WB: Tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đứng thứ 5 thế giới
Ngân hàng Thế giới (World Bank, WB) vừa công bố báo cáo "Trạng thái Bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao?". Trong báo cáo, World Bank đánh giá dịch Covid-19 là cú sốc cả về y tế và kinh tế với các nước trên thế giới, trừ Đông Á, tất cả khu vực khác đều được dự báo tăng trưởng âm trong năm 2020.
Báo cáo nhận định, không những cả thế giới phải đối mặt với cuộc suy thoái tồi tệ nhất mà có lẽ hầu hết các quốc gia đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tác động của đại dịch. Ngoại trừ khu vực Đông Á, tất cả khu vực còn lại đều đưa ra báo cáo tăng trưởng GDP bị âm trong năm 2020. Tương tự, chỉ có 57 trên 191 quốc gia dự kiến có tăng trưởng GDP từ năm 2019-2020, thấp hơn con số 171 cách đây một năm. Nếu đại dịch lần này được từng bước kiểm soát, nền kinh tế thế giới sẽ lại tăng trưởng ở mức bình quân 4% vào năm 2021. Nhưng đến nay, chưa ai có thể nói điều gì.
Nền kinh tế Việt Nam bị tổn thương nhưng vẫn có khả năng chống chịu
Nhìn vào tốc độ tăng trưởng 1.8% trong nửa đầu năm 2020, nền kinh tế Việt Nam đã bị tổn thương nhưng vẫn thuộc dạng năng động nhất trên thế giới. Khả năng chống chịu về kinh tế có thể được lý giải qua hai giai đoạn.
Giai đoạn một từ tháng 2-4, khu vực doanh nghiệp nước ngoài là động lực chính với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (ròng) tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục trên 10% một tháng (so cùng kỳ năm trước). Cũng trong giai đoạn một, khu vực kinh tế trong nước bị suy giảm do gia tăng giãn cách xã hội và hạn chế đi lại, đỉnh điểm là yêu cầu cách ly gần như toàn xã hội trên toàn quốc vào tháng 4.
Trong giai đoạn hai từ tháng 5 đến nay, khu vực kinh tế trong nước được phục hồi khi các cấp có thẩm quyền bắt đầu nới lỏng hầu hết biện pháp hạn chế đi lại - điển hình là sản xuất chế tạo và chế biến tăng đến trên 30% trong hai tháng vừa qua. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu giảm đà do sức cầu yếu hơn ở các đối tác thương mại chính của Việt Nam.
Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nguồn kiều hối của người Việt Nam ở nước ngoài cũng có dấu hiệu yếu đi. Về tổng thể, mặc dù nền kinh tế tỏ ra có khả năng chống chịu, nhưng nhiều người dân và doanh nghiệp đã cảm nhận được thực tế khốc liệt của đại dịch lần này.
Triển vọng trước mắt và trung hạn là tích cực với nhiều bất định
Mặc dù kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong nửa đầu năm 2020, nhưng viễn cảnh trước mắt và trong trung hạn vẫn tích cực.
Giả sử nền kinh tế thế giới được từng bước cải thiện, GDP sẽ phục hồi lại vào nửa sau của năm 2020, tăng trưởng kinh tế quốc gia sẽ rơi vào khoảng 2.8% cho cả năm, tăng trưởng thứ 5 trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục được nâng lên đến 6.8% vào năm 2021 (theo kịch bản cơ sở).
Trong trường hợp tình hình bên ngoài kém thuận lợi, nền kinh tế sẽ chỉ đạt tăng trưởng lần lượt ở mức 1.5% vào năm 2020 và 4.5% vào năm 2021 (theo kịch bản xấu hơn). Cho dù theo kịch bản gì, Việt Nam vẫn được cho là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trên thế giới vào năm 2020. Thách thức chính của Việt Nam là phải tìm ra động lực mới để hỗ trợ phục hồi theo dự kiến trong ngắn và trung hạn.
Tránh rơi vào bẫy kinh tế
WB cho rằng nếu dịch bệnh được kiểm soát, các thiệt hại này có thể dần khôi phục. Rủi ro lớn nhất hiện tại của Việt Nam là rơi vào bẫy kinh tế của Covid-19.
Ông Jacques Morisset - Kinh tế trưởng WB Việt Nam - cho biết: "Đến đầu năm 2020, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn là tiêu dùng trong nước và sức cầu nước ngoài. Hai động lực trên đóng góp đến 75% tăng trưởng GDP trong các năm 2016-2019. Trong thời gian tới, hai động lực này khó phục hồi sớm do nhiều nước trên thế giới vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch và hầu hết người Việt Nam vẫn mang tâm lý ngại rủi ro, muốn tiết kiệm" .
Trong khi đó, bà Stefanie Stallmeister - Quyền Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam - cho biết: "Để thích nghi với trạng thái bình thường mới, các nhà hoạch định chính sách cần tìm ra hướng đi mới để bù lại động lực tăng trưởng truyền thống đang yếu đi, đồng thời quản lý được tình trạnh bất bình đẳng gia tăng".
Báo cáo còn chỉ ra có 4 xu hướng mới sẽ phát sinh tại Việt Nam sau dịch Covid-19. Một là, Nhà nước sẽ có vai trò mới - chi tiêu nhiều hơn, tốt hơn, tập trung vào các ngành chịu nhiều thiệt hại nhất do đại dịch. Hai là, sự trỗi dậy của nền kinh tế không đòi hỏi tiếp xúc trực tiếp. Ba là, Việt Nam sẽ có cơ hội nâng vị thế trong kinh tế toàn cầu. Cuối cùng là, có thể xuất hiện tình trạng bất bình đẳng mới do tác động khác nhau của đại dịch lên các ngành nghề, cá nhân ở các vùng miền khác nhau.
Hàn Đông
FILI
|