Cổ phiếu ngành than ‘trở mình’
Trước đây, cổ phiếu doanh nghiệp ngành than kém sức hút dòng tiền ngắn hạn dù hoạt động kinh doanh ổn định, ít phải lo thị trường đầu ra. Nhưng gần đây, cổ phiếu ngành than lại được chú ý khi có mức tăng thị giá khá cao từ đầu năm đến nay, thanh khoản vì vậy cũng nhiều hơn trước.
Tăng doanh thu, lợi nhuận 6 tháng đầu năm
Trên sàn chứng khoán, hiện có 9 cổ phiếu ngành than được niêm yết gồm Than Mông Dương - Vinacomin (MDC), Kinh doanh Than Miền Bắc - Vinacomin (TMB), Xuất nhập khẩu Than - Vinacomin (CLM), Than Đèo Nai - Vinacomin (TDN), Than Cọc Sáu - Vinacomin (TC6), Than Vàng Danh - Vinaconmin (TVD), Than Hà Lầm - Vinacomin (HLC), Than Hà Tu - Vinacomin (THT) và Than Núi Béo - Vinacomin (NBC). Điểm chung của các doanh nghiệp này là đều niêm yết trên HNX, cổ đông Nhà nước TKV (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) sở hữu trên 50% vốn, thị giá cổ phiếu thấp - đa số giao dịch dưới mệnh giá.
|
Trong 6 tháng đầu năm 2020, đa số doanh nghiệp ngành than đều tăng doanh thu so với cùng kỳ năm trước, đứng đầu là CLM với doanh thu gấp đôi cùng kỳ. Có thể lý giải, doanh thu của hầu hết doanh nghiệp ngành than tăng trưởng do nhu cầu tiêu thụ than tăng nhanh, chủ yếu là than nhiệt (bitum, antraxit…) để cung cấp cho nhiệt điện, xi măng, phân đạm, hóa chất; than mỡ phục vụ luyện kim; than bùn sử dụng làm chất đốt, phân bón.
8 trong số 9 doanh nghiệp nói trên có lợi nhuận sau thuế (LNST) tăng trưởng so cùng kỳ, chỉ NBC bị lỗ. Trong đó, 5 doanh nghiệp có mức tăng LNST trên 100% là MDC, TMB, CLM, TDN và TC6. Đáng chú ý, MDC có mức tăng LNST gấp đến hơn 17 lần cùng kỳ.
Trường hợp NBC báo lỗ 144 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 16 tỷ đồng, được lý giải do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến lao động bị thiếu hụt, bố trí sản xuất gặp khó khăn, sản lượng thấp không đạt kế hoạch. Giấy phép khai thác lộ thiên mới được cấp ngày 28/04/2020 nên từ ngày 02/05 mới được triển khai, sản lượng than nguyên khai 6 tháng chỉ đạt 29% kế hoạch năm. Tình hình tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, sản lượng than tiêu thụ chủ yếu là than chất lượng thấp, lỗ giá bán.
So kế hoạch kinh doanh 2020, hầu hết doanh nghiệp đều thực hiện được chỉ tiêu kế hoạch doanh thu và lợi nhuận nửa đầu năm. Đáng chú ý, TDN vượt kế hoạch cả năm 45% chỉ sau 6 tháng.
Sinh lời cao, cổ phiếu “hết ế”
Trước đây, nhóm cổ phiếu ngành than thu hút nhà đầu tư dài hạn mua hưởng cổ tức. Nay, nhóm cổ phiếu này thu hút được nhà đầu tư tham gia lướt sóng.
Ngoài cổ tức, từ đầu năm 2020 đến nay, đa số cổ phiếu trong nhóm được xem là ổn định này đem lại mức sinh lời thị giá vượt trội bất chấp biến động tiêu cực của thị trường chung, nhờ giá và nhu cầu than tăng cao.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 21/08/2020, cổ phiếu ngành than có mức tăng thị giá khá tốt, với TMB và MDC tăng gần 58%, TDN tăng gần 37%, HLC tăng hơn 16% và THT tăng hơn 13%. TVD tăng nhẹ hơn 4%. Chỉ có 2 mã giảm giá là NBC và CLM.
Khối lượng giao dịch bình quân (KLGDBQ) của nhiều cổ phiếu tăng lên. Các cổ phiếu có KLGDBQ qua 1 quý trên 10,000 cp/phiên là TDN, THT, TC6, TVD và NBC.
Câu hỏi đặt ra với nhà đầu tư là liệu doanh nghiệp ngành than còn tiếp tục tăng doanh thu, lợi nhuận? Theo lãnh đạo Chính phủ, trong điều kiện quy mô kinh tế và thu nhập bình quân đầu người giai đoạn hiện nay và tới đây, than vẫn là nhiên liệu phục vụ sản xuất điện có giá thành chấp nhận được đối với nền kinh tế và đa phần người dân, chỉ sau thủy điện. Nguồn điện than có giá thành rẻ hơn so với điện gió, điện năng lượng mặt trời, điện khí.
Theo Quy hoạch ngành than Việt Nam đến năm 2020 - có xét triển vọng đến năm 2030, nhu cầu than dành cho nhiệt điện là 64.1 triệu tấn vào năm 2020 và lên đến 131.1 triệu tấn vào năm 2030. Tuy nhiên, sản lượng khai thác than trong nước chỉ ước đạt 47-50 triệu tấn năm 2020 và 55-57 triệu tấn năm 2030. Trong khi đó, nguồn than khai thác còn phải dành cho nhiều lĩnh vực khác như luyện kim, xi măng, phân bón, hóa chất và các đối tượng tiêu thụ khác. Riêng các nhóm đối tượng này ước cần 25.5 triệu tấn than vào năm 2030. Như vậy, tổng nhu cầu sản lượng than cả nước vào năm 2030 lên gần 157 triệu tấn.
Nhu cầu cao, không ít doanh nghiệp ngành than làm ăn hiệu quả, được đánh giá cao về chất lượng tài sản và nguồn vốn, có triển vọng trở thành nơi gửi gắm kỳ vọng của nhà đầu tư.
Gia Nghi
FILI
|