Bộ TN-MT lập đoàn kiểm tra sử dụng đất tại 2 sân golf ven hồ Đại Lải
Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT) mới có quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc quản lý sử dụng đất tại dự án sân golf Đại Lải và sân golf Heron Golf Cam & Resort (sân golf Đầm Vạc) ven hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc).
Hồ Đại Lải vài năm gần đây bị xâm lấn nhiều diện tích mặt nước. Ảnh: Lê Quân
|
Ngoài nội dung kiểm tra việc sử dụng đất tại 2 sân golf Đại Lải và sân golf Đầm Vạc, quyết định do ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT) ký ban hành thể hiện đoàn kiểm tra cũng sẽ xác minh thông tin phản ánh của báo chí về sai phạm trong quản lý sử dụng đất tại hồ Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc.
Nội dung đoàn kiểm tra sẽ làm rõ tại 2 sân golf Đại Lải và sân golf Đầm Vạc là việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; thực hiện nghĩa vụ tài chính; việc đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Kiểm tra, xác minh theo thông tin phản ánh của báo chí về sai phạm trong quản lý sử dụng đất tại hồ Đại Lải với các nội dung: Sở TN-MT, Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo, cung cấp hồ sơ pháp lý và tình hình quản lý, sử dụng đất của các tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu sai phạm tại hồ Đại Lải cho đoàn kiểm tra.
Theo văn bản của Tổng cục Quản lý đất đai, UBND TP.Phúc Yên (Vĩnh Phúc), UBND các xã nơi có đất tại hồ Đại Lải báo cáo về tình hình sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm tại hồ Đại Lải theo phản ánh của báo chí, trách nhiệm phát hiện, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đất đai.
Đoàn kiểm tra của Bộ TN-MT cũng sẽ kiểm tra thực địa của các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng đất có dấu hiệu sai phạm tài hồ Đại Lải theo phản ánh của báo chí…
Đoàn kiểm tra do Phó cục trưởng Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai Nguyễn Văn Trị làm trưởng đoàn, thực hiện nhiệm vụ trong 15 ngày. Kết quả làm việc thông báo cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc để thống nhất chỉ đạo, triển khai.
Cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra thông tin phản ánh liên quan đến các công trình "bức tử" hồ Đại Lải, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Liên quan đến sai phạm ở hồ Đại Lải, Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ NN-PTNT cũng đã công bố kết luận kiểm tra và nêu lên nhiều bất cập cũng như vi phạm của các doanh nghiệp khi triển khai các dự án tại hồ Đại Lải.
Theo kết luận này, việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao đất, cho thuê đất và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải cho các doanh nghiệp thực hiện dự án đã làm giảm dung tích hữu ích và dung tích phòng lũ của hồ chứa, ảnh hưởng đến nhiệm vụ và an toàn của hồ là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi.
4 doanh nghiệp trong diện kiểm tra của Tổng cục Thủy lợi gồm Công ty TNHH Đại Lải (dự án khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải); Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng (dự án khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải - Paradise Đại Lải Resort); Công ty TNHH Đạt Tiến (dự án khu biệt thự, ẩm thực cao cấp Đảo Ngọc); Công ty CP Hồng Hạc Đại Lải (dự án khu du lịch sinh thái Flamingo Đại Lải Resort).
Kết luận của Tổng cục Thủy lợi đã chỉ rõ, trong 4 doanh nghiệp được kiểm tra thì có 3 doanh nghiệp gồm Công ty Đại Lải, Công ty Nhật Hằng, Công ty Đạt Tiến không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hoặc hoạt động không đúng nội dung quy định của giấy phép đã được cấp. Dù thế, cả 3 doanh nghiệp này đã san nền, đổ đất, xây tường kè, đắp đường ngăn hồ... trong phạm vi bảo vệ hồ chứa Đại Lải. Việc này được kết luận là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi.
Ngoài ra, qua kiểm tra hiện trường dự án khu biệt thự, ẩm thực cao cấp Đảo Ngọc ở hồ Đại Lải thì Công ty Đạt Tiến đã đóng cọc chắn sóng, kè bê tông, đổ đất lấn chiếm về phía lòng hồ...
Lê Quân
Thanh niên
|