sài Gòn, năm nay đã 17 tuổi nhưng ký ức của em về quê hương Quảng Trị dường như rất mờ nhạt. Nghe mẹ kể chuyện về quê ăn Tết, Chí đang chơi game ở một góc phòng bày tỏ: “Từ khi sinh ra, em mới được về quê duy nhất 1 lần, khi đó còn rất nhỏ nên giờ em chỉ nhớ mơ hồ về vùng quê ấy, giọng Quảng Trị em cũng không nói được”.

Căn phòng trọ nhỏ, chật hẹp là nơi nhiều hộ gia đình sinh sống tạm bợ suốt hơn 1 thập kỷ. Ảnh: Trần Kim Anh

Cùng câu hỏi: “Tết năm nay gia đình có về quê ăn Tết không?”, gia đình chị Huỳnh Thị Kim Trâm (41 tuổi, quê An Giang) cũng lắc đầu dù quê cách Sài Gòn không quá xa. Chị cho biết vợ chồng chị mỗi năm thường chỉ về quê 1 lần, có năm không có tiền để về. Tết năm nay, anh chị thống nhất với nhau là sẽ ở lại ăn tết thành phố vì khi nghĩ đến tiền xe đã cảm thấy không đủ khả năng.

Tình hình dịch Covid-19 kéo dài, công việc không thuận lợi khiến suy nghĩ về quê ăn Tết đã không còn trong tâm trí của những người công nhân này thay vào đó là suy nghĩ là làm sao để đủ ăn, để sống qua ngày.

Trần Kim Anh

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Thêm hai bệnh nhân Covid-19 ở Đà Nẵng tử vong (10/08/2020)

>   Sáng nay không thêm ca nhiễm nCoV (10/08/2020)

>   Trứng cá lóc tiền triệu được săn lùng (10/08/2020)

>   Thêm 29 ca nhiễm nCoV (09/08/2020)

>   Giá rau ở chợ tăng, siêu thị ổn định (09/08/2020)

>   Trợ cấp thất nghiệp 600 USD/tuần cứu hàng triệu gia đình Mỹ (08/08/2020)

>   Xe buýt Sài Gòn thiếu nhà chờ (08/08/2020)

>   Nhà cửa sạch sẽ mang lại lợi ích gì cho bạn? (08/08/2020)

>   Sài Gòn những ngày quay cuồng với vàng (08/08/2020)

>   Hà Nội: Dựng lều dã chiến, phong tỏa 2 tòa chung cư vì cư dân nghi nhiễm Covid-19 (08/08/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật